Tăng trưởng GDP quý I năm nay ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước – là mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Đáng chú ý, nếu như trên bình diện quốc gia, bức tranh kinh tế quý đầu tiên năm 2020 có màu ảm đạm so với nhiều năm qua, thì xét ở tầm khu vực và so với nhiều nền kinh tế khác, các chuyên gia khẳng định, kết quả này đạt mức khá. Và không phải mọi hoạt động, không phải tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều ngưng trệ hay có nguy cơ “sụp đổ”. Toàn nền kinh tế vẫn có những điểm sáng cần nhận diện, thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cụ thể, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực thuộc 3 khu vực kinh tế đều chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi trước đó đã chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, hạn hán, xâm nhập mặn, thêm ảnh hưởng của Covid-19, mức tăng trưởng chỉ đạt 0,08%. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%; ngành lâm nghiệp đạt mức 5,03% nhưng tỷ trọng lại thấp; ngành thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương 1/2 cùng kỳ năm trước.
Khu vực kinh tế thứ 2 là công nghiệp và xây dựng, quý này chỉ tăng 5,15%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng trưởng âm, còn công nghiệp chế biến chế tạo tuy đạt mức tăng không cao, là 7,12% - thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ trước, nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của nền kinh tế.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ ra những điểm sáng trong khu vực kinh tế này, đó là: ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng tới 28,3% so với cùng kỳ năm trước do sản xuất thuốc phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành sản xuất phân phối sản phẩm dầu mỏ tinh chế; ngành sản xuất thực phẩm, điện tử, máy tính quang học chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện điện tử cũng tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào ngân sách.
“Ngành sản xuất thực phẩm, điện tử, máy tính quang học chủ yếu là điện thoại di động và linh kiện điện tử lúc đầu chúng ta nghĩ rằng sẽ chịu tác động lớn, có thể sụt giảm do nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng ngược lại, do Samsung cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại di động chất lượng cao đến Hải Phòng. Trong bối cảnh Trung Quốc hạn chế sản xuất và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang tồn tại, nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới chuyển sang nhập khẩu linh kiện điện tử sản xuất từ Việt Nam”, ông Phạm Đình Thúy phân tích.
Thông thường, dịch vụ luôn là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm nội địa, nhưng tác động của dịch bệnh covid 19 đã khiến mức tăng trưởng quý này chỉ đạt 3,27% - bằng một nửa cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Tùng, Giám đốc chuỗi nhà hàng ăn nhanh Pizza Home – doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ ăn uống lấy ví dụ để khẳng định những khó khăn trong thực tiễn sản xuất kinh doanh nội ngành trong những ngày này: “Tình hình kinh doanh của các chuỗi của hàng ăn uống, thực phẩm nói chung thời gian này rất ảm đạm. Dịch Covid-19 xảy ra khiến cho mức độ chi tiêu của mọi người khi đến các nhà hàng giảm đi rất nhiều, lợi nhuận giảm rất nhiều. Thứ hai, nguyên phụ liệu thực phẩm giá thành tăng lên, thành ra công việc kinh doanh cũng khó khăn”.
Thực tế ảm đạm này cũng đã được cơ quan thống kê ghi nhận trên diện rộng. Thế nhưng, tác động tiêu cực chỉ thể hiện trong khoảng 2-3 tuần gần đây, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, còn 2 tháng đầu năm (trừ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), các doanh nghiệp diện này vẫn kinh doanh tốt. Đó là lí do mức suy giảm chưa đáng báo động, không phải tăng trưởng âm. Chưa kể, những hoạt động liên đới, hậu cần của toàn ngành dịch vụ lại có cơ hội tăng trưởng mạnh như: ngành thương mại điện tử và logistics phân mảng giao hàng nhanh.
Thống kê sơ bộ, doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng tới 30% so với cùng kỳ do lợi thế hạn chế tiếp xúc. Kéo theo đó là sự năng động của ngành logistics (giao nhận hàng hóa) với tốc độ tương ứng, đóng góp nhiều cho GDP 3 tháng đầu năm.
Đáng chú ý nhất trong bức tranh kinh tế quý I/2020 là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Nếu đến hết ngày 31/1, giải ngân vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương mới chỉ đạt 0,95% kế hoạch Nhà nước giao thì đến cuối tháng 3, con số này đã tăng lên 13,2% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư khẳng định “tốc độ giải ngân vốn đầu tư công quý 1 phản ánh các giải pháp của Chính phủ ngày càng thực chất-hiệu quả”.
“Thực tiễn này do sự đổi mới điều hành chính sách của Chính phủ đó là Chính phủ đã giao hết vốn kế hoạch cho các địa phương và các bộ, ngành ngay từ đầu năm. Các năm trước Chính phủ giao thành nhiều lần, bộ, ngành và địa phương không chủ động được. Đồng thời, Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã có những điểm thay thế những bất cập cũ, làm thủ tục đầu tư được đơn giản hơn, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn. Nếu đầu tư công tăng thêm 1% thì sẽ đóng góp cho tăng trưởng 0,06 điểm %, sẽ lan toả và đóng góp cho ngành xây dựng tăng thêm 1,34 điểm %. Điều này hàm ý là vốn đầu tư công chủ yếu đi vào cơ sở hạ tầng và làm nguồn vốn mồi để cho các khu vực khác tạo ra giá trị sản xuất”, ông Nguyễn Việt Phong nhận định.
Chỉ một vài ví dụ điển hình như vậy để thấy bức tranh kinh tế không chỉ toàn màu xám như dư luận đang lo ngại. Bức tranh kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng cần được ghi nhận, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, làm động lực cho toàn nền kinh tế, đặc biệt trên bối cảnh nhiều nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm nghiêm trọng.
GDP quý I đạt 3,82% là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của từng khu vực kinh tế, của nguồn nhân lực trong nhiều ngành, nghề - vì mục tiêu chung là vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, phục hồi tăng trưởng trong các giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.
Bình luận