Theo ông Nobufumi Miura, ở Việt Nam, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí và xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến những mối nguy hại về sức khỏe cho người dân Việt Nam.
Cũng theo đại diện JCCI, vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ quả dễ thấy là dòng vốn đầu tư từ công ty nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế. Vị này ước tính, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tại Việt Nam ở mức 5% GDP và đây là một vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng.
Vì vậy, theo Chủ tịch JCCI, việc tăng cường các quy định của Chính phủ và đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện môi trường là vô cùng cấp thiết.
Ngoài vấn đề môi trường, ông Miura Nobufumi còn đưa ra nhận xét về môi trường đầu tư Việt Nam và những kiến nghị với Chính phủ Việt Nam. Ông Miura cho rằng, để thu hút FDI hiệu quả, Việt Nam cần đưa ra những ưu tiên rõ ràng hơn, như ưu tiên sức khỏe môi trường hơn so với phát triển công nghiệp, cần ổn định môi trường pháp lý để đảm bảo lợi ích hợp lý của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch VBF thì cho rằng, các cơ hội để phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững như nhiều quốc gia trên thế giới là rất rõ ràng. Hội nhập toàn cầu đã tạo cơ hội để Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn có lợi cho Việt Nam và thu hút đầu tư nước ngoài như mong muốn.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hội nhập cũng dẫn đến những lo ngại về thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến sự ổn định tiền tệ, việc làm cho người lao động trong nước…
Theo bà Virginia Foote, Việt Nam đang ở vị thế tốt, có điều kiện để nắm bắt các cơ hội trong dài hạn, mặc dù vậy, cần thiết lập các hệ thống sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút thêm FDI và tăng cường liên kết chuỗi để đạt được nhiều lợi ích hơn từ những cơ hội này.
Bình luận