Ngày 4 và 5/10, các trường đại học trên toàn quốc đồng loạt công bố điểm chuẩn năm 2020. Đáng chú ý, điểm chuẩn năm nay tăng mạnh so với năm 2019, nhiều ngành tăng mạnh từ 2-3 điểm, tiệm cận 30 điểm. Cá biệt, có ngành đạt mức điểm chuẩn tối đa 30/30 điểm.
Điểm cao vẫn trượt
Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, không ít thí sinh tiếc nuối vì điểm khá cao nhưng không đỗ bất kỳ ngành nào. Có mong muốn theo đuổi ngành Marketing, Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) quyết định đăng ký 9 nguyện vọng vào các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương Mại, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Công nghiệp Hà Nội và đăng ký thêm Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính.
Tuấn dự đoán, mức điểm có thể tăng 1-2 điểm so với năm trước, nhưng khi biết điểm, Tuấn “ngã ngửa” thất vọng bởi tất cả 9 nguyện vọng đăng ký đều không đủ điểm.
Những ngành Tuấn đăng ký đều tăng mạnh từ 3-4 điểm, trung bình điểm chuẩn đều ở mức trên 25.
"Em khá chủ quan, dù được tư vấn đăng ký thêm 1 số ngành có mức điểm thấp hơn để dự trù, nhưng em nghĩ rằng với mức điểm 24 và số nguyện vọng như vậy, em vẫn sẽ trúng tuyển ít nhất 1 nguyện vọng.
Mức điểm tăng mạnh không như dự đoán của em. Em rất băn khoăn về cơ hội xét tuyển bổ sung, vì đa số các trường top trên và top giữa đều đã tuyển sinh đủ”, Tuấn lo ngại.
Giống như Tuấn, Nguyễn Phương Anh (Hải Dương), có nguyện vọng theo học ngành Truyền thông đa phương tiện. Đạt 24,5 điểm khối D00, Phương Anh đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyện vọng tiếp theo là các ngành Truyền thông đại chúng, Chuyên ngành báo mạng điện tử...
Trong đợt thay đổi nguyện vọng, Phương Anh chỉ đăng ký thêm ngành Báo chí thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tuy nhiên tất cả những ngành này đều có mức điểm trúng tuyển rất cao. Nữ sinh phải ra về “tay không” vì không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.
“Với mức điểm này, em đang rất lo ngại về cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung khi cơ hội không còn nhiều. Em đang mong ngóng danh sách các trường tuyển bổ sung đợt 1. Em cũng đã nghĩ đến phương án, nếu không chọn được những ngành học đúng mong muốn, em sẽ đợi để thi lại vào năm sau thay vì vào đại học bằng mọi giá”, Phương Anh chia sẻ.
Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, điểm chuẩn năm nay cao hơn năm 2019 do đề thi “dễ thở” hơn, phổ điểm các khối thi đều cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, các trường đại học xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau, dẫn đến giảm số lượng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Không nhiều cơ hội trường top giữa đến top trên
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, cả nước có 161 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Đánh giá về những cơ hội cho thí sinh trong đợt tuyển tiếp theo, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, con số 161 căn cứ trên dữ liệu lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Song số lượng này vẫn sẽ thay đổi dựa vào tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học.
“Nhiều em dù đỗ nhưng vẫn có những lựa chọn khác như đi du học. Kinh nghiệm từ các năm cho thấy, nếu trường gọi 100 em, thì sẽ có khoảng 60-70 em nhập học. Số lượng sinh viên nhập học thực tế sẽ ít hơn số liệu của Bộ GD&ĐT thống kê trên phần mềm khi lọc ảo”, TS Lê Trường Tùng cho biết.
Theo thầy Tùng, điểm thi năm nay có nhiều biến động, do chủ quan, không ít thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn chưa trúng tuyển trong đợt 1. Thầy Tùng cho biết, từ ngày 15/10, các trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ đồng loạt thông báo tuyển bổ sung, các thí sinh cần theo dõi sát thông tin các trường, có sự lựa chọn cẩn trọng để trúng tuyển trong đợt tuyển bổ sung lần 1.
“Những em trượt lần 1, nhưng có mức điểm cao, cũng không quá lo lắng, vì một số trường thiếu vẫn sẽ tuyển bổ sung. Cơ hội cho các em vẫn còn", thầy Tùng nói.
Riêng Đại học FPT, TS Lê Trường Tùng cho biết, trường dành khoảng 1000 chỉ tiêu cho những thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Sau đợt tuyển đầu tiên, trường vẫn còn thừa 1 số chỉ tiêu, và có thể tuyển bổ sung trong đợt 1.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học QG Hà Nội) cho biết, trong đợt tuyển sinh đầu tiên, trường cơ bản đã tuyển đủ. Hiện tại trường không có kế hoạch tuyển bổ sung.
“Con số 161 trường tuyển đủ ngay đợt đầu là một tín hiệu tốt, hầu hết các trường top trên, top giữa về cơ bản đã tuyển sinh đủ. Nhưng cũng có 1 số ngành, trường vẫn sẽ tuyển bổ sung. Các trường sẽ tính toán dựa trên số lượng thí sinh rút, nộp hồ sơ để đưa ra số lượng tuyển bổ sung”, thầy Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Thầy Tuấn cũng khuyên các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 cần lưu ý sắp xếp các nguyện vọng bổ sung một cách cẩn trọng, tránh tình trạng chủ quan, không đăng ký dôi dư nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy Lợi cũng cho biết, cơ sở tại Hà Nội của trường cơ bản đã tuyển sinh đủ ngay đợt đầu tiên. Hiện trường đang xem xét, họp bàn có thể tuyển bổ sung tại phân hiệu Hưng Yên một số ngành.
Ở khu vực phía nam, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng cho biết, điểm chuẩn đại học cao đã được dự đoán từ trước.
"Trong khi tư vấn tôi đã khuyên các em nên tận dụng phương thức “lọt sàng xuống nia” và đăng ký ít nhất 10 nguyện vọng, trong đó có nguyện vọng ở ngành điểm cao và ngành dự kiến có điểm chuẩn thấp nhưng nhiều em chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng nên dù điểm cao vẫn trượt. Mức điểm 25, 26 năm nay cũng chỉ tương đương 22, 23 năm ngoái, do đó chưa thể đỗ vào các ngành hot", ông Dũng nói.
Thầy Dũng cho biết, hiện nay cơ bản các trường top trên, top giữa đều đã tuyển đủ: “Cơ hội vào các trường tốt không còn nhiều. Đa số ngành hot, trường top trên đều đã tuyển sinh xong ngay đợt 1, điểm trúng tuyển cũng rất cao, nên không còn nhiều cơ hội cho các em trượt trong đợt 1. Các em có thể tham khảo những trường có mức điểm thấp hơn, hoặc trường ngoài công lập”.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường, chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non, có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15/10 cho đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/2.
Bình luận