Dấu tích thành trì hay đất núi bị khai thác?
Trong quá trình tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử ở xã Liên Khê, huyện Thủy nguyên (Hải Phòng), PV VTC News có cơ hội được tiếp cận với nhiều dấu tích vật chất liên quan đến Vương triều Mạc thế kỷ XV, XVI tại thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê. Trong đó, có dấu tích thành lũy nhà Mạc.
PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện Khảo cổ học cho biết, có thể nhận định được điều đó là thông qua những tư liệu thực địa tại các địa danh Thành Dền, Đấu Đong, sông Giá, núi Cổ Rẹo, Cổ Ngựa, khu vực nghĩa trang nhân dân của thôn Thiểm Khê, khu vực nối chân núi Dền với núi Cổ Ngựa, khu vực chùa Sối, khu vực núi Bụt Mọc, khu vực núi/hang Bài Tằm, khu vực núi/hang Lợp, hốc đá phía Đông chân núi/hang Cống Đá, thôn Thiểm Khê, khu vực núi/hang Bờ Hồ, khu vực cánh đồng phía trước Thành Dền, khu vực cánh đồng Mộc Hòa, đường mòn nhà Mạc, thôn Quỳ Kê; những ghi chép trong chính sử, văn bia, tư liệu văn hóa dân gian…
Theo chân ông Mạc Kim Trọng – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền khám phá vùng đất Thiểm Khê, nơi có di tích Thành Dền – Đấu Đong, thật khó để nhận ra nơi đây một thời đã là khu căn cứ phòng thủ vững chắc của nhà Mạc.
Bởi lẽ, sự tàn phá của con người, cụ thể là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã khiến thành Dền – Đấu Đong chỉ còn lại những dấu tích ít ỏi. Thay vào đó là những hố sâu do những lần nổ mìn, khai thác khoáng sản.
Một điều khá lạ là những dấu tích thành nhà Mạc còn lại nằm bên cạnh nghĩa trang, gần ngay lối dẫn vào khai trường khai thác đá của Công ty Cổ phần Tân Phú Xuân. Nếu như những nhà khảo cổ, nghiên cứu hay người dân đều cho rằng đó là dấu tích tường thành nhà Mạc thì lãnh đạo địa phương lại bác bỏ điều này.
Ông Nguyễn Tiến Tập – Chủ tịch UBND xã Liên Khê, người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này khẳng định với PV, đó chỉ là những đất còn sót lại của núi Thành Dền sau khi bị khai thác. Dù 5 lần 7 lượt PV đã vẽ lại vị trí đoạn đất đó cũng như cho ông Tập xem ảnh hay chỉ trên bản đồ, vị Chủ tịch xã Liên Khê vẫn khẳng định chắc nịch, không có thành nào ở đây.
Trái ngược với ý kiến của Chủ tịch UBND xã Liên Khê, ông Đỗ Xuân Trung – Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng lại chỉ ra, qua khảo sát trực tiếp và qua câu chuyện của người dân, đoạn đất còn sót lại đó mặc dù đã bị biến dạng nhưng chính là thành của nhà Mạc.
Trước đây, thành đó dài ra tới bờ sông Đá Bạc nhưng từ những năm 70 do sự tàn phá nên giờ chỉ còn 1 đoạn không nguyên vẹn.
Sự hoang tàn của một vùng di sản văn hóa
Trong Công văn số 470/KHĐT-VXH của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng gửi UBND TP Hải Phòng có nêu rõ: “Sau khi thảo luận các ngành, địa phương thống nhất ý kiến: Khu vực Thành Dền là khu vực phòng thủ của nhà Mạc, gắn với truyền thuyết là nơi an táng của các Vua nhà Mạc.
Việc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền đầu tư dự án tôn tạo, xây dựng khu di tích căn cứ phòng thủ và lăng mộ các Vua nhà Mạc tại đây nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị khảo cổ, lịch sử, văn hóa quý giá, đồng thời tôn tạo, khôi phục cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn trên địa bàn huyện Thủy Nguyên là cần thiết, có ý nghĩa, cần được khuyến khích và phát huy”.
Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cũng khuyến nghị việc cần thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản khu vực cho phù hợp với mục tiêu đầu tư dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, TS Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng), cũng cho biết, tại vùng đất Liên Khê, từ thời nhà Trần đã chọn nơi đây là một trong những điểm ém binh trong các trận đại chiến chống quân xâm lược trên sông Bạch Đằng.
Đến thời nhà Mạc, các Vua Mạc đã chọn nơi đây làm căn cứ phòng thủ chống xâm lược trên cơ sở kế thừa, mở rộng và kiên cố hóa thêm. Đồng thời, cử những tướng tài, tin cẩn cùng hàng vạn quân lính đồn trú, canh giữ tại đây.
“Chúng tôi là tổ chức của các nhà khoa học, đã nghiên cứu dựa trên các tài liệu, sử sách cho thấy, khu vực đó còn lưu giữ nhiều dấu ấn của cha ông để lại trong cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi. Các địa danh còn lưu truyền lại là Thành nhà Mạc, hang Thành Dền, thành Thạch Bích, núi Đấu Đong (để điểm binh – PV), Cửa Chậu, Gầm Tầu (bến tầu xưa)”, ông Kể nói.
Đặc biệt, ông Kể cũng cho biết thêm, từ tháng 4/2011, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ Việt Nam đã tìm thấy ở khu vực núi thuộc thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê nhiều đồ dùng, binh khí bằng kim loại, đồ đồng, gốm sứ nên đã đưa khu vực này thành một địa chỉ cần tiếp tục được bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ học.
Hơn nữa, trong quá trình khai thác đất đá, sản xuất vật liệu xây dựng, tại khu vực này đã phát hiện nhiều binh khí, đồ dùng bằng gốm, sứ được sản xuất và thường dùng ở thời nhà Mạc.
Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng, hiện nay, một số tập thể, cá nhân đã được cấp phép khai thác bừa bãi ở khu di sản, văn hóa này, tàn phá gần như tất cả các dấu tích lịch sử, chỉ còn lại 10%. Đây là sự thật đau lòng khiến các nhà khoa học, giới trí thức Hải Phòng hết sức bất bình.
“PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, người chủ trì cuộc hội thảo “Đánh giá giá trị di sản văn hóa khu di tích Thành Dền, Đấu Đong xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên” từng phát biểu rằng, ở cả khu vực Đồng bằng sông Hồng, cả đất nước Việt Nam, không ở đâu có được mật độ di sản đậm đặc và có giá trị như khu vực này”, TS.Hoàng Văn Kể nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Phương – Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng khẳng định, khu vực núi Thành Dền phản ánh dấu tích nhà Mạc rất rõ.
“Theo tôi nên bảo tồn khu vực này vì ở đó có những dấu tích giai đoạn hậu kỳ nhà Mạc”, ông Phương nói.
Còn nữa!
Bình luận