• Zalo

Di dời cầu Long Biên: Tận dụng ít, tốn kém quá nhiều

Thời sựThứ Tư, 26/02/2014 07:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia về giao thông cho rằng việc di dời cầu Long Biên không tận dụng được bao nhiêu mà lại rất tốn kém.


Bình luận về 3 phương án làm đường sắt qua sông Hồng của Bộ Giao thông vận tải, mới đây trao đổi với phóng viên VTC News, ông Khương Kim Tạo - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có những phân tích rất xác đáng về vấn đề này.

Theo ông Tạo, chúng ta nên giữ nguyên trạng cây cầu Long Biên hiện nay và xây thêm những cây cầu mới nối hai bờ sông Hồng tùy theo điều kiện kinh tế. Khi xây cầu mới cũng nên nghiên cứu kỹ về khoảng cách với cầu Long Biên sao cho nó không ảnh hưởng tới cảnh quan của cây cầu này.

 Ông Khương Kim Tạo

Tương tự như nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, kiến trúc sư khác, ông Tạo cũng cho rằng nên nối hai bờ sông Hồng với nhau bằng nhiều cây cầu, bao gồm cả cầu đường sắt và cầu đường bộ.
Đó là việc cần thiết phải làm để giao thông thông thoáng, thuận lợi cho nhân dân đi lại và tạo điều kiện tốt cho việc phát triển kinh tế, xã hội.
"Việc phát triển các cầu đường sắt cũng là hợp lý, thuận theo nhu cầu phát triển của ngành đường sắt. Thế nhưng đó là quan điểm, định hướng để chúng ta phát triển, xây dựng những cây cầu mới. Còn với những cây cầu cũ như cầu Long Biên thì không áp đặt như thế được!”, ông Tạo nhấn mạnh.

Đừng "chắp vá" lịch sử

Nói về lý do phản đối di dời cầu Long Biên, ông Tạo cho rằng, từ lâu cầu Long Biên đã trở thành một di sản hiện hữu mà lịch sử để lại. Đặc trưng kiến trúc của cây cầu này tương tự như những cây cầu “huyền thoại” ở thủ đô Paris của nước Pháp.

“Như vậy, cầu Long Biên đánh dấu một giai đoạn lịch sử của những đỉnh cao trong vấn đề kết cấu thép. Trải qua năm rộng tháng dài mà nó vẫn đứng vững như thế, tôi cho rằng đó là một minh chứng lịch sử mà chúng ta nên giữ lại tới sau này. Tôi xin khẳng định là chúng ta không có cách gì để mua được nó.
Tôi biết có ý kiến cho rằng ta nên tạo dựng lại một số nhịp cầu sao cho giống với những gì người Pháp đã làm, nhưng tôi thật sự cho rằng đã là lịch sử chúng ta nên để nguyên thế, không nên chắp vá. Cho dù đoạn được “chắp vá” có giống với thiết kế ban đầu của người Pháp hay không thì chúng ta vẫn không nên làm”, ông Tạo khẳng định.

 Cầu Long Biên

Cũng theo ông Tạo, trong điều kiện khó khăn như xưa mà người Việt chúng ta vẫn có thể nối được các nhịp cầu với kết cấu rất đơn giản mà vẫn đảm bảo được giao thông thông suốt tới bây giờ - hàng chục năm sau. Vậy tại sao giờ chúng ta không giữ lại cả phần người Pháp và cha ông ta để lại?

Phải làm thế nào để sau này khi muốn lấy dẫn chứng về việc xây cầu của người Pháp hay dẫn chứng về sự vươn lên của dân tộc Việt Nam thì chúng ta vẫn có cái để con cháu mình nhìn vào đó thấy rõ khả năng làm việc rất tốt của ông cha ta trong điều kiện khó khăn: thiếu vật liệu, sắt thép, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ thi công…

Di dời rất tốn kém!  

Dù đưa ra các lý do rất xác đáng để giữ lại cây cầu lịch sử,  nhưng Phó CVP Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khương Kim Tạo cũng thừa nhận, nếu chúng ta không tác động thì cây cầu này sẽ không thể tồn tại được theo năm tháng.

“Tôi đồng ý là chúng ta phải có những giải pháp để tu sửa sao cho cây cầu này giữ nguyên được hình dáng ban đầu. Trước mắt ta có thể khai thác cây cầu này ở mức độ nhẹ, chỉ cho xe đạp, xe máy đi qua.

Nếu di dời cây cầu này đi chúng ta cũng không tận dụng được bao nhiêu mà còn rất tốn kém. Để làm ra một công trình tốn kém một, nhưng để di dời nó sang chỗ khác nhiều khi tốn kém gấp bội lần giá trị của nó.

Chưa kể di dời cầu sẽ làm mất đi tính lịch sử. Lịch sử của cây cầu đó bắt đầu từ những mố cầu ở các vị trí nhất định, giờ di dời đi chẳng khác nào xóa sạch lịch sử về nó. Tôi cho rằng lịch sử bao gồm cả từ những mố cầu Long Biên trở đi”, ông Tạo nêu quan điểm.

Nói về các giải pháp “cứu” cầu Long Biên, ông Tạo cho rằng, việc cây cầu bị xuống cấp như hiện nay, với công nghệ hiện đại, với trình độ của các kỹ sư và trình độ quản lý nhà nước thì Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của nước ngoài, đặc biệt là các cơ quan của Pháp để bảo trì cây cầu này bền vững theo năm tháng.

Chúng ta không nên cố gắng để phục hồi sao cho cây cầu đó có lại được tải trọng vốn có bởi vì làm một cây cầu mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cập nhật được công nghệ mới bây giờ.

“Sao phải áp dụng công nghệ cũ với cùng chi phí đầu tư như vậy? Đành rằng người ta có thể cho rằng chi phí sửa một cây cầu sẽ thấp hơn so với việc xây mới, nhưng nên nhớ dù có như vậy thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ thấp hơn.

Cũng không nên bàn tới những sai lầm trong lịch sử mà nên bàn xem trong thời gian tới chúng ta nên làm gì để tốt cho con cháu trong tương lai, tốt cho việc sử dụng, có hiệu quả về mặt kinh tế và cũng là để con cháu chúng ta khỏi tốn công sức đục đẽo thứ chúng ta đang xây dựng bây giờ”, ông Tạo nói thêm.

Rất nhiều chuyên gia về giao thông, kiến trúc sư, nhà văn hóa, nhà lịch sử…cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả những ý kiến trái chiều về việc bảo tồn cầu Long Biên.

Bình luận
vtcnews.vn