• Zalo

Đề xuất nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh: Hợp lý nhưng chưa đủ

Tài chínhThứ Hai, 09/12/2024 15:29:31 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều ý kiến cho rằng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và với doanh nghiệp từ 100 triệu đồng là hợp lý nhưng chưa phải biện pháp duy nhất.

Hợp lý và đúng luật

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch - Đoàn luật sư Hà Nội, nêu ý kiến: Mức nợ thuế 10 triệu đồng để tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là hợp lý, xét trong bối cảnh giá trị tiền tệ và mức sống tăng cao như hiện tại. Đây là mức “vừa sức”, tránh việc áp dụng cho những khoản nợ nhỏ, gây phiền hà không cần thiết. 

Đối với doanh nghiệp, mức nợ 100 triệu đồng cũng là phù hợp, nhằm tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá cao để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và đối với doanh nghiệp nợ từ 100 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và đối với doanh nghiệp nợ từ 100 triệu đồng. (Ảnh minh họa)

Theo ông Tuấn Anh, đề xuất này cũng đúng luật khi Điều 47, Hiến pháp 2013 quy định mọi người phải nộp thuế. Biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với cá nhân hay doanh nghiệp đang trong tình trạng nợ thuế nhằm đảm bảo các nghĩa vụ tài chính của người nộp thuế đối với Nhà nước. 

Thực tế, việc tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với cá nhân hay đại diện doanh nghiệp vốn đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, có thể kể đến như Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về trách nhiệm Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.

Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”, ông Tuấn Anh dẫn chứng.

Đồng thời, khoản 5 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh 2019 cũng đã quy định rõ về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: “Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”. 

Dù rằng quyền tự do đi lại, xuất cảnh là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp Việt Nam quy định nhưng nhằm đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cũng như ngăn ngừa hành vi trốn thuế và tạo áp lực thúc đẩy người nộp thuế ưu tiên giải quyết nợ thuế thì việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là hợp lý và việc đặt ra tiêu chí cụ thể đối với từng trường hợp cũng sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong công tác xử lý.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, lại cho rằng khi xác định ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh nếu quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh phải là con số có cơ sở logic và liên kết chặt chẽ với các quy định pháp luật khác, nhưng cũng cần đơn giản dễ nhớ và dễ thực hiện. Khi đó người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn.

Chẳng hạn, thay vì đặt ra số cụ thể 10 triệu đồng đối với cá nhân, ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh. Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp. Thời gian cũng nên tính theo 3 tháng, 6 tháng, 1 năm... 

"Theo tôi, mức khởi điểm hiện nay đối với cá nhân là 11 triệu, với doanh nghiệp là 100 triệu thì sau 6 tháng nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Nếu số nợ gấp 3 lần số khởi điểm trở lên thì sau 1 tháng cấm xuất cảnh. Sau này sẽ tăng theo con số cơ sở trên, chẳng hạn như cá nhân từ 15 triệu đồng, doanh nghiệp từ 200 triệu đồng".

Cần thêm biện pháp khác

Mặc dù ủng hộ nhưng luật sư Tuấn Anh nhận định, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với trường hợp nợ thuế nên được áp dụng linh hoạt, kín kẽ. Vì bên cạnh những trường hợp cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế thì cũng có những trường hợp thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn…Họ cần sự hỗ trợ như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nên tùy từng trường hợp.

Tương tự, với doanh nghiệp cũng nên có mức cụ thể với quy mô từng đơn vị như doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp lớn thì phải có mức khác nhau. Việc quy định chi tiết như thế này sẽ hạn chế gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân người đại diện doanh nghiệp và thương hiệu doanh nghiệp. 

Một mặt khác được ông Tuấn Anh đặc biệt lưu ý đó là trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dù nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài và ngược lại, có những doanh nghiệp dù nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng lại có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng...

Vì vậy, Bộ Tài chính nên đưa ra nhiều biện pháp khác để thu thuế hiệu quả hơn, chứ không chỉ dựa vào việc tạm hoãn xuất nhập cảnh để thu thuế.

“Để tránh tác động tiêu cực, phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần thu hẹp lại, thay vì mở rộng thêm. Đồng thời, cần bổ sung quy định loại trừ đối với những cá nhân, doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ thuế tốt nhưng đang gặp khó khăn kinh doanh hoặc đã có lộ trình phân kỳ nộp thuế.

Việc ngăn cản xuất cảnh trong các trường hợp đi hợp tác kinh doanh hoặc chữa bệnh hiểm nghèo cũng cần được cân nhắc, tránh gây khó khăn không cần thiết và thiếu nhân văn. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản, nên chỉ áp dụng biện pháp này khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng", ông Tuấn Anh đề xuất.

Bên cạnh đó là việc cải thiện quy trình thông báo, đảm bảo người nộp thuế biết rõ tình trạng nợ thuế và nguy cơ bị tạm hoãn xuất cảnh, tránh trường hợp bị từ chối xuất cảnh tại sân bay mà không hay biết trước. Đối với các người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế nhưng rơi vào khó khăn, cần tạo điều kiện để họ tiếp tục kinh doanh, thay vì áp dụng biện pháp cưỡng chế quá cứng nhắc, có thể dẫn đến phá sản.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn