1. Hiểu rõ đặc điểm của học sinh lớp 1: Trẻ lớp 1 có tính cách, tốc độ tiếp thu, phát triển riêng. Tuy nhiên, các em đều có một số điểm chung là thích khám phá và đặt câu hỏi về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Về mặt thể chất, đây là thời điểm trẻ có những thay đổi lớn. Các em hiếu động, thích ồn ào và gặp khó khăn khi phải ngồi yên trong thời gian dài. Vì thế, giáo viên cần nắm bắt những đặc điểm này để xây dựng bài học phù hợp hơn. Ví dụ, khi dạy trẻ học chữ, giáo viên có thể yêu cầu trẻ tìm những chữ cái có trong nhà. Cách này giúp trẻ được vận động và nhớ mặt chữ lâu hơn. (Ảnh: Entrepreneur)
2. "Đánh" vào tâm lý thích chơi của trẻ: Trẻ lớp 1 hiếu động, không thích ngồi yên. Giáo viên có thể dựa vào điều này để tạo ra những hoạt động thu hút sự tập trung của trẻ. Ví dụ, thay vì nhét quá nhiều kiến thức vào một buổi dạy, giáo viên nên chia nhỏ kiến thức và các bài tập thành nhiều phần, yêu cầu trẻ làm bài cá nhân hoặc theo cặp. Ngoài ra, bạn cần cho trẻ nghỉ giữa giờ, tạo cơ hội cho trẻ giao lưu, trò chuyện với những người bạn mới. Những trò vận động cũng giúp trẻ cảm thấy tiết học online không còn nhàm chán. (Ảnh: This Lady Blogs)
3. Khuyến khích trẻ chủ động trong mọi hoạt động: Giáo viên thường có tâm lý trẻ lớp 1 chưa thể tự làm hoặc tự quyết định mọi việc. Tuy nhiên, điều này có thể làm hạn chế khả năng tự lập và tự suy nghĩ của trẻ. Với lớp đông học sinh, bạn có thể chia trẻ thành từng nhóm để lập kế hoạch học tập riêng. Việc chọn thành viên nhóm và trưởng nhóm nên để trẻ tự quyết định. Cách này sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp xúc với bạn bè và biết cách chủ động trong mọi tình huống. (Ảnh: BostonTechMom)
4. Khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ bản thân: Trẻ nhỏ có cách suy nghĩ và trí tưởng tượng phong phú, thậm chí hơi khác biệt với người lớn. Thay vì cấm hoặc gạt bỏ những ý tưởng của trẻ, giáo viên cần khuyến khích các em nói lên suy nghĩ của bản thân. Dù ý tưởng không đúng hoặc không phù hợp với bài học, bạn nên dành lời khen để các em có thêm động lực tư duy và tập trung vào bài giảng. Ngoài giờ học, các giáo viên lớp 1 nên dành thời gian trò chuyện và lắng nghe suy nghĩ, nguyện vọng của học sinh. (Ảnh: Discovery Mood)
5. Quay video giảng bài cho những nội dung khó: Hạn chế của học online là giáo viên, học sinh không thể tương tác trực tiếp, dẫn đến việc giảng bài, kèm cặp sẽ khó hơn. Với những bài giảng khó, thời lượng lên lớp không đủ để giúp trẻ hiểu và nhớ bài, giáo viên có thể quay video ngắn khoảng 5-7 phút để các em xem lại sau giờ học. (Ảnh: IPU Buzz)
Bình luận