Tính đến sáng 16/8, gần 40 tỉnh, thành phố cả nước công bố lịch tựu trường, khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho năm học mới. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học chủ động chuẩn bị các phương án dạy học, trong đó sẵn sàng dạy học trực tuyến ngay buổi học đầu tiên cho học sinh, nhất là lớp 1.
Chia nhỏ lớp học
Thầy Ngô Viết Thành, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, dù học trực tiếp hay trực tuyến, vào bậc tiểu học, trẻ 6 tuổi không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ, lo sợ.
Vì vậy, những ngày đầu năm học mới với học sinh lớp 1 vốn đã vất vả với cả cô trò thì nay nếu phải học trực tuyến, học sinh gặp khó khăn hơn rất nhiều. Sự gắn kết giữa cô và trò trong các bài giảng online tất nhiên không bằng học trực tiếp trên lớp. Chưa kể,trẻ sẽ bị thiệt thòi khi không được tham gia các hoạt động cùng bạn bè.
Theo thầy Thành, việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1 không hề dễ dàng. Muốn đạt hiệu quả việc cần làm đầu tiên là kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh với nhà trường.
Trường sẽ họp chuyên môn trong tuần này để phân công lớp; lên kế hoạch xây dựng buổi làm quen với học sinh lớp 1 bằng các hoạt động múa hát online, tạo gắn kết giữa cô và trò trước thềm năm học mới. Sau khi chia lớp cụ thể, giáo viên chủ nhiệm sẽ thu thập số điện thoại của phụ huynh, triển khai cuộc họp qua ứng dụng cài đặt, từ đó tạo sự đồng thuận của phụ huynh trong việc dạy và học.
Vốn quen với việc dạy học trực tuyến, thời điểm này, các cô trường Tiểu học Cự Khê đang soạn sẵn những bài giảng online cho học sinh. Dẫu có nhiều khó khăn hơn những năm học trước nhưng nếu phụ huynh đồng hành cùng thầy cô, năm học mới sẽ diễn ra thuận lợi.
Trước lo lắng của phụ huynh có con vào lớp 1 học trực tuyến khi dịch bệnh còn căng thẳng, Ban giám hiệu trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã tổ chức nhiều cuộc họp online với giáo viên để đưa ra phương án cụ thể cho năm học mới, trên tinh thần dành ưu tiên tối đa cho học sinh lớp 1.
Trẻ 6 tuổi vốn chưa biết thao tác máy tính, lại chưa thể tập trung theo dõi bài giảng nếu không có sự giám sát của người lớn. Thế nên, theo cô giáo Phạm Thị Minh Tuyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội), tuần đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm sẽ tập trung rèn nền nếp cho các con.
Trường đưa ra hai phương án: Ưu tiên học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp nếu Hà Nội hết thực hiện giãn cách. Phương án hai, trường chia nhỏ lớp học nếu học sinh lớp 1 học trực tuyến.
“Theo phương án này, chúng tôi sẽ chia mỗi lớp 1 thành từng nhóm từ 8 đến 10 em, học online qua ứng dụng Zoom vào các khung giờ khác nhau trong ngày. Cách làm này sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm tiếp cận từng học sinh dễ dàng hơn”, cô Tuyết cho hay.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm dạy lớp 1, cô P.D, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên (hà Nội) cũng đồng tình với việc chia nhỏ lớp học để tăng tính kết nối giữa cô và trò. Dù chưa có sự chỉ đạo cụ thể, nhưng những ngày qua, cô D dành nhiều thời gian để soạn các bài giảng online, sẵn sàng tâm thế nếu phải dạy học trực tuyến cho học sinh.
Để các con tập trung vào bài giảng online, theo cô D, bài giảng cần thiết kế sao cho giảm tải việc giáo viên nói, thay vào đó đưa nhiều video, hình ảnh sinh động, gần gũi với trẻ 6 tuổi. Các bài tập cho các con phải thiết thực, thậm chí là tăng cường các trò chơi, câu đố vui để trẻ nêu ra ý kiến bản thân, qua đó tăng sự tương tác với cô giáo.
Không đặt nặng thành tích
TP.HCM cũng là một trong số địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Sở GD&ĐT TP.HCM dự kiến khai giảng theo hình thức trực tuyến vào giữa tháng 9, muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Thành phố đã chuẩn bị nhiều kịch bản giảng dạy, phù hợp với từng cấp học. Đối với tiểu học, Sở đã có văn bản hướng dẫn các Phòng GD&ĐT các quận, huyện xây dựng kế hoạch ghi hình tiết dạy phục vụ hoạt động dạy học qua internet.
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4, TP.HCM) cho biết, theo chỉ đạo của Sở, trường đang thực hiện ghi hình các tiết dạy phục vụ hoạt động dạy học online. Trước mắt, nhà trường xây dựng kế hoạch và thực hiện cho 10 tuần đầu năm học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt, phân phối chương trình… để thiết kế các chủ đề, các nhóm, dạng bài điển hình.
Mỗi video bài giảng không quá 15 phút. Đối với môn Tiếng Việt lớp 1 có thể thiết kế thêm một số bài làm quen. Trường cũng khuyến khích giáo viên xây dựng các video ngắn hướng dẫn phụ huynh và học sinh làm quen, chuẩn bị cho việc học lớp 1.
Các video bài giảng online sau đó sẽ được nhà trường cập nhật trên cổng thông tin của nhà trường, thông báo cho giáo viên, học sinh và phụ huynh thực hiện.
Để tăng tính kết nối với phụ huynh và học sinh, thầy Phong cho biết: “Sau mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ chủ động tương tác với phụ huynh để giao bài, thu thập ý kiến phản hồi của phụ huynh và học sinh qua phần mềm cài đặt. Cách làm này đã được nhà trường triển khai từ năm ngoái và đạt hiệu quả tốt”.
Về băn khoăn chất lượng học qua internet, thầy Phong nêu quan điểm, khi trẻ lớp 1 học online từ đầu, phụ huynh nên tạm bỏ qua thành tích. Bởi giai đoạn này chỉ là tạm thời, khi dịch được khống chế, các con trở lại trường học, giáo viên sẽ có phương pháp giúp các con củng cố, nắm bắt kiến thức tốt nhất.
“Lo lắng của phụ huynh là hiển nhiên, nhưng tôi cho rằng các bậc phụ huynh nên nghĩ tới những điều tích cực, đồng hành của giáo viên, nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn này”, thầy Phong chia sẻ.
Bình luận