Ellen Winner là giáo sư Tâm lý học của Đại học Boston (Mỹ). Bà là tác giả của cuốn sách về những thiên tài Gifted Children: Myths And Realities.
Qua những nghiên cứu của mình, bà Ellen chỉ ra một số dấu hiệu của những đứa trẻ dưới 5 tuổi có chỉ số IQ cao.
Khả năng tập trung cao
Nghiên cứu cho thấy khả năng tập trung của trẻ sơ sinh từ 4-7 tháng tuổi tỷ lệ thuận với trí thông minh sau 7 tuổi. Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ sơ sinh không chú ý đến môi trường xung quanh. Thực tế, khả năng tập trung, chú ý của trẻ phát triển theo thời gian. Những đứa trẻ có chỉ số IQ cao sẽ thể hiện khả năng tập trung khi còn nhỏ, chúng thường nhìn chằm chằm vào những thứ yêu thích trong thời gian dài.
Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Boston phát hiện thời gian tập trung của trẻ liên quan độ tuổi. Một đứa trẻ 2 tuổi bình thường có thể dành 7 phút để nhìn chăm chú vào một vật. Trẻ 3 tuổi tập trung trong 9 phút, trẻ 4 tuổi là 12 phút.
Từ 5-6 tuổi, trẻ có thể tập trung từ 10-15 phút. Trẻ 7-10 tuổi tập trung trong 15-20 phút và trẻ 10-12 tuổi có thể tập trung lên đến 30 phút. Trong khi đó, những đứa trẻ có IQ cao cùng tuổi có thể tập trung trong hơn một giờ.
Ví dụ, Xia Wantong, người từng tham gia chương trình Fantastic Baby của Trung Quốc, có thể chơi ghép hình trong 7 giờ liền. Chương trình thực tế nổi tiếng Child Genius quy tụ những nhân vật nhỏ tuổi có chỉ số thông minh cao. Điểm chung của những đứa trẻ này là khả năng tập trung phi thường.
Thích đặt câu hỏi
Nhiều trẻ 3-4 tuổi thích đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh. Khi không tìm được câu trả lời vừa ý, chúng sẽ tự tìm đáp án cho riêng mình. Điều này cho thấy trẻ luôn trong trạng thái suy nghĩ, tư duy, não bộ của trẻ hoạt động rất linh hoạt.
Giai đoạn 3-6 tuổi cũng là thời kỳ trí não trẻ phát triển ở mức cao nhất. Những đứa trẻ có chỉ số IQ cao ở độ tuổi này sẽ bộc lộ tính tò mò, ham khám phá khác thường.
Chuyên gia nghiên cứu Ian Leslie, tác giả cuốn sách về sự tò mò Curious: The Desire to Know and Why Your Future Depends On It, nhận định những đứa trẻ tò mò, thích đặt câu hỏi thường thông minh hơn bé khác.
Trẻ em thường hỏi những câu kỳ lạ và đôi khi khiến cha mẹ khó chịu, tức giận. Các em tò mò và thích xây dựng thế giới của riêng mình bằng việc tìm kiếm, lắp ghép những món đồ nhỏ.
"Tò mò là phản ứng của trẻ khi quan sát, suy nghĩ và tưởng tượng về những điều chưa biết. Điều này có liên quan mật thiết khả năng sáng tạo của trẻ", ông Ian Leslie nói.
Biết đi sớm, chơi thể thao tốt
Ông Howard Gardner, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Harvard, Mỹ, tin rằng trí thông minh ở trẻ có nhiều khía cạnh, trong đó có thể thao. Trẻ học cách leo trèo, đi bộ, chạy nhảy sớm hơn bạn khác, có thể chỉ số IQ cao.
Trong quá trình vận động, não bộ tiết ra dopamine, chất dẫn truyền giúp làm tăng tốc độ kết nối của các tế bào thần kinh. Vì thế, vận động, chơi thể thao giúp ích cho việc phát triển trí não của trẻ.
Ngoài ra, giỏi bắt chước cũng là biểu hiện thường thấy ở những đứa trẻ thông minh. Điều này cho thấy sự phát triển thần kinh thị giác và thần kinh não bộ của trẻ rất nhanh nhạy.
Bắt chước đòi hỏi trẻ có kỹ năng quan sát tốt, khả năng phối hợp mắt, tay và não bộ linh hoạt. Đây cũng là cách để trẻ học thêm kỹ năng và khám phá những điều mới mẻ.
Cha mẹ nên làm gì?
Nếu con có những biểu hiện của đứa trẻ thông minh, cha mẹ không nên "khai thác quá nhiều" và tránh đặt kỳ vọng, gây áp lực quá lớn. Khi tìm ra sở thích và năng khiếu của con, cha mẹ có thể cung cấp đủ nguồn lực để trẻ tự do khám phá.
Vội vàng đòi hỏi con thành công và ép chúng phải chăm chỉ dễ gây phản tác dụng. Ép buộc quá mức dễ gây mất hứng thú và tạo tâm lý phản kháng, trẻ sẽ khó tiếp thu và tiến bộ.
Để trau dồi trí thông minh và khả năng tư duy của con, cha mẹ cần cho trẻ ngủ đủ giấc, tương tác với con nhiều hơn. Nhà giáo dục Nhật Bản Kimura Hisa từng nói: "Người lớn và trẻ em nên chìm vào giấc ngủ với niềm vui. Đồng thời, họ nên dậy sớm với tâm trạng vui vẻ".
Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Một giấc ngủ ngon giúp các bé phục hồi chức năng của não. Nếu không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, trẻ dễ bị mất cảm xúc và tổn thương.
Các nhà tâm lý học nhận thấy âm nhạc giúp phát triển bán cầu não phải. Cha mẹ nên cho trẻ vui chơi, làm việc khi nghe nhạc. Vẽ tranh cũng là cách tốt để rèn luyện trí não. Điều này giúp trẻ nâng cao thính giác, thị giác và phát triển khả năng ngôn ngữ.
Trong giai đoạn trẻ 3-6 tuổi phát triển trí não, cha mẹ nên cùng con chơi các trò chơi giáo dục. Phương pháp này giúp thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ và tăng cường phát triển khả năng quan sát, trí nhớ và phối hợp tay, mắt, não bộ.
Bình luận