Tuồng Huế “Ngàn xưa âm vọng” là một chương trình hết sức đặc biệt, một dấu ấn đặc biệt, một kỷ niệm khó phai đối với những người lâu năm làm công tác tổ chức Festival Huế 2024. Ngoài tôn vinh di sản tuồng cung đình Huế, phô diễn vẻ đẹp của trang phục tuồng, nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng, chương trình đã mang đến trải nghiệm thú vị về lễ hội đường phố đối với du khách khi đến tham quan Huế trong dịp lễ hội vừa qua.
Các tư liệu về lịch sử nghệ thuật tuồng cho thấy, năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng. Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế ngày nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư, và coi năm 1627 là mốc khởi đầu của lịch sử tuồng Huế. Quan trọng hơn, tuồng được các chúa Nguyễn trọng dụng để dần biến thành “quốc kịch” ở miền Nam.
Vua Tự Đức từng tổ chức hàng ngũ sáng tác tuồng gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn - sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Tuồng đã được biểu diễn trong nhà hát ở Đại nội như: Duyệt Thị đường, Tĩnh Quang viện, Thông Minh đường, Khiêm Minh đường... Dưới thời vị vua này, nhiều vở tuồng được sáng tác, hàng trăm đào kép giỏi quy tụ về kinh đô.
Vua Đồng Khánh thì mê tuồng nên đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Vua Thành Thái say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào kép giỏi; ông là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn từng lên sân khấu diễn tuồng “đóng trò”, đồng thời là một tay trống tuồng tài ba. Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng, ông thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định. Vua ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển.
Có thể nói Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mạnh dạn “Đem tuồng ra phố”. Đây cũng là lần đầu tiên nghệ thuật tuồng được giới thiệu đến đông đảo công chúng qua hình thức quảng diễn đường phố. Trên đường phố Huế hàng trăm diễn viên mang mặt nạ diễn tuồng đủ màu sắc, cầm theo cờ phướn vừa đi vừa thực hiện những hoạt động biểu diễn trong nghệ thuật tuồng.
Bốn chiếc mặt nạ tuồng khổng lồ cũng được đoàn người đưa cao rước đi giữa phố. Các nghệ sĩ hóa thân trong những trang phục truyền thống của bộ môn tuồng Huế. Họ mang các đạo cụ với màu sắc rực rỡ như nghi trượng, cờ xí, lồng đèn, gánh kiệu, chiêng, trống cùng với đội hình Nhã nhạc, Bát Dật văn võ diễu hành và trình diễn đường phố làm không khí mùa lễ hội đường phố náo nhiệt. Trên các cung đường đoàn rước đi qua, người dân Huế hào hứng đón chào, cổ vũ.
Bố cục chương trình gồm các phần: Nghi lễ tế tổ tại Thanh Bình từ đường, nơi thờ cúng các thánh thần được suy tôn là Thánh Sư, Tiên Sư, Tổ Sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế và khu vực miền Trung; hội rước mặt nạ tuồng từ Thanh Bình từ đường theo cung đường Chi Lăng - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn đến Nghinh Lương Đình.
Biểu diễn tuồng ở Nghinh Lương Đình và hội rước mặt nạ tuồng từ Nghinh Lương Đình vào Duyệt Thị Đường thực hiện nghi thức tiến hoa dâng tiền nhân, thể hiện lòng ngưỡng vọng, thành kính đối với người xưa.
Đặc biệt, tại Thanh Bình từ đường, lễ tri ân tổ nghề sân khấu được thực hiện theo đúng trình thức tiết lễ do viên Thông tán, Nội tán điều hành và các viên bồi tự phối hợp. Nghi lễ có bài văn được xướng lên với nội dung nói về lịch sử Thanh Bình từ đường và tôn vinh tổ nghệ.
Sau lễ tri ân, gần 200 nghệ sĩ, diễn viên được tập hợp thành đội hình và thực hiện nghi lễ rước mặt nạ tuồng, quảng diễn. Đoàn rước vừa diễu hành vừa thể hiện động tác theo lộ trình đến Nghinh Lương Đình. Tại đây, các nghệ sĩ trình diễn các tiết mục cùng trích đoạn tuồng Huế như: Trống hội Tuồng đồ, các trích đoạn “Ác thiện ẩn hình”, “Mộc Quế Anh dâng cây Giáng hương long”, “Mạnh Lương trộm ngựa” và bài bản múa bông.
Kết thúc phần trình diễn, đoàn rước sẽ tập hợp trở lại và diễu hành, quảng diễn tại cung đường Lê Duẩn - cửa Quảng Đức - 23/8 - cửa Hiển Nhơn vào Duyệt Thị Đường. Đây là một đoàn rước trên 200 diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ, tập hợp thành 3 đội.
Trong các loại trang phục truyền thống khác nhau, các đội sẽ cầm nghi trượng, cờ xí, lồng đèn, gánh kiệu, chiêng, trống cùng với các đội Đại nhạc, Tiểu nhạc, múa Bát Dật văn võ, các nhân vật tuồng diễu hành trên đường phố. Điểm nhấn của đội hình là các nghệ sĩ, diễn viên vào vai 100 nhân vật tuồng với các loại trang phục, hóa trang mặt nạ khác nhau để phô diễn, tạo ra sự sinh động đầy màu sắc và có sức gợi, tả về một loại hình nghệ thuật phổ biến ngày xưa.
Việc đưa nghệ thuật truyền thống ra quảng diễn ở cộng đồng là hình thức mới và là dịp để giới thiệu nét đặc trưng, đặc sắc của tuồng Huế qua các mặt nạ và trích đoạn tuồng đến đông đảo công chúng.
Bình luận