Hôm 1/2, Tổng thống Joe Biden lên án việc quân đội tiếp quản chính phủ do dân sự lãnh đạo và hành động bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử - người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi, cho rằng đó là "một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của đất nước".
“Việc quân đội nắm chính quyền ở Myanmar, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các quan chức dân sự khác, cũng như ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là một cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của đất nước”, ông Biden cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế "cùng lên tiếng để yêu cầu quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã bắt giữ".
“Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác trên khắp khu vực và thế giới để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như làm rõ nhiệm cho những người có trách nhiệm trong việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar”, ông Biden nói.
Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ xem xét lại chính sách trừng phạt đối với Myanmar.
“Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ đối với dân chủ. Chúng tôi sẽ xem xét và đưa ra các biện pháp thích hợp”, ông Biden nói và kêu gọi quân đội Myanmar dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với viễn thông và kiềm chế bạo lực đối với dân thường.
Hôm 1/2, đảo chính xảy ra ở Myanmar sau khi cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ. Sau sự kiện này, Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền.
Giới chức quân đội Myanmar tuyên bố, họ tiến hành các vụ bắt giữ để phản ứng lại những gian lận đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái ở Myanmar. Đồng thời, quân đội nước này cho rằng, hành động của họ là cần thiết để bảo vệ “sự ổn định” của đất nước, cáo buộc ủy ban bầu cử quốc gia đã không giải quyết “những sai phạm lớn” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020.
Bình luận