Gần đây, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ link các bài viết bằng tiếng Mường của báo Hòa Bình và cho rằng, đó là tiếng Việt cải tiến của PGS Bùi Hiền. Nhiều người không ngại lên tiếng chỉ trích ngôn ngữ này, thậm chí có những bình luận không hay về "cha đẻ" của nó.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, PGS Bùi Hiền cho biết: "Tôi đã đọc những bài báo trên và khẳng định, đây là chữ Mường mới được sáng tạo và được Viện Ngôn ngữ học và tỉnh ủy Hoà Bình nghiệm thu. Nay có quyết định cho con em dân tộc Mường học là hoàn toàn hợp pháp, đúng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Việt Nam có 54 dân tộc nhưng theo tôi nhớ, chỉ mới có hơn 10 dân tộc có chữ viết. Theo Hiến pháp của nước ta, các dân tộc có quyền bảo lưu ngôn ngữ và chữ viết của mình. Dân tộc nào chưa có chữ viết và muốn xây dựng chữ viết của riêng, phải sử dụng ngôn ngữ quốc gia làm chuẩn. Những người tham gia vào quá trình sáng tạo chữ viết Mường tuân thủ quy định này".
PGS Bùi Hiền đánh giá: "Những người sáng tạo nên chữ viết cho người Mường làm rất tốt, rất khoa học, có quy chuẩn rõ ràng và đặc biệt là dễ đọc. Tiếng Mường và tiếng Việt có chung nguồn gốc, có nhiều từ phát âm giống nhau. Chính vì thế, khi nhìn vào chữ viết tiếng Mường, tôi đọc được ngay và có thể hiểu được ý nghĩa của nó".
PGS Bùi Hiển phân tích: "Chữ của tôi là chữ la-tinh dùng ghi tiếng Việt theo cung cách riêng của tôi, còn chữ Mường dùng chữ la-tinh để ghi tiếng Mường. Vì cùng là chữ la-tinh nên mới nhìn trông có vẻ giống nhau nhưng thực ra cách đọc khác nhau. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng, một quy ước riêng về ngôn ngữ, nên không thể giống nhau được".
Tác giả của tiếng Việt cải tiến từ chối phân tích sâu hơn về sự khác biệt giữa ngôn ngữ ông sáng tạo ra và tiếng Mường. Ông cho rằng, cư dân mạng không muốn hiểu và sẽ không tìm các hiểu kỹ công trình nghiên cứu của ông. Họ chỉ cần thấy lạ tai, gai mắt là chỉ trích. "Tôi nói họ lại rối thêm, lại móc vào những cái chưa hiểu để ném đá" - PGS Bùi Hiền nói.
Còn với những người dù biết những bài báo đó là tiếng Mường nhưng vấn cố tình mỉa mai, PGS Bùi Hiền nói: "Từ nay người Mường có chữ và họ có quyền sử dụng. Tại sao một số người không chịu tìm hiểu kỹ lưỡng chữ viết của dân tộc bạn, chỉ mới thấy lạ mắt rồi cho phép mình nhận xét lung tung và phản đối?
Lẽ ra bạn phải chúc mừng dân tộc Mường đã có chữ viết của riêng mình. Nếu không làm thế thì thôi, chứ ai cho các bạn quyền phê phán và bác bỏ quyền có chữ viết của dân tộc Mường và các dân tộc khác. Tự do ý kiến cần dựa trên cơ sở hiểu biết khoa hoc, chứ không nên dựa vào cảm tính".
Trước đó, chia sẻ với phóng viên VTC News, ông Bùi Hy Vọng - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, ông cùng rất nhiều nhà khoa học uy tín tham gia vào quá trình sáng tạo chữ viết cho người Mường, trong đó có TS Nguyễn Văn Khang, thạc sĩ Phạm Văn Nam - những nhà khoa học trẻ của Viện ngôn ngữ học có những nghiên cứu rất nổi tiếng về ngôn ngữ. Không những thế, GS - Viện trưởng Nguyễn Văn Hiệp cũng tham gia trực tiếp vào quá trình nghiên cứu bộ chữ này.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá, việc sáng tạo ra chữ viết cho người Mường có ý nghĩa rất quan trọng. "Nếu không có bộ chữ này thì tương lai, ngôn ngữ và nền văn hóa Mường có nguy cơ biến mất".
Bình luận