• Zalo

Dân lập 'chiến lũy': Đấu tranh để tồn tại

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 09/07/2013 06:59:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hành động lập "chiến lũy" một phần cũng là vì sự mất niềm tin vào chính quyền, khi chính quyền không bảo vệ được người dân.

(VTC News) - Hành động lập "chiến lũy" một phần cũng là vì sự mất niềm tin vào chính quyền, khi chính quyền không bảo vệ được người dân.


Bài cuối: Đấu tranh để tồn tại


Nếu nhìn một cách đơn giản, thì vụ việc người dân làng Châu Xá (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương) bức xúc nên lập “chiến lũy” chặn một nhà máy, vì gây ô nhiễm. Thực ra, hành động đó một phần cũng là vì sự mất niềm tin vào chính quyền, khi chính quyền đã không bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân Châu Xá.

Hành động bộc phát đó là do sự dồn nén quá nhiều, kiểu như “con giun xéo lắm phải quằn”. Cả chục năm nay, không chỉ người dân Châu Xá, mà rộng hơn, cả xã Duy Tân, cả huyện Kinh Môn, đã phải sống trong cảnh ô nhiễm vô cùng thống khổ.

Cách đây 7 năm, nhận được đơn tố cáo của anh Lê Văn Dự, tôi đã về thôn Trại Xanh, nằm ngay cạnh thôn Châu Xá. Anh Dự thay mặt dân làng tố cáo các nhà máy xi măng, ngày đêm xả bụi, gây bệnh tật, làm chết mấy chục người.

hải dương
Hành động lập "chiến lũy" một phần vì mất niềm tin vào chính quyền địa phương?  
Chiều cuối đông, tôi đi qua làng Châu Xá, về Trại Xanh, thấy “vòi rồng” (ống khói nhà máy xi măng) nhả khói mịt mù phủ xuống thôn Trại Xanh và Châu Xá.

Thấy trường mầm non đóng cửa kín mít, tôi rẽ vào gõ cửa, cô giáo tên Thơi kéo mí mắt các bé cho tôi xem rồi bảo: “Mặc dù bọn em đã nhốt các cháu vào trong nhà song vẫn chẳng ăn thua gì. Chỉ cần mấy khe cửa không bịt kín thì căn phòng cũng biến thành lò hun khói”.

Cô giáo Mạnh bức xúc hơn: “Cả 70 cháu ở nhà trẻ đứa nào cũng viêm họng, ngạt mũi, sưng mắt. Cứ chiều đến là các cháu ho khan sặc sụa. Đến cả chúng tôi còn không chịu được khói bụi, hai mắt cứ toét nhoèn ra. Mỗi khi trời trở gió Đông Nam, tôi chỉ ước có một chiếc thuyền để chở các cháu ra sông Kinh Thầy tránh bụi”.

Rồi anh Dự dẫn chúng tôi về nhà mình. Anh dẫn tôi lên căn phòng đóng kín trên tầng 2 ngôi nhà, dùng chổi quét mấy cái, được một thúng bụi xi măng. Vườn vải, nhãn, na nhà anh chẳng có hoa trái, vì bụi xi măng làm chúng thui chột.

Trong đơn tố cáo của anh Dự có đoạn: “Nhiều khi chúng tôi nghĩ mình sẽ chết ngay trong chốc lát vì khói bụi xi măng mù mịt. Nó tràn vào từng nhà, từng bữa cơm, từng chén nước, từng giấc ngủ của nhân dân. Chính vì khói bụi mà hầu hết người dân chúng tôi đều mắc bệnh hiểm nghèo như đau mắt hột, viêm gan, viêm đường hô hấp, ung thư gan, ung thư phổi…”.
hải dương
Anh Lê Văn Dự quét căn phòng đóng kín trên tầng 2 nhà anh, được cả thúng bụi xi măng 
Anh Dự thống kê trong làng có mấy chục người chết vì ung thư, vì các bệnh liên quan đến hô hấp. Ở làng Châu Xá, số người chết vì ung thư còn nhiều hơn cả Trại Xanh.

Anh Dự bức xúc: “Công nghiệp hóa không có nghĩa là ngày đêm xả hàng tấn bụi vào làng tôi. Chúng tôi chỉ mơ ước một sống nghèo khó mà hưởng bầu không khí trong lành. Từ khi có những nhà máy xi măng, trừ một vài gia đình có con em làm công nhân trong nhà máy, còn lại đều nghèo đi, đói đi vì hoa màu, cây cối không cho thu hoạch”.

Xưa kia, đất đồi được anh đầu tư nên màu mỡ, ngôi nhà mái bằng xây trên sườn đồi là cả sự cố gắng của vợ chồng anh, nào ngờ, một ngày nhà máy xi măng Trung Hải xây lên ngay cạnh chân đồi, nhà anh cao nhất thôn nên hứng trọn luồng khói bụi từ các ống khói tuôn tỏa ngày đêm.

Không chịu được cảnh ấy, năm 1995 vợ chồng lại mua đất xây nhà khác ngoài đầu thôn. Thế nhưng, nhà vừa xây xong thì liên tiếp 3 nhà máy xi măng nữa gồm Duyên Linh, Thành Công II, Phú Tân mọc lên ngay trước cửa nhà.

Những nhà máy xi măng này nằm giữa thôn Trại Xanh và Châu Xá. Người dân hai thôn này “hưởng” trọn khói bụi, ô nhiễm do các nhà máy gây ra.

Ông Đoàn Văn Khoan, bộ đội tập kết Bắc, lấy vợ, sống ở đất Duy Tân buồn rầu: “Tôi dù sao cũng đã đi trọn cuộc đời, nhưng còn con, còn cháu tôi ở đất này nữa. Đau nhất là khi mình lấy tư cách của một đảng viên trình bày với các cán bộ xã về tình hình ô nhiễm ở địa bàn, các đồng chí ấy lại cho rằng tôi bị thần kinh, dở hơi, rồi không thèm nghe ý kiến của tôi”.
hải dương
Hình ảnh mờ ảo của làng Châu Xá, Trại Xanh nhìn từ bên này sông Kinh Thầy 
hải dương
Các nhà máy giữa cánh đồng thôn Trại Xanh và Châu Xá cùng tuôn tỏa khói bụi khiến không gian mờ ảo giữa ban ngày 
Những ngày thử “hưởng bụi” với bà con ở Duy Tân, tôi được thấy một hình ảnh không tưởng tượng nổi: Những tấm áo trắng tinh khôi của học trò được mẹ mặc cho buổi sáng, thì buổi chiều, khi tan học đã ngả màu bàng bạc. Nhiều đứa yếu sức gặp khói xi măng cứ khật khừ không thở được. Các bà mẹ ở đây đã có kinh nghiệm, trước khi con đi học thường dúi vào tay chúng lát quất và mấy hạt muối, ngậm vào miệng sẽ dễ thở hơn. Nhiều đứa mang theo lọ dầu gió trong cặp, thỉnh thoảng sức mũi cho dễ thở.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh đau đáu của ông Trạm trưởng trạm y tế xã Duy Tân Nguyễn Phương Đông: “Trẻ em ở đây hầu hết đều mắc các bệnh về mắt và đường hô hấp như hen xuyễn, viêm họng, viêm phế quản… Mỗi tháng, Trạm y tế chữa cho khoảng 80 đến 90 trường hợp người dân trong xã mắc các bệnh đường hô hấp”.

Nhà máy xi măng không chỉ mọc lên rất nhiều ở cánh đồng làng Châu Xá và Trại Xanh, thuộc xã Duy Tân, khiến người dân quá sức chịu đựng, mà các nhà máy này còn liên tiếp mở rộng sản xuất.
hải dương
Cảnh tượng phá núi lấy đá nghiền xi măng ở Duy Tân 

Các nhà máy gồm Duyên Linh, Thành Công II và Phú Tân ở hai làng này đều tự xây dựng lò nung vượt công suất theo chấp thuận của dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ 1,8 đến 2 lần. Công nghệ của các nhà máy xi măng này đều vô cùng lạc hậu, gây ô nhiễm rất cao.

Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hải Dương từng tiến hành đo đạc ngẫu nhiên tình trạng ô nhiễm ở Duy Tân và cho con số ô nhiễm như sau: Ô nhiễm môi trường ở khu vực cổng UBND xã Duy Tân cao gấp 9 lần tiêu chuẩn cho phép; cổng bưu điện xã Duy Tân gấp 14 lần; cánh đồng làng Châu Xá, Trại Xanh cao gấp 8 lần.

Không chỉ các nhà máy xi măng gây bụi, mà các công trường khai thác, chế biến cũng ám hại nặng nề cuộc sống người dân Duy Tân. Các ngọn núi bao quanh xã ngày đêm bị nổ mìn, đá, bụi bay tung tóe vào làng. Thậm chí mìn thổi cả đá tảng quăng thủng mái nhà.

Hệ thống máy xay, nghiền đá, rồi từng đoàn xe chở đá rồng rắn từ núi qua làng đến nhà máy, rồi chở xi măng từ nhà máy ra, cuốn bụi mù mịt quanh năm suốt tháng.
hải dương
Ngày nào sư Mơ cũng "tuần tra" bảo vệ quả núi Nhẫm duy nhất còn lại ở xã Duy Tân 
Đến cả di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như hệ thống hang động, khảo cổ, chùa Nhẫm Dương (xã Duy Tân), cũng bị các doanh nghiệp nhòm ngó. Hễ nhân dân và nhà chùa lơ là, họ lại khoan núi nhồi mìn vào núi cho nổ tung tóe, rồi đưa máy múc vào lấy đá đi. Vì đá nguyên liệu ở đây tốt, lại tiện khai thác, giảm chi phí, nên họ bất chấp tất cả.

Chùa Nhẫm Dương, với hang Thánh Hóa, là nơi phát hiện hóa thạch Pôn-gô, loài vượn thông minh, tổ tiên gần gũi nhất của loài người, khiến giới khảo cổ thế giới phải quan tâm. PGS.TS Nguyễn Lân Cường từng thốt lên rằng: “Dải đất ven biển này không chỉ có lịch sử vài ngàn năm, mà đã có lịch sử cả triệu năm, nơi không chỉ phát tích loài người, mà còn là nơi sinh sống của vượn người, loài vật mà theo thuyết tiến hóa thì nó là tổ tiên của loài người. Cái hàm răng ấy là minh chứng hùng hồn, có sức mạnh hơn ngàn vạn trang sử!”.

Thế nhưng, để giữ được quả núi nơi có hang động là nơi sinh sống của tổ tiên loài người của nhân loại ấy, sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương, đã phải mất hàng chục năm ngược xuôi gửi đơn tố cáo những kẻ phá núi.
hải dương
Tiếng kẻng liệu có cảnh báo được chính quyền địa phương? 
Những lá đơn của bà dường như chẳng lay động được các cấp chính quyền. Vì thế, để bảo vệ quả núi, bà phải ngày đêm canh gác trên núi. Hễ thấy có người đến nhồi mìn, bà lập tức trèo lên vách đá và… nằm đó. Nếu mìn nổ, chắc chắn bà banh xác. Chỉ còn cách lấy thân mình cù nhầy với những kẻ tham lam, bà mới giữ được mảnh núi bé xíu nhưng thấm đẫm di chỉ khảo cổ, văn hóa cho nhân dân trong vùng.

Tôi rời quả núi Nhẫm trong buổi chiều u buồn. Hoàng hôn ửng đỏ ở vùng đất bán đảo Kinh Môn bị những cột khói nhà máy xi măng nuốt chửng. Không gian chìm ngập một thứ màu nhờ nhờ. Tôi cứ ám ảnh bởi những khắc khoải của cụ Phạm Văn Áp, 80 tuổi, khi cụ đứng bên lá cờ Tổ quốc thể hiện quyết tâm giành lại môi trường sống trong sạch cho con cháu: “Tổ tiên tôi, đời tôi, đã sống ở đất này bình yên bao năm nay rồi, giờ chẳng lẽ phải bỏ xứ mà đi hả cậu? Nhưng biết đi đâu? Đất vườn, ruộng nương phủ bụi thế này ai dám đến ở? Dù có phải chết, tôi cũng quyết tâm đấu tranh vì con cháu, vì đất này”.

Câu chuyện về cuộc đấu tranh chống lại xã hội đen, chống lại nhà máy gây ô nhiễm, chống lại thói tham lam vô lối, của người dân Châu Xá là lời cảnh báo về sự bất an ở một làng quê. Sự việc không chỉ đơn giản là một cái nhà máy xây dựng chui, gây ô nhiễm, mà điều quan trọng là chính quyền địa phương đã không xử lý vụ việc thấu đáo. Hành động lập “chiến lũy” của người dân nơi đây liệu có khiến chính quyền địa phương cảnh tỉnh và coi đó là bài học?
 Ở huyện Kinh Môn có vô số “làng ung thư” do ô nhiễm môi trường, mà thủ phạm là các nhà máy xi măng. Khủng khiếp nhất là các ngôi làng Tử Lạc, Bích Nhôi, Hoàng Thạch, Hạ Chiểu, Đèo Gai... Mỗi năm, mỗi ngôi làng này đều chết trên dưới chục người vì căn bệnh ung thư quái ác. Làng Tử Lạc, trong 9 năm trở lại đây, đã ghi nhận ít nhất 100 người chết vì ung thư, đến nỗi, người dân đọc chệch thành làng “Tử Tiệt”. Các làng Hạ Chiểu, Bích Nhôi cũng chết ung thư nhiều không kém làng Tử Lạc. Có một con số thống kê không chính thức, thì xã Minh Tân, nơi có nhà máy xi măng Hoàng Thạch, cùng nhiều công trường khai thác đá, có tới nửa ngàn người chết vì ung thư trong vòng 10 năm trở lại đây.


Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn