• Zalo

Đại biểu Quốc hội: 20 năm qua, bao nhiêu là thiên tai, bao nhiêu là nhân tai?

Chính trịThứ Hai, 02/11/2020 14:05:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu QH đề nghị phân tích những thiệt hai do thiên tai nhiều năm qua, từ đó rút ra bài học để những thảm kịch do mưa lũ tại miền Trung không lặp lại.

Thảo luận tại tổ sáng 2/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: "Liệu trong 20 năm qua, những thiệt hại do biến đổi khí hậu bao nhiêu là do thiên tai, bao nhiêu là do nhân tai".

Ông Nghĩa cảnh báo có hiện tượng đơn vị xây thuỷ điện phá rừng nhưng không trồng lại; thậm chí phá rừng trước, bán gỗ kiếm vốn ban đầu rồi mới làm công trình và đa phần diện tích rừng trồng lại không đúng như cam kết.

Đại biểu Quốc hội: 20 năm qua, bao nhiêu là thiên tai, bao nhiêu là nhân tai? - 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

"Nếu chúng ta làm tốt hơn công tác phòng tránh, bớt tác động gây ảnh hưởng, như bớt làm thủy điện thì liệu có thiệt hại đến thế không? Đã có ai nghiên cứu liệu rừng trồng lại có tác dụng như rừng nguyên sinh không? Một ha rừng nguyên sinh bảo đảm môi trường, an toàn cho đất đai có khi còn hơn cả chục ha rừng trồng lại vì rễ rừng nguyên sinh bám sâu, đan xen, hiệu ứng tốt hơn rừng trồng lại nhiều.

Chúng ta cần phân tích để 10-20 năm tới, những thảm kịch như vừa rồi không lặp lại", đại biểu Nghĩa nói.

Chung quan điểm về vấn đề phòng chống thiên tai, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề cập: "Đồng bào miền Trung đang vật lộn với bão lũ. Lần đầu tiên chúng ta thấy một đoàn đi cứu trợ, có tướng lĩnh mà hi sinh một cách đau thương. 

Báo chí và Nhân dân đang cho rằng nguyên nhân là do diện tích rừng bị thu hẹp và thủy điện xả lũ. Tại sao thủy điện lớn thì không sao mà thủy điện nhỏ và vừa lại gặp vấn đề. Rõ ràng ở đây có vấn đề về ảnh hưởng của môi trường và sạt lở đất".

Từ đó, đại biểu Khánh đề nghị cần có thêm sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, có thêm nghiên cứu, xây dựng bản đồ sạt lở để giúp các đoàn đi cứu trợ, không thể cứ phó mặc cho thiên nhiên.

Ngoài ra, nữ đại biểu Hà Nội cũng rất bức xúc về cơ chế pháp lý để xã hội hóa công tác từ thiện. Bà Khánh đề nghị cần rà soát, hoàn thiện ngay cơ chế pháp lý để tránh tranh cãi việc tổ chức hay cá nhân làm từ thiện.

Liên quan tới những việc xảy ra trong đại dịch, thiên tai vừa rồi, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) đề nghị Chính phủ cần phải có hướng dẫn cụ thể, quản lý thống nhất về công tác quyên góp, hỗ trợ đối với thiệt hại của người dân. 

Đại biểu Quốc hội: 20 năm qua, bao nhiêu là thiên tai, bao nhiêu là nhân tai? - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm.

"Nếu chúng ta để sức dân tự phát thì sẽ đẻ ra vô vàn hệ luỵ khó khắc phục. Quản lý thế nào để ta biết dòng tiền đi tới đâu, vào chỗ nào của người dân. Ví dụ như vào xây dựng chỗ ở, tư liệu sản xuất hay cứu trợ các mặt hàng thiết yếu. Chính phủ phải nắm được đồng tiền của dân đang được hỗ trợ như thế nào.

Từ đó, chúng ta mới trở lại bài học muôn thuở là cái gì xã hội làm gì thì để xã hội làm. Nếu chỗ nào nguồn lực xã hội không tới được như vùng sâu, vùng xa hay những vấn đề lớn, cần đầu tư lớn, bài bản mà dân không làm được thì Chính phủ sẽ đầu tư", đại biểu Quyết Tâm nhận định.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị việc quản lý hỗ trợ, quyên góp phải làm sao để thuận tiện cho nhân dân, không gây ra thủ tục rườm rà, khó khăn, tránh tình trạng như hiện nay.

"Có thế mới phát huy tốt nhất sức dân", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.

Duy Thành- Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn