Truyền thống cúng rằm tháng 7 ở Việt Nam xuất phát từ niềm tin rằng vào tháng 7, Diêm vương sẽ mở Quỷ môn quan cho phép các vong hồn trở lại dương gian thăm chốn cũ, người xưa. Nhân dịp này, các gia đình soạn lễ để mời thân nhân đã khuất của mình, bố thí cho những cô hồn dã quỷ không ai cúng tế… Rằm tháng bảy ở Việt Nam là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành.
Cúng rằm tháng bảy có cần đúng ngày?
Ngay từ những ngày đầu tháng 7 đã có những gia đình làm lễ, thắp hương, điều này khiến nhiều người băn khoăn, liệu cúng rằm tháng 7 ngày nào mới chuẩn? Có nhất thiết phải cúng đúng ngày rằm, hay là nhất thiết phải cúng trước rằm như một số người quan niệm?
Trên thực tế, mọi người vẫn thực hiện cúng rằm tháng bảy theo niềm tin và điều kiện của mình. Không có ngày chuẩn cho việc cúng tổ tiên, cô hồn trong tháng 7 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, Quỷ môn quan được mở từ mùng 2/7 và đóng lại vào cuối ngày rằm. Vì vậy, về lý thuyết, chiếu theo quan niệm này, các gia đình có thể cúng từ ngày 2 đến 15.
Hiện nay, hầu hết mọi người đều bận rộn, do đó mỗi người đều thu xếp để lên kế hoạch cúng rằm tháng bảy vào ngày phù hợp nhất với lịch công việc của mình. Phần lớn mọi người chọn một ngày từ mùng 10 trở đi, các ngày 12, 13, 14 tháng 7 âm lịch thường có nhiều người làm lễ nhất. Nhiều gia đình chọn cúng vào ngày cuối tuần gần với rằm tháng bảy nhất.
Cúng rằm tháng 7 dùng cỗ chay hay mặn?
Nhiều người quan niệm, Vu lan và xá tội vong nhân đều là quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo, vì vậy cần cúng cỗ chay. Nhiều người khác cho rằng, mâm lễ cúng Phật và cúng chúng sinh nên làm cỗ chay, còn mâm cúng tổ tiên, thần linh thì làm cỗ mặn, hoặc chay mặn tùy ý.
Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng, nó tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.
Chuẩn bị cúng rằm tháng 7, quan trọng nhất là sự thành tâm.Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), nêu quan điểm về điều này: "Chay hay mặn thì theo cá nhân thầy phụ thuộc phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Ví như anh học Phật, anh muốn cúng chay nhưng vợ anh, bố mẹ, anh chị lại không muốn cúng chay. Vì mong muốn của bản thân mà gia đình phải cãi vã, bất hòa với nhau thì mâm cơm chay đó có còn thanh tịnh nữa không? Vậy nên hãy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thuận duyên thì mình cúng chay thanh tịnh, không thuận duyên mình có thể mua đồ chế biến sẵn khác lên cúng".
Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu lan
Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Bà Thanh Đề (mẹ của Mục Kiền Liên) là một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo.
Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên - con trai của bà có tính tình hiền lành, chịu khó, trái ngược hoàn toàn với mẹ cậu.
Cậu bé luôn nhặt lại những hạt cơm của mẹ làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn lại chúng. Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh và quen biết đều rất yêu mến, khen ngợi cậu hết lời. Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia theo học Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng cậu đã thấy mẹ nơi đại địa ngục.
Mục Kiền Liên trông thấy mẹ tóc tai rối xù, thân hình chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất không thể ngẩng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót vô cùng, ôm mẹ bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói.
Thế nhưng, bà Thanh Đề vẫn còn quá sân tham, vì vậy khi đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên đã bất lực khi nhìn thấy cảnh này, cậu càng đau xót khi không thể cứu được mẹ mình và quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Đức Phật nói nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì ngày 15 tháng 7 Âm lịch, tức là ngày Tự Tứ của chư Tăng, cậu hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo để lấy phước cứu mẹ. Từ đó, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Do vậy, ý nghĩa của ngày lễ Vu lan chính là ngày để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp của mỗi con người chúng ta. Hiểu đơn giản, Vu lan chính là báo hiếu và không chỉ với cha mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ nhiều kiếp trước nữa, đồng thời cũng là dịp để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Đây là truyền thống nhắc nhở mỗi con người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Bình luận