Bao nhiêu năm qua, cứ gần đến rằm tháng 7, gia đình anh Phan M. ở thành phố Vinh, Nghệ An lại chuẩn bị đồ lễ, sáng sớm ngày 15 về quê nội ở xã Bùi La Nhân (Đức Thọ, Hà Tĩnh) để “đi họ”, nghĩa là đến nhà thờ họ để dự lễ cúng và gặp gỡ anh chị em. Đây cũng là ngày con cháu Phan tộc từ khắp nơi trở về. Thường thì sau khi tế lễ, mọi người bày mâm cỗ, thụ lộc và hàn huyên với nhau.
Nhà thờ họ vắng vẻ
“Cả năm được rằm tháng 7, cả thảy được rằm tháng giêng’, ở quê tôi hai ngày này quan trọng lắm, gia đình nào cũng cử người về đi họ. Thường chúng tôi sẽ về sớm, qua thắp hương ở nhà thờ họ chi, rồi đến nhà thờ họ đại tôn. Đi họ năm nào cũng đông vui náo nhiệt, thậm chí đôi lúc có cãi nhau khi bàn bạc chuyện họ tộc nhưng cuối cùng vẫn thắm thiết nồng đượm nghĩa tình”, anh M. tâm sự.
Năm nay, rằm tháng 7 đến đúng thời gian thành phố Vinh cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng nên anh không thể về đi họ. Và ở quê anh, lễ cúng rằm cũng không được tổ chức giống mọi năm. Dịch COVID-19 khiến tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu không tập trung cúng lễ tập thể, không tụ tập, gặp mặt tổ chức ăn uống tại các nhà thờ, từ đường dòng họ trong dịp lễ cúng rằm tháng Bảy.
Anh Phan M. cho biết: “Cách đây mấy hôm, trong nhóm của Phan tộc trên Zalo có thông báo, để thực hiện giãn cách, tránh tập trung đông người cùng lúc nên ban trợ tộc sẽ sớm quét dọn nhà thờ và mở cửa từ ngày 14 để con cháu đến thắp hương rải rác.
Rất nhiều người trong họ sống ở thị xã Hồng Lĩnh, nơi đang phải cách ly y tế chống dịch, con cháu ở Hà Nội và các tỉnh khác cũng không thể về được, nên sẽ không có đông người ở nhà thờ. Đúng rằm, chỉ có đại diện các chi mang lễ đến thắp hương báo cáo tổ tiên theo hình thức gọn nhẹ, các nghi lễ cũng đơn giản hơn. Chắc tổ tiên cũng sẽ hiểu và thông cảm cho con cháu trong hoàn cảnh đặc biệt này”.
Ở xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh), vào dịp rằm tháng 7, các dòng họ luôn chuẩn bị những mâm lễ lạ mắt để dâng lên tổ tiên, trong đó không thể thiếu những con gà cúng tạo dáng cầu kỳ như gà chầu, gà quỳ, gà bay… Anh Phan A., người xã Thạch Châu, cho biết vào dịp này, con cháu không kể trai hay gái từ khắp nơi tụ họp về nhà thờ họ để chuẩn bị bày biện mâm cúng.
“Trước là làm mâm cỗ cúng tổ tiên, sau đó mọi người ngồi lại nhà thờ họ, gặp gỡ giao lưu. Mỗi dòng họ có quỹ khuyến học đóng góp tự nguyện, nhân ngày Rằm tháng 7, tộc trưởng sẽ đại diện trao quà cho con em có thành tích học tập tiêu biểu”, anh A. nói và cho biết, năm nay sẽ không có cảnh quây quần ăn uống, chuyện trò ở nhà thờ họ. Thay vào đó, tộc trưởng và vài ba người cao tuổi sẽ đại diện thắp hương trước bàn thờ tổ tiên.
“Mặc dù con cháu không tề tựu nhưng mâm cỗ vẫn phải đủ xôi, gà, chầu rượu… để cúng. Tại các gia đình, mọi người vẫn tự sắm sửa lễ vật, làm mâm cơm dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất, thần linh. Vì với người dân Thạch Châu, ngày rằm tháng 7 có ý nghĩa tâm linh rất quan trọng. Bản thân những người con xa quê hay đang ở vùng dịch không về được thì lòng vẫn luôn hướng về quê nhà với lòng thành kính”, anh A. chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn X. ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An cho biết, lễ cúng rằm tháng 7 của họ tộc ông năm nào cũng làm mấy chục mâm vì con cháu hầu như đều sinh sống trong cùng khối xóm, nơi họ định cư đã nhiều đời, một số người “thoát ly” nhưng cũng chỉ sang các phường khác chứ ít ai đi xa.
“Nhưng năm nay hoàn toàn không có cỗ bàn tụ tập. Trưởng họ sẽ làm cỗ xôi con gà, chuẩn bị trái cây mang sang nhà thờ tổ khấn các cụ. Thật sự tôi rất nhớ không khí những ngày rằm tháng 7 trước, cả năm cắm cúi làm ăn, tuy ở gần nhau mà có mấy khi gặp mặt đông đủ đâu. Mấy đứa cháu bảo sẽ lập nhóm trên internet để mấy gia đình thân thiết trong chi tộc giao lưu, khoe cỗ cúng rằm thời giãn cách và giúp các cụ cụng ly qua mạng với nhau”, ông X. chia sẻ.
Cách đó gần 300 cây số, anh N..V.T. ở Quỳnh Phụ, Thái Bình hơi ngậm ngùi vì tác động của dịch COVID-19 đến truyền thống rằm tháng 7 quê mình. "Mỗi năm họ mạc có 2 ngày tổ chức tập trung rất đông vui. Tết Thanh minh, mọi người đi tảo mộ tổ tiên xong thì về cùng ăn cỗ. Xưa thì cả nhà cùng đi, giờ đông thì mỗi gia đình một người. Rằm tháng Bảy cũng là dịp để họ mạc gặp mặt. Có những gia đình đi lập nghiệp ở tỉnh khác cũng cử đại diện về", anh T. nói và cho biết, năm nay để tránh tụ tập làm lây lan dịch bệnh, việc cỗ bàn không thể tổ chức, chỉ có trưởng họ sắp mâm cơm thay mặt toàn thể gia tộc cúng tổ tiên.
Dự lễ Vu lan qua mạng
Ở nhiều tỉnh thành phía Bắc, dịch COVID 19 cũng thay đổi cách tổ chức rằm tháng 7. Chị Nguyễn Hằng ở An Dương, Hải Phòng cho biết vào dịp này hằng năm, ngoài việc làm lễ cúng ở nhà, chị thường cùng mẹ và các em đến chùa Cao Linh ở xã Bắc Sơn thắp hương cúng Phật, dự dễ Vu lan. Ngôi chùa này thường đón hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi đến tham dự nghi lễ Bông hồng cài áo và các nghi lễ khác. Tuy nhiên năm nay, chùa không làm đại lễ.
Đại đức Thích Giác Nghiên, trụ trì chùa Cao Linh, cho hay:”Đại dịch diễn biến phức tạp, chúng ta không thể tập trung cài bông hoa hiếu trên ngực như những lần trước. Từ tháng 6 âm lịch, nhà chùa nhận sớ, lễ của người dân từ nhiều địa phương gửi về và sẽ tổ chức lễ cầu siêu, cầu an trực tuyến vào ngày 14, 15/7 âm lịch. Các Phật tử không tham gia trực tiếp nhưng có thể cùng vào trang Youtube hoặc fanpage Facebook của chùa để tham gia khoá lễ”.
Làm lễ online là hình thức tổ chức lễ Vu lan của rất nhiều ngôi chùa trong cả nước dịp rằm tháng 7 năm nay. Cách đây 5 ngày, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi công văn đến Ban Trị sự của giáo hội ở các tỉnh thành, các chùa… đề nghị vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, tăng cường các khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến.
Ở nhiều gia đình, mâm cơm đoàn viên vốn là truyền thống trong dịp rằm tháng 7 cũng bị dịch COVID-19 hủy bỏ, như trường hợp chị Nguyễn Thị Cúc (36 tuổi, sống tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Quê chị ở huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Nhà có 4 chị em gái, người lấy chồng ở Hải Phòng, người lập gia đình ở Hà Nội. Mọi năm vào ngày rằm tháng 7, mấy chị em đều thu xếp về nhà bố mẹ đẻ.
“Đây là dịp mọi người gặp nhau sau những ngày tất bật với công việc. Khắp trong nhà, ngoài ngõ ríu rít tiếng nói cười”, chị Cúc hoài niệm. Tuy nhiên năm nay, mâm cơm cúng tổ tiên chỉ có bố chị chuẩn bị, và cũng một mình ông thụ lộc, mâm cỗ không được cầu kỳ như thường lệ.
“Bắc Giang quê tôi vừa ghi nhận bệnh nhân COVID-19 sau hơn 1 tháng không có ca mắc trong cộng đồng, bố và chị gái tôi đều trở thành F3, mỗi người phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, mọi kế hoạch thay đổi nên mâm cơm cúng không được tươm tất như mọi năm. Mấy ngày trước, cô con gái lấy chồng gần nhà nhất mua vàng mã mang sang, giúp bổ chuẩn bị đồ cúng rằm. Mẹ tôi thì ra Hà Nội trông cháu rồi mắc kẹt không về được do giãn cách”, chị Cúc nói.
Mâm cỗ của chị Cúc ở Hà Nội được đặt mua hoàn toàn trên mạng. “Hà Nội đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên tôi phải đặt đồ online cúng rằm tháng 7. Vẫn hoa quả, đồ ăn mặn như con gà, đĩa giò, thịt, chả… nhưng số lượng giảm đi”, người phụ nữ chia sẻ với phóng viên VTC News qua điện thoại trong lúc sắp xếp những món đồ vừa được shipper giao đến.
Thời COVID, hai chữ “giãn cách” hiện diện trong mọi mặt của đời sống, kể cả các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Nhưng sợi dây tình cảm vẫn luôn kéo gần lại những tấm lòng luôn hướng về nhau của các thành viên gia đình, họ tộc. Giống như nhà chị Cúc, dù mỗi người một nơi nhưng thường xuyên kết nối: “Chị em tôi đều muốn nhân dịp này về đỡ đần bố mẹ việc bếp núc nhưng người tính không bằng trời tính, lại phải để bố vào bếp. Chúng tôi hẹn nhau khi nào hết dịch, cả gia đình sẽ tập trung để chuyện trò thâu đêm suốt sáng”.
Bình luận