Tại Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI nhấn mạnh, công nghệ sinh học là công cụ khoa học mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp thế giới những thập kỷ gần đây.
Ông Cao Đức Phát dẫn chứng, các chế phẩm sinh học được sử dụng rộng rãi trong cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản như một giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững.
Ngoài ra, nuôi cấy mô đã trở thành ngành công nghiệp ở nhiều nước để nhân giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng ổn định và công nghệ gen được áp dụng rộng rãi trong chọn tạo giống.
Có thể nói, công nghệ sinh học đem lại nhiều lợi ích, trong đó góp phần tăng mạnh năng suất nhiều loại cây trồng, nổi bật là ngô, đỗ tương, bông, đồng thời cho phép giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Tại Việt Nam, lợi ích của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam bị chậm lại, có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Để không tụt hậu, các đại biểu cho rằng nước ta cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.
TS Đỗ Tiến Phát - Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật (Viện Công nghệ sinh học) cho biết, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học.
Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) hay các giải pháp nông nghiệp chính xác sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, trình một dự án công nghệ sinh học theo cơ chế nhà nước mất nhiều thời gian, có thể khiến nghiên cứu cơ bản của Việt Nam bị "teo tóp”.
Vì vậy, ông Long bày tỏ và đề xuất một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì “cất vào ngăn kéo”.
Bình luận