• Zalo

Chuyện lạ về sơn nữ lùn nhất Việt Nam

Phóng sự - Khám phá Thứ Năm, 09/01/2014 01:10:00 +07:00Google News

Có lẽ chị là người tí hon nhất Việt Nam có thể tự đi lại, sinh hoạt, thậm chí lao động, sản xuất như bao người bình thường khác

Có lẽ chị là người tí hon nhất Việt Nam có thể tự đi lại, sinh hoạt, thậm chí lao động, sản xuất như bao người bình thường khác với thân hình chỉ ngang đứa trẻ, cao 75 cm và nặng chưa đầy 20 kg.


Trở lại xóm Đìa

Lần nào gọi điện thoại cho tôi, người tí hon đều kể về những đổi thay của gia đình, của chòm xóm mình. Bận chị khoe đã làm được cái chuồng lợn xây có cửa ra vào không phải bắc ghế mà trèo vào chuồng mỗi dịp cho ăn như hồi còn chuồng tre thủa trước.

Bận chị bảo đã gột được một đàn gà thau tháu mấy tháng nữa có thể mang ra chợ Xuân Đài bán kiếm tiền. Bận chị lại thông tin trường học của xóm đang đào móng, năm học sau trẻ con không phải đi bộ bảy tám cây số, cái mương nước đầu khe đang được làm, sắp tới ruộng mảnh cao, mảnh thấp sẽ không còn bị hạn.

Khi tôi viết loạt bài “Những người tí hon nhất trần gian” cách đây mấy năm nhiều độc giả cảm phục ý chí và nghị lực phi thường của chị. Một người hảo tâm ở trong Nam đã kiên quyết giấu tên mình khi gửi tặng chị 2 triệu đồng. Một người hảo tâm khác ở Hà Nội mấy cái Tết đều đặn đánh ô tô lên tận xã Xuân Đài tặng quà cho chị gồm vài thùng mì tôm, dăm lít dầu thực vật, ít bánh kẹo. Gần đây người này còn gửi lên cho chị 5 triệu đồng.

Chị Xuyến chăn trâu 

Mì tôm chị phát cho mỗi nhà trong xóm một vài gói, kẹo chị chia cho lũ trẻ quanh nhà vài viên, còn tiền của nhà hảo tâm - số tiền mà cả đời chị không bao giờ mơ tới, chị chẳng dám tiêu pha để dành cho tuổi già sắp tới, có gì chẳng phải lụy vào mấy đứa em.

Trước đây, mỗi tháng chị được trợ cấp tàn tật 370.000đ. Số tiền tuy nhỏ nhưng đủ cho chị vào chợ mua cho bốn đứa cháu khi thì gói bánh, phong kẹo, lúc bộ quần áo, cái cặp sách mới. Gần đây chẳng hiểu sao tiền hỗ trợ bị rút xuống còn 270.000đ/tháng. Chẳng lẽ do hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu người ta lại nỡ lòng co lại tiền hỗ trợ của người tàn tật?

Tôi lại về Đìa (xã Xuân Đài, Tân Sơn, Phú Thọ) cái xóm nhỏ heo hút cùng đường với hơn 50 hộ người Mường, nơi có cặp vợ chồng ông Phùng Văn Chon và bà Phùng Thị Uyên sinh hạ được ba người con trong đó có tí hon Phùng Thị Xuyến (SN 1968). Khác với người chị cả, hai đứa em về sau là Phùng Văn Yến (SN 1978) và Phùng Thị Chót (SN 1981) đều có một thân hình hoàn toàn bình thường, đã dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái cũng bình thường như bao người khác.

Bó dong cho ngày Tết 

Lúc nhỏ chị Xuyến trông hai đứa em, khi em trưởng thành sinh con đẻ cái chị chuyển sang trông bốn đứa cháu. Bốn đứa cháu qua bàn tay bà bác tí hon chăm giờ đã nhơ nhỡ, chắc dăm bảy năm nữa chị chuyển sẽ chuyển nhiệm vụ chăm chắt. Đó là số phận cũng là hạnh phúc của đời chị, một cuộc đời tàn tật nhưng chẳng chịu ngơi tay, dù chỉ một phút, một giây.


Đường vào Đìa đang được trải đá chứ không còn lổn nhổn đất đá như trước. Hồi ấy, mỗi lần đi qua vũng lội chị e dè như gặp một cái ao con, bước qua hòn đá mồ côi chị cũng vất vả hệt như trèo lên cái bàn, cái ghế. Hằng tuần, Xuân Đài có một buổi chợ phiên, người bình thường đi bộ mất một tiếng thì chị đi mất một buổi, mua sắm các thứ xong, sáng hôm sau mới tìm đường về nhà. Xóm vẫn chưa có điện, nhà ở vẫn chỉ lợp bằng lá cọ, thưng vách bằng nứa và phụ nữ của nơi đây vẫn chưa biết thứ nước rửa bát nào khác ngoài dùng tro bếp để lau.

Thế nên cách đây mấy tháng, khi mấy chiếc máy ủi, máy xúc rù rì phụt khói mở đường vào bản, đồng bào mừng lắm. Họ mừng cũng phải bởi làm xong con đường ô tô vào xóm, bán con gà, con lợn ngay tại cửa chuồng, vừa đỡ phải đi bộ ra tận chợ Xuân Đài lại tránh cảnh tiểu thương ép giá vì cùng đường tuyệt lộ.

Chị Xuyến bên lũ cháu quanh nhà 

Nghị lực phi thường

Hai vợ chồng người em trai vì kế sinh nhai phải ngủ trong lán trại trên rừng để bẻ măng, chặt chít. Gia đình từ công to, việc nhỏ đều đổ lên đôi vai bé bỏng như đứa trẻ sơ sinh của chị Xuyến. Chị đi lấy củi, những cành củi khô nhỏ chỉ bằng ngón tay, cẳng tay sau khai thác gỗ người ta chẳng buồn lấy, chị cứ cần mẫn tha lôi bằng hết. Chị đi lấy rau hoang về chăn lợn, nhổ gốc cây bật lên thì người cũng ngã xuống, lăn lông lốc cùng sỏi đá vùng đồi nhưng nào có quản ngại gì. Vừa rồi chị bán được mấy con lợn con, còn hai con lợn thịt vẫn luôn mồm khụt khịt đòi cám trong chuồng để dành cho dăm ba ngày Tết.

Nhà neo người quá, lắm bận chị còn dắt trâu lên đồi cùng đứa cháu. Con trâu đối với chị to lớn, nguy hiểm như một con voi. Con chó, con mèo đối với chị cũng nguy hiểm chẳng khác con hổ, con báo. Sớm tối người ta thấy tí hon khi thì cắm mặt, còng lưng trên đồi, bận lại đang phồng mồm, lõm má thổi lửa nơi xó bếp với những chiếc xoong, nồi còn to, cao hơn cả đầu mình.

Tí hon bên một cây khoai 

Xưa mỗi mùa măng chị Xuyến đều con cón xách tải đi lấy. Cây măng có khi cao quá cả đầu người, tải măng che cả mặt mũi. Giờ quanh xóm người ta trồng keo lai, trồng cây mỡ nên măng cứ chạy mãi, chạy mãi, tít lên đồi cao, hút phía rừng sâu. Người bình thường phải đi mất một buổi mới tới chỗ bẻ măng, phải dựng lán ngủ đêm ở trong rừng, lam cơm làm nương thực, bàn chân tí hon của chị không thể kham nổi nữa.

Trời rét quá, sương dày đặc, sương đọng trắng từng ngọn cây, lá cỏ đến tận nửa buổi mới tan, nhà nào cũng đốt lửa suốt đêm sưởi. Các vườn rau cải trong xóm dù có bàn tay người chăm mãi mà chịu nhú mầm, cả bản phải ăn hoa chuối rừng, măng khô thay rau, môi ai cũng khô, nẻ trắng như ruộng hạn lâu ngày. Một con trâu trong xóm đã chết cóng càng khiến cho chị Xuyến thêm thắt ruột lo cho lũ vật nuôi của nhà. Mấy con lợn chị cho uống nước ấm, ăn cám nóng, mẹ con trâu chị bổ sung nước muối chống cơ hàn, đàn gà chị cứ thái sắn, tung gạo mới cho ăn đẫy diều.

Bó lá dong rừng buộc ngay ngắn nơi góc nhà như báo hiệu ba ngày Tết đang đến rất gần. Bản của chị, mỗi dịp xuân về, nhà nhà đều gói chung một loại bánh chưng dài như chiếc đòn. Tết nào gia đình chị Xuyến cũng phải làm cỡ bốn mươi chiếc bánh, ở nhà ăn, đi chơi ăn, đi nương cũng ăn. Tiết trời càng rét bánh chưng càng trở thành một thứ năng lượng dự trữ tuyệt vời. Để chuẩn bị cho nồi bánh, tí hon cùng cô em dâu từ hôm trước đã phải con cón ngâm nếp, ướp thịt, rửa lá... Nồi bánh nhóm lên bao giờ cũng chập chờn một bóng dài, bóng ngắn trên vách nứa rì rầm suốt đêm thâu.


Theo Dương Đình Tường(NNVN)
Bình luận
vtcnews.vn