Chiến lợi phẩm sau chuyến câu cá mập . |
Đêm. Cả một vùng biển ngoài khơi phía Nam mờ tỏ dưới con trăng đầu tháng. Kình ngư Cao Tận (thôn Tân An, Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khẩn trương chỉ huy gần chục anh thợ khỏe nhanh chóng lắp mồi vào các lưỡi câu chuẩn bị cho giờ săn mồi.
Đoạn dây dù to bằng ngón tay út, dài đến 4km, lắp hơn 1.000 lưỡi câu được rèn đúc sắc bén. Phải mất gần 2-3 tạ cá, cắt thành từng miếng mới làm đủ mồi cho số lưỡi câu trên. Anh Tận, lái con tàu 300 mã ngựa QNg 97319TS đang nổ máy xình xịch đi thành vòng dài trên mặt biển.
Mỗi đoạn dây 20 sải được lắp 1 lưỡi câu, thả nhanh xuống biển. Dù gấp rút nhưng gần 2 tiếng đồng hồ, cả vùng biển dài mới được phủ dọc lưỡi câu bởi các tay thợ săn cá mập lão luyện.
Ở tuổi 42, đôi mắt ngư dân Cao Tận vẫn sáng tỏ, chăm chú nhìn mặt biển êm chỉ lợn gợn vài con sóng biển theo chiều gió. Anh ưỡn ngực, vươn đôi tay chắc nịch, rít một điếu thuốc dài: “Không phải vùng biển nào, thời điểm nào cũng săn được cá mập. Loại cá khôn nhất nhì dưới đáy đại dương này, nếu không có bài sẽ khó thắng”.
Mướt mồ hôi vờn cá
Đang mùa Bắc (tháng 2-3 âm lịch), anh Tận cho tàu đạp sóng gần cả tuần từ cầu cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ra tận vùng biển phía Nam, giáp ranh nước ngoài để thả câu, săn cá mập. Theo anh Tận: mùa này cá mập hay về ẩn ở các rạn san hô, phải sử dụng các loại mồi riêng.
Kinh nghiệm hơn 20 năm theo nghề săn cá mập, khiến anh dày dạn kinh nghiệm, thông thuộc từng đường biển, con nước, nơi trú ngụ, di cư của loài cá biển hung dữ. “Thường các mùa khác, chỉ cần mồi chết có thể thả câu. Nhưng mùa Bắc, cá mập vào rạn phải tìm cho được các mồi sống, mới có thể khiến chúng cắn câu”.
"Nghề câu cá mập khá phổ biến, là một trong những nghề câu truyền thống của ngư dân địa phương. Hiện còn hơn chục tàu thuyền làng chài Tân An vẫn đang theo nghề này, tạo sự phong phú, đa dạng cho các mặt hàng hải sản. Giá thu mua cá mập khá cao trong thời gian gần đây, khiến ngư dân thu lợi tốt”. ông Đỗ Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An |
Chiếc dây câu rung bần bật, rồi lặng yên… Đoán gặp phải “đối thủ” tinh ranh, kình ngư Cao Tận cho kéo đoạn dây, thay mồi. “Cho nó loại mồi thượng hạng, ắt thăng”, giọng anh quả quyết.
Mồi “cá nhảy” (loại cá heo) tanh rình, còn quẫy đạp được gim lưỡi, thả xuống mặt nước biển đen đặc. Đúng như dự tính của tay câu lão luyện, chỉ chừng vài phút sau, dây câu căng phừng, liên tục lắc mạnh vào máy tới, kéo cả con tàu đi một đoạn dài.
Anh Tận chạy từ khoang lái, trực tiếp xông xuống điều khiển máy kéo. Những vòng tay gân thước quay nhanh, mở dãn chiếc dây câu về phía biển. Các ngư dân liên tục kéo rồi thả, vờn nhau cùng vài con cá mập mắc câu. Phía xa, vùng biển mờ tỏ quẫy lên vũng sóng lớn, lan rộng. “To đấy, phải cẩn thận, không được để chúng xổng câu”- anh Tận đắc ý, chỉ đạo.
Vài tay câu trẻ vã mô hôi, không dám chợp mắt nhìn về phía biển. Đoạn dây cước muốn dãn đứt nếu không có sự “cương - nhu” kịp thời của vị kình ngư lão luyện. Theo kinh nghiệm, cá nhỏ chỉ cần ấn máy tới sẽ kéo ngay được lên khoang. Nhưng với con “cọp biển” hiếm có này, phải vờn đến vài tiếng đợi hắn mất máu, mệt nhừ.
Lão ngư Cao Chảng gần một đời săn cá mập . |
Tay các ngư dân đỏ ran bởi những lần kéo dây cũng là lúc vùng biển dần im. Anh Tận hét lớn, huy động anh em cất “mẻ lưới” quyết định cho con “cọp biển” lên mặt biển. Những chiếc sào ba móc để sẵn dưới biển. Cả tàu tròn mắt nhìn con cá mập to dài như cái cột đình, dần dần trồi lên mặt nước. Phải xoay xở đủ cách, tàu anh Tận mới có thể đưa lên khoang, dùng vật nặng cứng đập vào đầu cá mập để đưa vào khoang ướp lạnh.
“Đây là con cá đáng nhớ trong đời săn cá mập của mình. Nặng đến gần tấn”, anh Tận kể.
Những tay săn cao thủ
Cao Tận được liệt vào danh sách các “cao thủ” săn cá mập của làng chài Nghĩa An. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ đầu năm đến nay, anh đã có 3 chuyến đi biển thắng lợi, thu về hàng chục tấn cá mập, bán lãi gần 2 tỷ đồng.
Lê Đình Trung (45 tuổi, Nghĩa An), chủ tàu cá câu cá mập lớn trên địa bàn, vừa trở về sau chuyến câu đạt 6-7 tấn cá mập, cập bến cá Nghĩa Phú (Tư Nghĩa). Ông Trung nói: chưa năm nào ngư dân trúng lớn cá mập như thời gian vừa qua. Mỗi chuyến thu được vài tấn cá là chuyện thường.
Hơn 1 tháng rong ruổi săn cá mập, ông Trung thu về gần tỷ bạc. Gần 25 năm nay, ông Trung miệt mài theo đuổi nghề săn mập. Không ít lần dự định theo nghề lưới vây, câu mực Trường Sa nhưng cái cảm giác mỗi lần chiến thắng loài cá mập hung dữ như một sức hút khiến ông gắn mãi với nghề.
Lão Trung rành rọt từng loại cá mập nhám (cá trắng), mập đen, mập cào… những vùng, thời điểm đánh bắt tùy theo mỗi loại. “Phải luôn luôn thay đổi mồi câu mới dễ dụ được cá. Nếu có một con mắc câu,? thì ít những con cá mập khác cùng ăn mồi này, phải thay đổi mồi. Riêng mồi “cá nhảy” loại thức ăn hảo hạng của loài cá mập có thể khiến cả chục con dính câu là chuyện thường”.
Ông Trần Thái Sơn (Nghĩa An), chủ tàu cá QNg 95762 - một tay săn cá mập có tiếng, cũng cho hay: trước con nước (thủy triều) cá mập thường ăn tạp nhất. Nếu thả câu đúng thời điểm này tha hồ mà bắt cá. Trường hợp cá chỉ vờn giỡn mà không ăn mồi thì không vội đánh thuyền bỏ đi. Chỉ cần chờ đến đêm mai thả câu, cá mập sẽ dính.
Những đội câu cuối cùng
Lão ngư Cao Chảng (78 tuổi, Nghĩa An, Tư Nghĩa) - vị “cao thủ” già còn sót lại của nghề săn cá mập trong làng - kể: chẳng nhớ nghề săn cá mập có từ thời nào, đều cha truyền con nối. Hiện gia đình lão có đến 3 con trai cùng kế nghiệp với tổng số gần chục chiếc tàu công suất lớn.
Những năm 1970-1980, phương tiện của lão Chảng chỉ là chiếc thuyền buồm lợi dụng hướng gió hoặc chèo tay. Không có la bàn, máy định vị, tầm ngư hay các loại Icom hiện đại, các chuyến săn cá mập biển đều dựa vào kinh nghiệm.
“Phải mất 1 ngày đêm mới chèo gần 30 hải lý tới đảo Lý Sơn, mọi người nghỉ ngơi rồi tối hôm sau mới bắt đầu câu mập. Hồi đó chỉ cách Lý Sơn vài hải lý, cá mập đã lởn vởn trong các rạn san hô, đủ loại to nhỏ khác nhau. Mỗi thuyền câu có 3-4 ngư dân. Người thả lưới, người chèo thuyền, dùng dây thả xuống đo mực nước cạn sâu để đoán luồng lạch của cá mập...”.
Thời ấy mỗi dây câu bằng sợi cước to có 350 lưỡi, dùng các loại mồi như cá nục, cá ngừ, cá hồi, đặc biệt là các loại mồi tanh sẽ dễ nhử loài cá mập. Kinh nghiệm của lão cho thấy, loài cá biển hung dữ này lại rất thích cắn câu vào thời điểm từ rạng sáng trở đi.
Xẻ lấy vây cá mập. |
Không có máy tời, các ngư dân phải cuốn dây cước vào quanh bụng, chân đạp mạnh vào mạn thuyền để lấy sức kéo mỗi lần bắt cá mập. Khó khăn, nguy hiểm nhưng phong trào câu cá mập ngày ấy sôi động, có đến vài chục thuyền nhỏ giong thuyền mỗi đêm. Lão Chảng bảo: bây giờ cả làng nghề câu mập chỉ còn sót lại vài thuyền câu với độ 5-7 tay câu giỏi. Còn lại đi theo nghiệp khác.
Tại làng biển Bình Thạnh (Bình Sơn), các đội câu mập từ vài chục tàu thuyền nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Đỗ Tùng (59 tuổi), chủ tàu cá QNg 55746, một trong những tàu săn cá mập cuối cùng tại Bình Thạnh cho hay: Bây giờ phải ra tận ngoài khơi mới có cá mập.
Nhiều ngư dân thấy khó, khổ nên bỏ nghề. Chúng tôi còn câu cá mập nhưng kết hợp với các nghề câu khác để tăng thu nhập. Theo các lão ngư này, câu cá mập đòi hỏi sự sắc sảo, óc quan sát, phán đoán tốt, sự nhanh nhẹn dứt khoát trong từng đường câu nên nhiều ngư phủ trẻ khó có thể nối nghiệp.
Anh Nguyễn Chức (35 tuổi, thôn Tây, An Hải, Lý Sơn) gắn với nghiệp câu cá mập từ hơn chục năm trước, bộc bạch: ngày theo cha đi săn “cọp biển”, anh tự tin hơn. Nay một mình một thuyền, sức trẻ khó so bì bằng sự ranh ma của loài cá tinh quái này.
Ngậm ngùi nghề câu cá mập
Lý Sơn nổi tiếng với nghề lặn biển, săn hải sâm, nhưng ông Nguyễn Khanh, cha anh Chức lại mở lối với nghề săn cá mập. Hơn 40 năm với nghề, cuối cùng lão cũng mất mạng với chính nghiệp câu của mình.
“Một tối mùa hè giữa năm 2006, khi đang câu cá mập ngoài khơi, cách đảo đến cả nghìn hải lý. Chiếc dây bỗng mắc cá căng phừng, rồi cuốn ông lao vèo xuống biển. Chỉ trong tích tắc những ụ vây cá mập kéo từng đàn đến mạn thuyền. Chúng tôi ra sức xua đuổi nhưng không kịp. Đến khi vớt lên được, ông đã bị cá mập ép chết”, anh Chức kể lại.
Chị Hoa, vợ anh chức ngậm ngùi: từ ngày bố chồng mất, cá mập cũng theo ông đi luôn nên các chuyến đi biển của anh Chức hầu như không thu lợi hiệu quả. Huề vốn là may.
Hơn 25 năm trôi qua, nhưng lão ngư Cao Quốc (70 tuổi, Nghĩa An) vẫn nhớ như in cái lần suýt rơi vào hàm răng cá mập. Chuyến đi biển năm 1985, bất ngờ chiếc dây câu căng phừng bởi con cá mập quẫy đạp và phóng ngược hướng thuyền. Ông Quốc bị dây câu vướng vào chân rồi kéo xuống biển. May mà chiếc dây câu chợt giãn ra giúp ông vung chân lao lên mặt nước để nhờ ứng cứu. Từ đó ông bỏ luôn nghề.
“Với ngư phủ, nghề nào cũng đầy bất trắc. Chuyện những ngư dân bị dính lưỡi câu rách toác chân tay, bị cá mập vùng vẫy, đè lên người gây thương tích là điều không hiếm gặp. Anh em chỉ biết khuyên bảo nhau cẩn trọng, còn có những cái hệ sui thì khó lòng đoán trước” - anh Tận nói.
Theo UBND xã Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi: đến nay có khoảng gần chục ngư dân trên địa bàn hành nghề câu cá mập gặp nạn, bỏ mạng hoặc bị thương tật. Điển hình, trường hợp ông Lê Tám, trong chuyến ra khơi đầu năm 2003 bị tử vong trong lúc câu cá mập. Có trường hợp như ngư dân Cao Tận, khi đang câu mập thì bị lạc vào tâm bão Chanchu (năm 2006). Tàu bị sóng đánh dập, gẫy chân vịt, phá máy. May mắn được một tàu cùng địa phương cứu vớt kịp. |
Nguyễn Huy - TP
Bình luận