• Zalo

Chuyện lạ: Có một giải thưởng IPhO bị bỏ quên?

Giáo dụcThứ Bảy, 29/12/2012 08:39:00 +07:00Google News

Wikipedia cho biết tại cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 15, TS Trần Nhật Quang (Nam Định) được giải đặc biệt “Thí sinh giỏi nhất từ các nước ở rất xa"

Wikipedia cho biết tại cuộc thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 15 (năm 1984), thí sinh Trần Nhật Quang (Nam Định) được giải đặc biệt “Thí sinh giỏi nhất từ các nước ở rất xa”.

Vậy mà theo thông báo của Bộ GD-ĐT thì “không có thí sinh nào của Việt Nam được giải” tại Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 15 (năm 1984).

Tình cờ đọc được tin này trên Wikipedia: Việt Nam tại Olympic Vật lý Quốc tế. Trong đó, nêu kết quả từng cuộc thi Việt Nam có đoàn tham gia.

Thông tin trên Wikipedia về giải thưởng của thí sinh Trần Nhật Quang. 
Tại cuộc thi lần thứ 15 (năm 1984) tổ chức ở Thụy Điển, thí sinh Trần Nhật Quang (học sinh Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong Nam Định) đã được giải đặc biệt “Thí sinh giỏi nhất từ các nước ở rất xa”.

Đến nay, cuộc thi đã qua đi gần ba chục năm, với Bộ GD-ĐT, với nhà trường… và với cả bản thân thí sinh cũng như gia đình, thực sự đã quên lãng, bỗng nay được tin, không thể không lấy làm lạ.

Không “lạ” sao được khi đoàn Việt Nam dự thi Olimpic Vật lý Quốc tế (IPhO) (lần thứ 15) trở về, được thông báo là “không có thí sinh nào của Việt Nam được giải”, nhưng bỗng dưng … hóa ra không phải, Việt Nam có được giải!

Nghi ngờ trang web Wikipedia đã đưa thông tin sai lạc, tôi tiếp tục tìm trên công cụ tìm kiếm của Google, thì phát hiện thêm bằng chứng: Năm 2010, người ta đã xuất bản cuốn sách nói về tất cả các cuộc thi “IPhO”.  Trong sách, phần viết về những thí sinh đoạt giải tại cuộc thi XV IPhO - Sigtuna (Sweden) 1984, trang 89 có ghi nguyên văn như sau:

Special prize

Alberto Clavijo Cuba Special prize for the best participants from very far countries

Tran Nhat Quang Vietnam Special prize for the best participants from very far countries

Vilhjálmur Thorsteinson Iceland Special prize for the best participants from the countries taking part in the competition for the first time

Lars Hoff Norway Special prize for the best participants from the countries taking part in the competition for the first time

Anna Puntajer Austria Special prize for the second best score by a female participant

Bìa cuốn sách. 
Vậy thì tại sao lại có chuyện “lạ” (không muốn nói là vô lý, vô trách nhiệm) như vậy? Địa phương (Hà Nam Ninh trước đây, Nam Định hiện nay) không biết, Trường PTTH chuyên LHP Nam Định, thí sinh và gia đình không biết(*) là chuyện đương nhiên.

Nhưng nói Bộ Giáo dục nước ta không biết, Trưởng đoàn (giáo sư Dương Trọng Bái) không biết, rồi cả sứ quán nước ta tại Thụy Điển thời kỳ ấy cũng không biết, thì vô lý quá.

Vậy giải thưởng mà Wikipedia nói đến trên, hiện nằm ở đâu? Xin được chuyển câu hỏi trên đến Bộ Giáo dục và những cơ quan có liên quan.

Mặc dù đã gần ba chục năm trôi qua, nhân sự các Bộ đã thay đổi rất nhiều, nhưng không vì thế mà Bộ bỏ qua việc này. Bởi đó là trách nhiệm của Bộ, là vinh danh của Bộ, của địa phương, của trường chuyên Lê Hồng Phong Nam Định và của thí sinh.

Phải làm rõ còn vì đây là thái độ của chúng ta đối với cuộc thi và đặc biệt đối với Thụy Điển - nước đã đăng cai tổ chức cuộc thi năm đó, khi chúng ta đã bỏ không nhận giải thưởng.

Xin nói thêm: Đây không phải là chuyện Vật chất của giải mà là chuyện Văn hóa, chuyện Giáo dục.

Cũng xin nói thêm, người viết bài này muốn hỏi: liệu chuyện này có liên quan đến vụ kỉ luật ông phó trưởng đoàn (nguyên là hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm hồi đó)?

Đã gần ba chục năm trôi qua, chúng tôi cũng không muốn nhắc lại, bản thân thí sinh - con tôi cũng không muốn nhắc lại. Nhưng suy nghĩ kỹ thấy đây không phải chỉ là chuyện riêng của gia đình chúng tôi, nên hôm nay tôi quyết định đưa ra công luận.

Mong Bộ Giáo dục và các cơ quan liên quan nghiên cứu trả lời. Làm sáng tỏ một chuyện khuất tất, thiết nghĩ không bao giờ là Muộn cả.

Xin cám ơn

(*) Người viết bài này, chính là cha đẻ của thí sinh Trần Nhật Quang.

Theo Dân trí

Bình luận
vtcnews.vn