Các chuyên gia của tạp chí Popular Mechanics nhận thấy, những quả bom dẫn đường bằng vệ tinh do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine không hiệu quả trên chiến trường. Những quả bom thông minh sử dụng một bộ dây điều khiển để biến những quả bom thông thường thành vũ khí dẫn đường chính xác, tuy nhiên chúng đã nhiều lần thất bại trên thực địa bởi sự gây nhiễu chiến tranh điện tử của Nga.
Cải tiến trên chiến trường
Trong cuộc xung đột với Nga, phương Tây đã hỗ trợ Ukraine bằng các loại vũ khí tiên tiến của Mỹ nhằm trang bị cho các máy bay chiến đấu “già cỗi” của không quân Ukraine.
Tháng 9/2022, không quân Ukraine khiến cả thế giới kinh ngạc khi tiết lộ đang sử dụng Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM) AGM-88 do Mỹ sản xuất, phóng từ tiêm kích MiG-29 và Su-27 để tấn công hệ thống phòng không Nga.
AGM-88 được sử dụng để tấn công các radar phòng không của Nga, đã giúp các máy bay phản lực và trực thăng Ukraine có thể di chuyển an toàn hơn trong khu vực chiến tuyến cực kỳ nguy hiểm.
Vào tháng 12/2022, chính phủ Mỹ tiến thêm một bước, tuyên bố sẽ gửi bom thông minh dẫn đường bằng vệ tinh (JDAM) tới Ukraine. Được dẫn đường bởi tín hiệu vệ tinh GPS, những quả bom này sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng ném bom trên không được dẫn đường chính xác một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng thời điểm hiện tại, sau 4 tháng kể từ khi chúng được đưa vào thực chiến, chính phủ Mỹ nhận ra rằng những quả bom thông minh JDAM đang trở thành nạn nhân bởi các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, theo tạp chí Politico.
Cách hoạt động của JDAM
Bom thông minh JDAM là một ví dụ điển hình về việc sử dụng công nghệ mới để biến những vũ khí cũ hơn trở nên hiện đại hơn. JDAM thực chất là một bộ công cụ bao gồm máy thu GPS, bộ nhớ máy tính và vây bom cơ động.
Bộ công cụ này được gắn vào những quả bom bình thường và rẻ tiền như bom Mk-82 có trọng lượng 230kg, bom Mk-83 460kg, bom Mk-84 920kg và kết quả cuối cùng là một hệ thống vũ khí dẫn đường chính xác ra đời.
Bom JDAM được đưa lên máy bay giống như các loại bom khác. Sau khi bay trên không, phi công có thể nhập tọa độ GPS của mục tiêu trên mặt đất vào bộ nhớ máy tính của JDAM.
Máy bay thường leo lên một độ cao lớn để thả bom, máy bay càng cao quả bom có thể lướt tới mục tiêu càng xa. Sau đó, quả bom tạo ra một đường thẳng hướng vào tọa độ mục tiêu, các vây của nó có tác dụng điều chỉnh hướng đi khi bom rơi tự do trong không trung, độ sai lệch mục tiêu thường dao động trong phạm vi 5m.
Tác chiến điện tử của Nga
Theo các tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Mỹ, bom JDAM của Ukraine rất thiếu chính xác. Vấn đề này cũng xảy ra với các loại tên lửa dẫn đường, liên quan đến tên lửa GMLRS của hệ thống phóng HIMARS. Thông tin từ tài liệu bị rò rỉ đổ lỗi cho các nỗ lực tác chiến điện tử của Nga, đặc biệt là gây nhiễu sóng vô tuyến.
Nga thực sự là cường quốc ưu việt trong việc gây nhiễu chiến trường. Quân đội Nga đã nhận thức sâu sắc về việc phương Tây sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác, đặc biệt là vũ khí dẫn đường bằng vệ tinh. Họ đã thực hiện nhiều nỗ lực đáng kể để vô hiệu hóa lợi thế đó.
Nga đã đi đầu trong việc phát triển các hệ thống có khả năng gây nhiễu GPS và Lực lượng vũ trang Nga hiện tại đang duy trì 5 lữ đoàn tác chiến điện tử để gây nhiễu chiến trường.
Việc gây nhiễu GPS là rất phổ biến ở Nga, bên trong các quốc gia láng giềng của Nga, đặc biệt là nơi các lực lượng Nga hoạt động ở nước ngoài. Vào tháng 12/2022, nhiều báo cáo cho thấy GP bị nhiễu ở các thành phố của Nga.
Hành động này là để đáp trả việc các máy bay không người lái của Ukraine tấn công các căn cứ không quân bên trong nước Nga và nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho các máy bay không người lái sử dụng GPS để điều hướng đến mục tiêu của chúng.
Ở Syria, việc gây nhiễu GPS của Nga cũng được tiến hành nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự, họ tạo ra sự gián đoạn sử dụng dịch vụ GPS ở những nơi xa xôi như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Israel và Cộng hoà Síp.
Các chuyên gia quân sự đã mô tả tình huống giải thích lý do tại sao các quả bom thông minh trượt mục tiêu.
Trước hết, một phi công MiG của không quân Ukraine đang thực hiện nhiệm vụ tấn công đánh dấu tọa độ GPS của mục tiêu mặt đất vào một quả bom JDAM.
Khi máy bay của Ukraine đến gần chiến tuyến, các radar phòng không của Nga phát hiện ra máy bay này và báo cho các đơn vị tác chiến điện tử gần đó.
Lực lượng tác chiến điện tử sẽ bật các thiết bị gây nhiễu Krasukha-4, Pole 21- hoặc R-330Zh Zhitel phát trên tần số GPS để chặn tín hiệu vô tuyến của vệ tinh sang một bên. Quả bom, không thể sử dụng các tín hiệu vệ tinh GPS làm điểm tham chiếu để điều hướng, nó rơi vào trạng thái "ngẩn ngơ" và bắn trượt mục tiêu.
Nguyên nhân bom JDAM thất bại
Bom JDAM vẫn có một hệ thống dẫn đường quán tính dự phòng (INS) được cho là vẫn có thể đưa quả bom đến mục tiêu trong phạm vi sai số khoảng 30m. Dù tốc độ chậm hơn một chút nhưng nó vẫn được cho là hiệu quả.
Điều đó đủ để tiêu diệt các mục tiêu không kiên cố như bãi chứa nhiên liệu và đạn dược, trận địa pháo binh cũng như các phương tiện và vũ khí bọc thép hạng nhẹ khác. Nó vẫn gây nguy hiểm cho bộ binh đối phương.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng có lẽ bom JDAM được ưu tiên cho các nhiệm vụ quan trọng hơn. Một là JDAM đang được sử dụng để chống lại các mục tiêu bọc thép đòi hỏi phải tấn công trực tiếp, như xe tăng và boongke và INS không đủ chính xác để tiêu diệt chúng.
Một khả năng khác là hệ thống INS dự phòng không được chuyển giao cùng với JDAM cho các máy bay chiến đấu Ukraine. Một lý do nữa là các máy bay chiến đấu của Ukraine đang bay quá thấp khiến các quả bom, sau khi mất GPS, thiếu khoảng cách bay để điều chỉnh hướng bay cho phép chúng hạ cánh đủ gần mục tiêu.
Có những cách giải quyết khác, chẳng hạn như bom JDAM mới hơn sử dụng cả GPS và dẫn đường bằng laser. Tuy nhiên khó khăn là các máy bay chiến đấu của Ukraine thiếu thiết bị chỉ định laser cần thiết để hệ thống hoạt động.
Tóm lại Mỹ và Ukraine hiện cần một loại vũ khí mới hiệu quả hơn hoặc tìm cách phá hủy các thiết bị gây nhiễu. Nga đã đầu tư rất nhiều vào các công nghệ tác chiến điện tử và khoản đầu tư này đang được đền đáp xứng đáng.
Bình luận