Chia sẻ với tờ Infonet ngày 20/1, chuyên gia Phạm Chi Lan nói rằng từ người dân, doanh nghiệp đến các cơ quan ban ngành đang chi tiêu một cách hoang phí cho dịp Tết và tình trạng này hiện đã thực sự nghiêm trọng.
Theo lý giải của vị chuyên gia kinh tế uy tín này, nguyên nhân do “người dân, doanh nghiệp và các ban ngành vẫn quá coi trọng hình thức” khiến việc tiêu xài hoang phí trở thành một nếp văn hóa trong cộng đồng người Việt mà lâu nay chúng ta chưa thể thay đổi.
“Tính sĩ diện đã ăn sâu vào trong đời sống người dân, ai cũng muốn đua nhau chạy theo hình thức bề ngoài, xu hướng này không hề tốt một chút nào trong bối cảnh kinh tế chung hiện nay đang khó khăn, đất nước còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo, chính bệnh sĩ này lại là nguyên nhân khiến cho nhiều hộ gia đình vừa thoát ra khỏi ngưỡng nghèo rồi lại tái nghèo,” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói với Infonet.
Xem video: Chập điện, đèn trang trí trên phố bùng cháy trong đêm
Tình trạng chi tiêu hoang phí, theo bà Lan, đặc biệt thể hiện ở việc trang trí phản cảm nơi đường phố ở nhiều địa phương mỗi dịp Tết đến, xuân về.
“Nếu xét đến giá trị văn hóa, những thứ đó không hề có, thậm chí nó khiến cho các thành phố trở nên quê mùa, kệch cỡm, lố bịch, kiểu khoe mẽ chứ chưa thể hiện được tầm văn hóa thực sự,” bà Phạm Chi Lan nói thêm.
Vẫn theo chuyên gia Phạm Chi Lan, hiện Việt Nam còn nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn nên càng cần phải biết trân trọng đồng tiền mình kiếm được, đừng vì thể diện bề ngoài mà chi tiêu lãng phí.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế từng có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Thì, Việt Nam cũng nên tính toán thu dẹp thời gian nghỉ Tết đồng thời gộp Tết âm và Tết dương làm một để tạo đà cho kinh tế phát triển.
Cụ thể, nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, bà Phạm Chi Lan quan điểm Việt Nam là một nước còn nghèo, năng suất lao động mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển.
“Hiện nay thời gian nghỉ giữa hai cái Tết đang gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty,” bà Phạm Chi Lan nói với VTC News trong một phỏng vấn cách đây 2 năm.
“Thực tế, sau kỳ Noel tết Tây, gần như tháng 1 Tây nhiều người không làm việc được bao nhiêu bởi các nơi tổng kết sơ kết rồi chuẩn bị cho Tết ta,” bà Chi Lan nói thêm.
Việt Nam nên học theo cách của người Nhật... Đất nước Nhật bây giờ vẫn giữ những nét truyền thống văn hoá hấp dẫn nhưng lịch trình công việc họ đã theo được với cái chung trên toàn thế giới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Trong lần phỏng vấn gần nhất, 10/1 năm nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tiếp tục cổ vũ cho việc gộp Tết cổ truyền và Tết dương. Bà Lan nói: “Tết cổ truyền của Việt Nam kéo quá dài, mất quá nhiều thời gian cho Tết. Số ngày nghỉ chính thức không nhiều nhưng từ đó kéo dài thành những cái không chính thức”.
“Cái mà tôi không hài lòng nhất là việc chúng ta không kiểm soát được ngày nghỉ cho đúng với số ngày quy định. Cơ quan nào cũng vậy, ngày đầu tiên đi làm phải là ngày chúc tụng nhau chứ không ai làm đủ 8 tiếng theo quy định. Bên cạnh đó, Tháng Giêng thì đi Tết, đi lễ kinh khủng. Đó là những cái thực tế đang xảy ra mà không ai kiểm soát nổi.” – Bà Lan quan điểm.
Lấy ví dụ trường hợp của nước Nhật, bà Chi Lan nói rằng “Việt Nam nên học theo cách của người Nhật”. Người Nhật xưa kia cũng có Tết truyền thống, có Tết riêng, sau này, người Nhật xoá cái Tết cũ của họ để tập trung vào Tết Dương lịch.
“Đất nước Nhật bây giờ vẫn giữ những nét truyền thống văn hoá hấp dẫn nhưng lịch trình công việc họ đã theo được với cái chung trên toàn thế giới,” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Cũng liên quan tới đề xuất gộp Tết ta và Tết tây, trả lời VTC News mới đây, giáo sư Võ Tòng Xuân nêu quan điểm, việc "ăn" hai cái tết khiến đất nước mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Đồng thời, tốn kém về thời gian, tiền bạc và gây lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết tây.
Nhà văn trẻ Tuệ Nghi, trong bài viết gửi cho VTC News cũng ủng hộ quan điểm này. Nhà văn Tuệ Nghi đặt câu hỏi: "Chúng ta chọn đất nước giàu mạnh hay chọn cố chấp giữ truyền thống để cứ phải ngậm ngùi nhìn các quốc gia khác vượt mặt chúng ta hàng thập kỷ?"
"Và cái hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, Tết thì ngày càng 'nhạt' mà cứ phải khăng khăng 'giữ hồn'?" - Nhà văn Tuệ Nghi nói thêm.
Bình luận