• Zalo

Chu Nguyên Chương - hoàng đế đẩy nhà Minh vào cuộc khủng hoảng tiền tệ

Khám pháThứ Bảy, 06/05/2023 11:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau khi lập ra nhà Minh, Chu Nguyên Chương cho in tiền giấy hàng loạt, khiến tiền mất giá và lạm phát tăng cao, đồng thời mở ra tục lệ đốt vàng mã thờ cúng.

Người Trung Quốc quan niệm cuộc đời con người chuyển biến từ kiếp này sang kiếp khác. Người sống thường xuyên đối thoại với người chết, cúng tế và tặng quà tổ tiên, đốt tiền vàng mã với hy vọng người chết sẽ chăm sóc và bảo vệ lợi ích cho chúng ta.

Vì hai thế giới là hình ảnh phản chiếu lẫn nhau, nên người Trung Quốc coi đốt tiền vàng mã là nghi thức thiết yếu trong thờ cúng tổ tiên, là cách đảm bảo người chết có đủ tiền tiêu xài ở thế giới bên kia.

Chu Nguyên Chương - hoàng đế đẩy nhà Minh vào cuộc khủng hoảng tiền tệ - 1

Vàng mã phủ thiếc (trái) và Chu Nguyên Chương (phải). (Ảnh: VCG)

Tại Trung Quốc có nhiều loại tiền vàng mã, nhưng xa xỉ nhất là xibo, hay còn gọi là giấy thiếc. Đây là loại giấy làm từ gỗ tre, được phủ lớp thiếc mỏng và chi phí sản xuất cao. Người ta thường gấp xibo thành hình móng ngựa, giống bạc thỏi thời Trung Quốc phong kiến. Do đó, đôi khi xibo còn được gọi là zhiding (giấy thỏi).

J. J. M. De Groot, chuyên gia người Hà Lan nghiên cứu về Trung Quốc, cho hay người Trung Quốc tin rằng zhiding sẽ được lửa biến thành bạc thật, đến tay người chết thông qua khói.

Giấy thiếc được sử dụng rộng rãi làm tiền tệ trong triều Minh (1368-1644) và Thanh (1644-1912). Nguồn gốc của tiền bằng giấy thiếc cũng gắn liền với Chu Nguyên Chương, người đã khởi nghĩa và sau này thành lập nhà Minh. Cuộc khởi nghĩa diễn ra gần vùng Giang Nam giàu có, hạ lưu sông Trường Giang, ngày nay gồm một phần của tỉnh Chiết Giang và Giang Tô.

Cuối thế kỷ 14, cư dân Giang Nam có phong tục cúng miếng bạc lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Theo truyền thuyết, khi Chu Nguyên Chương lãnh đạo cuộc nổi dậy chống nhà Nguyên, ông đã mượn bạc từ các gia đình này để trả lương cho quân đội và hứa hẹn hoàn trả khi hòa bình. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Chu tuyên bố không thể trả nợ.

Một viên quan lập luận vì người chết đã ở thế giới bên kia nên không cần dùng bạc thật. Thiếc trở thành lựa chọn kinh tế hơn, cho phép Chu Nguyên Chương trả nợ. Ông nghe theo lời cận thần. Các gia đình không thể chống lại tân vương, không còn lựa chọn nào khác ngoài nhận lại các thỏi thiếc.

Câu chuyện phản ánh cuộc xung đột giữa người dân và chính quyền nhà Minh mới thành lập ở khu vực Giang Nam giàu có. Cuộc xung đột kết thúc bằng hàng loạt cải cách tiền tệ hỗn loạn và sự chuyển giao của cải từ người dân sang chính quyền.

Mối quan hệ của Chu Nguyên Chương và vùng Giang Nam rất phức tạp. Trong chiến dịch chống lại nhà Nguyên, Giang Nam đóng vai trò là nguồn cung cấp ngân sách chính cho quân đội. Sau khi nhà Minh thành lập, triều đình tiếp tục đánh thuế cao hơn tại khu vực này so với những vùng khác. Nhiều chuyên gia lịch sử suy đoán những quy định nghiêm khắc này bắt nguồn từ sự thù ghét cá nhân của Chu Nguyên Chương với các thương nhân Giang Nam đã ủng hộ đối thủ của ông.

Chu Nguyên Chương - hoàng đế đẩy nhà Minh vào cuộc khủng hoảng tiền tệ - 2

Giấy thiếc gấp hình thỏi vàng dùng trong thờ cúng ở Trung Quốc. (Ảnh: VCG)

Đánh thuế cao không phải cách duy nhất Chu Nguyên Chương làm đầy kho bạc. Từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu, ông lên kế hoạch ban hành loại tiền đồng mới. Sau khi chiến thắng, Chu Nguyên Chương ra lệnh sản xuất hàng loạt loại tiền mới trên toàn quốc. Kế hoạch lập tức thất bại, bởi không có đủ đồng để sử dụng, dù triều đình bắt người dân giao nộp tiền xu và đồ đồng. Nhà Minh chuyển sang sản xuất tiền giấy, noi theo nhà Tống (960-1179) và nhà Nguyên (1170-1368).

Về bản chất, loại tiền mới là cách để triều đình thu về lượng lớn vàng và bạc từ người dân. Quyết định này có sự tương đồng với câu chuyện Chu Nguyên Chương lấy bạc từ nơi thờ cúng tổ tiên của người dân Giang Nam và trả lại bằng các thỏi thiếc.

Bất chấp nguy cơ bị xử tử, người dân vẫn sử dụng vàng bạc. Nhà Minh sản xuất quá nhiều tiền giấy, khiến giá trị giảm mạnh và lạm phát tăng cao. 50 năm sau khi phát hành tiền giấy, giá trị giảm xuống còn 1/4 đến 1/7 mệnh giá. 100 năm sau, tiền giấy trở nên vô giá trị tới mức nhà Minh sử dụng chúng như một loại tiền vàng mã, khi hoàng đế ban thưởng hàng xấp tiền giấy làm quà tặng quan viên trong dịp Tết.

Từ nhà Tống đến nhà Nguyên và nhà Minh, cả ba triều đại Trung Quốc đều cố gắng và thất bại trong việc biến tiền giấy trở thành loại tiền có giá trị lâu dài. Zheng Jiefu, một viên quan triều Nguyên, nhận xét việc áp dụng tiền giấy thời Tống là dấu hiệu cho thấy triều đại này sắp sụp đổ.

"Tiền giấy dành cho hồn ma, không dành cho người. Sau khi người dân triều Tống bắt đầu sử dụng tiền dành cho hồn ma, vấn đề suy vong của triều đại chỉ còn là thời gian".

Chu Nguyên Chương - hoàng đế đẩy nhà Minh vào cuộc khủng hoảng tiền tệ - 3

Tiền giấy từ thời nhà Minh giấu trong pho tượng gỗ La Hán hơn 600 tuổi. (Ảnh: Mossgreen)

Cuối cùng, tiền giấy trở thành minh chứng cho sự bất ổn. Một câu chuyện lưu truyền từ thời nhà Minh tới nay kể về một công nhân phát hiện những thỏi bạc mà anh ta kiếm được sau nhiều năm làm việc vất vả đã biến thành giấy lộn khi trở về nhà. Câu chuyện phản ánh cảm giác bất an của người dân về bất ổn tài chính.

Trớ trêu thay, tiền giấy mất giá là khởi nguồn cho việc sử dụng zhiding (giấy thỏi) trong tang lễ. Sự hỗn loạn từ cuộc cải cách tiền tệ thất bại của nhà Minh khiến người dân bắt đầu chuộng bạc hơn tiền giấy.

Khi nghĩ đến tiền giấy, người ta lập tức liên tưởng đến sự bất ổn và họ mong muốn tiền tệ trở lại giá trị thực vốn có. Khát vọng ấy chuyển sang tiền vàng mã. Họ không muốn đốt tiền giấy bình thường nữa, mà muốn tiền vàng mã được làm bằng vật liệu mô phỏng hình thức và kết cấu của bạc thật. Sở thích ấy vẫn tồn tại mạnh mẽ đến tận ngày nay.

HỒNG PHÚC (Nguồn: Sixthtone)
Bình luận
vtcnews.vn