• Zalo

Chân dung doanh nhân Tuổi Tuất giàu nhất thế kỷ 20: Đất đai của cải trải khắp Việt Nam

Kinh tếChủ Nhật, 18/02/2018 11:18:00 +07:00Google News

Nhà tư bản dân tộc nổi tiếng thế kỷ 20 được mệnh danh là “vua tàu thủy”, người được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 là ai?

Một trong những nhà tư bản dân tộc nổi tiếng thế kỷ 20, không thể không nhắc tới vị “vua tàu thủy”, "đại gia" Bạch Thái Bưởi. Lúc sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi).

Ông Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 (Giáp Tuất) tại một gia đình nông dân nghèo khó ở làng An Phúc (Yên Phúc), huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội).

Ông Bạch Thái Bưởi tên thật là Đỗ Thái Bửu.

20141015160204-2

Một trong những nhà tư bản dân tộc nổi tiếng thế kỷ 20, không thể không nhắc tới vị “Vua tàu thủy” Bắc kỳ Bạch Thái Bưởi.  

Đầu năm con chó PV VTC News tìm về làng Yên Phúc, nơi chôn rau cắt rốn của ông Bạch Thái Bưởi. Ngôi làng cổ ven đô nay không còn nhiều dấu tích, thay vào đó là những ngôi nhà hiện đại khang trang, bề thế và 2 khu đô thị sầm uất.

Lớp trẻ bây giờ chẳng mấy ai gọi Yên Phúc là “làng”, chỉ còn những cụ già tóc đã bạc, răng đã mòn mới còn cái tục đó. Đường làng bây giờ cũng được đổ bê tông cốt thép, nối liền từ đầu tới cuối.

Thậm chí, ngay trước đình làng Yên Phúc, con đường sình lầy năm xưa được đổi tên thành đường Bạch Thái Bưởi như để ghi nhớ công đức của ông trong những năm chống Pháp.

Hiện tại, làng Yên Phúc vẫn còn rất nhiều hậu duệ của ông Bưởi ở lại nhưng họ chỉ là những người bà con xa, cách nhau tới mấy đời. Con cháu trực hệ của ông đã di cư đi hết, người ở bên Pháp, có cô chắt ngoại lại đi kinh tế mới tận Lâm Đồng.

Tuy nhiên, những người con, người cháu vẫn còn lại ở làng Yên Phúc luôn nhắc tới ông Bạch Thái Bưởi bằng một niềm tự hào và biết ơn.

Trong căn nhà thờ tổ họ Đỗ ở làng Yên Phúc, cụ bà Cấu (gọi theo tên chồng) năm nay 86 tuổi chia sẻ: “Nhắc đến cụ Bạch Thái Bưởi thì con cháu chúng tôi ai cũng tự hào”.

Cụ bà Cấu là cháu dâu, chồng bà Cấu là cháu họ, gọi ông Bạch Thái Bưởi là ông. Mặc dù là thế hệ sau nhưng kể từ khi làm dâu, bà Cấu vẫn được nhiều người trong dòng họ kể lại về danh thế của bậc tiền nhân.

28080086_969659193198934_1614780612_o

Cụ bà Cấu (gọi theo tên chồng) năm nay đã 86 tuổi vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. (Ảnh: Việt Vũ)

“Ở làng này ai cũng biết tiếng cụ Bưởi cả. Từ ngày xưa tôi cũng được bậc cha chú kể lại về cụ Bưởi và những đóng góp của ông cho quê hương, bản quán.

Ngày đó nhà cụ Bưởi nghèo lắm. Cụ được một ông người Pháp nhận làm con nuôi. Sau đó, ông người Pháp mất để lại tài sản cho cụ Bưởi. Một mình cụ từ đó bươn chải ra xã hội và xây dựng sự nghiệp”.

Bà Cáu chép miệng: “Danh tiếng của cụ Bưởi vang xa, nhưng sự thực thì cụ rất ít ở làng”. 

Lịch sử lên tiếng

Để hiểu hơn về đại gia tuổi Tuất,bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20, PV tiếp tục gặp ông Đỗ Tứ Quân, một hậu huệ của ông Bạch Thái Bưởi nhưng thuộc họ hàng xa, rất xa.

Ông Quân là người giữ gia phả của dòng họ Đỗ làng Yên Phúc.

28125712_1104111159731967_1097881451_o 3

Ông Quân một lần nữa khẳng định, ông Bạch Thái Bưởi là người họ Đỗ làng Yên Phúc, Hà Đông. (Ảnh: Việt Vũ)

Ông Quân khẳng định, cụ Bạch Thái Bưởi là người họ Đỗ làng Yên Phúc (Hà Đông) nhưng về sau một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi và cho ăn học, ông mới đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch.

Lật từng trang gia phả cũ mèm, ông Quân nói thêm: “Cụ Bưởi thuộc thế hệ thứ 6, chi thứ 2 của dòng họ Đỗ làng Yên Phúc, con ông Đỗ Văn Cóp. Sau thời gian học Quốc ngữ và tiếng Pháp; ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Khi đó ông có tên là Ký Năm”.

Theo những gì được chép lại trong lịch sử dòng họ, năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính và ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất.

Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, nơi ông được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây.

Khi về nước, với kiến thức và kinh nghiệm thu được trong thời gian ở Pháp, ông xin làm Giám đốc công trình cầu Long Biên. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hoả xa Đông Dương.

Sau ba năm kinh doanh, ông trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh độc lập bằng việc bỏ vốn ra buôn ngô, nhưng lần này ông thất bại và lỗ nặng.

Mặc dù vậy, ông vẫn tung nốt những đồng vốn còn lại vào một vụ đấu thầu hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định và trúng thầu. Ông lãnh thêm việc thầu thuế chợ ở Vinh (1906–1913), ở Nam Định (1906–1909), ở Thanh Hóa (1907–1909). Và cuộc đời, sự nghiệp "đại gia" đình đám này sang trang từ đó.

(Còn tiếp)

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn