• Zalo

Cần Thơ muốn làm thành phố sân bay 10.000 ha

Đời sốngChủ Nhật, 11/06/2023 09:43:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố sân bay 10.000 ha sẽ khắc phục được những hạn chế về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Chiều 10/6, tại diễn đàn Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế Vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp, tham mưu trình Chính phủ xem xét sớm chấp thuận dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực.

Dự án sẽ kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistcs phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia.

Cần Thơ muốn làm thành phố sân bay 10.000 ha - 1

Thành phố Cần Thơ.

“Đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha”, ông Trần Việt Trường nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Do đó, việc tìm ra những giải pháp khả thi, tạo động lực phát triển bền vững cho TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL, kết nối khu vực với các tỉnh phía Nam là đòi hỏi cần thiết và mang tính cấp bách.

Ngoài việc muốn làm thành phố sân bay rộng 10.000 ha, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ, hướng dẫn TP Cần Thơ thực hiện thủ tục thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ để sớm mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Ông Trần Việt Trường cũng kiến nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất cho phép xây dựng dự án kết nối đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao. Bởi, hiện tại ĐBSCL chỉ có trục chính quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều. Trong khi đó, ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế toàn diện. Chính vì vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 của khu vực là mức tăng trưởng bình quân phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật là điều kiện thiết yếu và cấp bách.

Việc củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật sẽ góp phần kích thích đầu tư, tạo thuận lợi cho việc xây dựng, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển, làm gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế, tạo động lực cho quá trình phân bố lại dân cư, lao động.

Thực tế, bên cạnh các kết quả tích cực, hạ tầng kỹ thuật của ĐBSCL chưa đạt yêu cầu phát triển như mong muốn và cơ bản vẫn còn là điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn