Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tính đến tháng 10/2021, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì không trụ nổi với dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
"Sống mòn" chờ qua dịch, mong đi làm trở lại
Là giáo viên mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn quận 8, chị Nguyễn Thị Xuân Lan (30 tuổi) bị mất việc hơn 5 tháng qua. Không việc làm, không thu nhập, khiến chị Lan lâm cảnh vô cùng túng quẫn.
Khi những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng cạn dần, trong khi chờ trường được hoạt động trở lại, chị Lan buộc phải xoay sở tìm một công việc mới để trang trải cuộc sống. Đầu tháng 11, khi TP.HCM dần ổn định trở lại, chị tìm được một công việc giữ trẻ tại nhà.
"Mình có con nhỏ không ai trông giữ nên có thỏa thuận với chủ nhà cho phép được mang con theo. Vừa trông con cho chủ nhà vừa giữ con của mình. May mắn chủ nhà cũng đồng ý nhưng do phải mang con theo nên tiền lương cũng không được cao lắm", chị Lan chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, ra trường và đi dạy được 4 năm, chị Lan chưa bao giờ phải đối mặt với tình cảnh khó khăn như hiện tại. Chồng đi làm ở xa và bị kẹt lại do dịch, 2 đứa con, một đứa đang học lớp 2 còn một đứa chưa đến 1 tuổi. Bao nhiêu chi phí sinh hoạt trong gia đình, tiền sữa, tiền ăn cho con đè nặng trên đôi vai của hai vợ chồng trẻ. Trong khi đó các gói chính sách hỗ trợ dành cho giáo viên mầm non tư thục vẫn còn ít và khó tiếp cận.
"Vừa rồi thì mình chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng từ thành phố, cũng chỉ đủ mua sữa cho con. Các giáo viên mầm non các trường công thì còn có tiền lương hàng tháng, được hỗ trợ từ Nhà nước chứ còn giáo viên các trường mầm non tư thục như tụi mình thì có đâu. Trẻ đến trường thì chủ cơ sở mới có tiền để trả lương cho giáo viên, còn đóng cửa coi như là hết. Thực sự thì mình rất yêu nghề, nhớ nghề, chỉ mong sao trường được hoạt động trở lại để gặp lại các con", chị Lan tâm sự.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Tạ Hà Kim Ngọc, (29 tuổi, giáo viên mầm non tư thục trên địa bàn quận 7) chia sẻ, trong những đợt dịch vừa qua giáo viên mầm non là nghề phải nghỉ đầu tiên và cũng là nghề được đi làm cuối cùng.
Nguồn thu nhập từ giáo viên mầm non vốn đã ít ỏi thì nay cũng mất hẳn. Đầu tháng 11, chị đăng thông tin xin giữ trẻ tại nhà nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc.
"Em là con một nên còn gửi tiền cho ba mẹ em lớn tuổi ở quê nhà Kiên Giang. Ba em gãy chân với bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính không có khả năng lao động, mẹ em cũng bị tai biến nhẹ nên cũng không đi làm được. Từ đầu dịch đến giờ, em phải vay mượn, thậm chí xin tiền của mạnh thường quân để gửi cho ba mẹ em ở quê. Em chỉ mong sao dịch mau chóng qua đi, trường được hoạt động để em được quay lại với công việc yêu thích của mình", chị Ngọc chia sẻ.
Những đợt nghỉ dịch kéo dài đã khiến nhiều trường mầm non tư thục tại TP.HCM đứng trên bờ vực phá sản, phải giải thể. Các giáo viên bị mất việc cũng phải chật vật tìm đủ thứ nghề để mưu sinh.
Chị Trần Vân Anh, chủ cơ sở Giáo dục mầm non tư thục tại Quận 8 cho biết, khi trường phải đóng cửa khiến nhiều cô giáo rất hụt hẫng, bơ vơ, các gói hỗ trợ từ Nhà nước cơ bản không đủ, bản thân cơ sở mặc dù cũng gặp muôn vàn khó khăn vẫn hỗ trợ thêm cho các cô nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
"Nói chung là hiện tại cuộc sống của các giáo viên mầm non vô cùng khó khăn, nhiều cô chỉ quen với việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ nay phải đi bán hàng, chạy bàn cà phê. Như một cô giáo của trường mình, cả gia đình ở trong một căn phòng nhỏ với cha mẹ và 3 chị em. Sáng cô ấy phải đi chạy bàn cà phê, tan ca cô ấy phải về nhà làm phụ giúp gia đình. Cô ấy cũng tâm sự với mình, khi đi chạy bàn cà phê gặp phụ huynh vào quán cô ấy cũng đến chào hỏi nhưng thái độ của phụ huynh khác hẳn không như trước đây, thậm chí họ còn vờ như không quen biết cô. Cô ấy nói lúc đó em chỉ muốn khóc thật to. Thực sự mình rất thương và xúc động", chị Vân Anh nói.
Chủ các trường mầm non đang "kêu cứu"
Tại TP.HCM, học sinh ở tất cả các cấp đều nghỉ học phòng dịch từ đầu tháng 5 cho đến nay. Chỉ có học sinh phổ thông bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến gần hai tháng nay, còn riêng bậc mầm non thì chưa biết đến khi nào được hoạt động trở lại.
Trước đó, gần 100 trường mầm non tư thục ở TP.HCM với hơn 200 cơ sở đã có thư (thư ký tên điện tử) kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM… mong có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục mầm non trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài.
Trong thư kiến nghị, các trường mầm non tư thục ở TP.HCM đề xuất nhiều chính sách mong muốn được hỗ trợ, như hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong ngành giáo dục mầm non tư thục; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đáp ứng đủ Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch trong trường học để sớm được hoạt động trở lại.
Còn đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành mầm non tư thục, các trường kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ ưu tiên chích vaccine phòng COVID-19 cho giáo viên, cán bộ và nhân viên từ địa phương khác quay trở lại TP.HCM làm việc. Đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng dành cho giáo viên và công nhân viên làm việc trong ngành giáo dục.
Dựa trên kiến nghị "cầu cứu" của hàng trăm cơ sở mầm non tư thục ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách cụ thể, phù hợp và khả thi.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục mầm non tại TP.HCM về chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non tư thục trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cụ thể; báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước ngày 1/11.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của dịch COVID-19.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng ổn định cuộc sống, động viên thầy cô quay trở lại trường.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cấp xem xét miễn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay.
Với các trường mầm non ngoài công lập, Bộ đề xuất xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020.
Bình luận