• Zalo

‘Bươn chải’ chứ không phải ‘bươn trải’

Ý kiếnThứ Tư, 09/02/2022 12:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thật khó chịu khi ngay cả một số người có học vị cao vẫn viết sai chính tả “bươn chải” thành “bươn trải”, khiến từ này trở thành vô nghĩa.

Nếu coi văn bản là một món ăn thì lỗi chính tả tuy không phải chất độc gây chết người nhưng vẫn khiến bữa cơm trở nên mất ngon bởi nó giống như hạt sạn. Những lỗi do thói quen phát âm mang tính vùng miền, địa phương cực kỳ phổ biến, chẳng hạn như sự lẫn lộn giữa s và x, r và d, tr và ch… Đang theo dõi một bài viết thú vị, gặp một vài lỗi như vậy, người đọc không khỏi khó chịu, thậm chí bực mình. Đó là cảm giác của tôi mới đây khi một lần nữa vấp phải từ “bươn trải” trong bài viết của một vị tiến sĩ.

Thật ra, nói “bươn trải” là một từ là không chính xác, vì nó không có nghĩa. Phải là “bươn chải” mới đúng. Theo cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, được Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2010, “bươn chải” là “vật lộn một cách khó nhọc, vất vả (thường là để kiếm sống)”. Người ta thường dùng từ này khi nói về chuyện mưu sinh. Cá nhân tôi khi đọc, nghe từ này sẽ hình dung ra một người đang vật lộn để bơi thuyền trên mặt nước, căng sức, cố xoay xở đủ kiểu để đưa thuyền về bến. Từ này có tính tượng hình rất cao.

‘Bươn chải’ chứ không phải ‘bươn trải’ - 1

Từ "bươn chải" thường được dùng để nói về việc vật lộn mưu sinh.

Trong khi đó, nếu dùng “trải” – có nghĩa là “trải ra, mở rộng ra trên mặt phẳng” hoặc “trải qua, kinh qua”, bạn sẽ biến một từ có nghĩa thành hai âm tiết vô nghĩa.

Những lỗi chính tả về âm tr và ch tương tự rất phổ biến trong các bài viết trên môi trường số và cả sách báo in, hay các bảng biển dọc đường. Chẳng hạn, những ngày Tết vừa qua, khi lướt Facebook, tôi thấy rất nhiều người viết “bánh trưng” thay vì “bánh chưng”, kể cả những người nổi tiếng, trình độ thạc sĩ hẳn hoi.

Còn từ “tựu trung” thì thường xuyên bị viết sai thành “tựu chung”. Đây là từ Hán Việt, trong đó “tựu” có nghĩa là tới (tề tựu), “trung” là ở giữa, bên trong. Tổng hợp 2 yếu tố này là “tề tựu ở giữa”, mang nghĩa “nêu ra cái chính trong những điều vừa nói đến”, ví dụ: “Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành”.  

Vẫn biết rằng lỗi chính tả thì ai cũng có thể mắc, tuy nhiên nếu chú ý hơn một chút để giảm thiểu những lỗi này bằng cách hiểu rõ hơn về nghĩa của từ, chúng ta sẽ tránh được những lần phải cau mày khó chịu khi đọc, giống như vấp phải sạn trong bát cơm dẻo thơm.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trần Linh
Bình luận
vtcnews.vn