Dư luận đang bàn luận rất nhiều về cuốn "Từ điển Chính tả tiếng Việt" của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, ấn phẩm được cho là có quá nhiều lỗi chính tả. Bản thân người chủ biên cuốn sách, PGS.TS Hà Quang Năng, cũng đã lên tiếng về sự việc này. Ý kiến của ông tiếp tục gây ồn ào, có vẻ đa số không đồng tình, cho là học giả này bao biện khi ông tuyên bố những điểm mọi người vạch ra không phải là sai.
Theo ông, rất nhiều trường hợp có các cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối; bởi vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia. Mặt khác, chưa có văn bản cấp nhà nước nào về chuẩn chính tả, chỉ có văn bản của các cơ quan cụ thể như Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa và mới nhất là quy định về chính tả của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Bản thân tôi đồng tình với những người bắt lỗi cuốn "Từ điển Chính tả tiếng Việt" ở nhiều điểm, tuy nhiên về mặt học thuật, không thể không thừa nhận lập luận của TS Hà Quang Năng có lý. Ngôn ngữ giống như thực thể sống, có sinh có diệt (thế nên mới tồn tại khái niệm “sinh ngữ”, “tử ngữ”) và luôn luôn biến đổi. Ngôn ngữ cũng phản ánh thực tế cuộc sống, mà cuộc sống như dòng sông chảy mãi, nhiều cái mới xuất hiện, nhiều cái cũ vĩnh viễn mất đi.
Giả dụ cỗ máy thời gian có thật, chúng ta quay về nước Việt thế kỷ 15, nghe tổ tiên mình trò chuyện chắc chắn sẽ như vịt nghe sấm, lõm bõm câu được câu chăng. Bạn hãy thử đọc “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi hay “Hồng Đức quốc âm thi tập” của Lê Thánh Tông xem. Dù được sáng tác bằng tiếng Việt, với những bài thơ được đánh giá là “thuần Việt, trong sáng, khúc chiết”, 2 tập thơ này vẫn có vô số câu, từ quá khó hiểu đối với người hiện đại. Gần đây, một học giả trẻ thậm chí còn soạn hẳn cuốn từ điển dày cộp chỉ dành cho các bài thơ nôm của Nguyễn Trãi.
Mà nói đâu xa, với cuốn "Truyện Kiều" được coi là quốc hồn quốc túy, gần gũi với đời sống tinh thần của người Việt Nam đến vậy, tác giả chỉ sống cách chúng ta hơn 200 năm, nhưng vẫn có tỷ lệ lớn từ ngữ chúng ta không hiểu (thực sự cảm ơn cụ Đào Duy Anh đã biên soạn cuốn Từ điển Truyện Kiều). Từng có bao nhiêu cuộc “cãi vã” lớn nhỏ trong giới nghiên cứu, phê bình về việc phải hiểu từ nọ, từ kia của cụ Nguyễn Tiên Điền thế nào cho đúng.
Và giả sử cỗ máy thời gian đưa người Việt thế kỷ 15, à không, chỉ cần người Việt lớn lên vào cuối thế kỷ 19 thôi, đến khu chợ hiện tại, họ sẽ rất khó khăn để hiểu người xung quanh nói gì. Mà cũng chẳng cần cỗ máy thời gian, chỉ cần đưa các cụ tuổi 80 – 90 đến giữa đám đông toàn những cô cậu thế hệ 10X đang sôi nổi trò chuyện, đọc những thứ các cô cậu viết ra, cũng đủ để họ “tức chết”.
Tôi nhớ nhiều năm trước, có nhiều bài báo của các trí thức phê phán việc dùng từ “nhố nhăng”, “lệch chuẩn” của giới trẻ, rằng những từ ngữ, cấu trúc mà họ sử dụng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, làm méo mó thứ ngôn ngữ đẹp đẽ của cha ông để lại. Thế nhưng thời gian trôi qua, nhiều từ ngữ trong số đó dần dần được chấp nhận, không bị coi là sai, là rác nữa.
Chính tả, vì thế, cũng không thể chốt cứng thế nào là đúng, thế nào là sai, có thể sai lúc này nhưng đúng lúc khác. Viết thế nào là đúng cũng chỉ do quy ước, cách nào được số đông sử dụng sẽ thành đúng. Ngày xưa cụ Hồ viết “kách mệnh”, nhưng bây giờ trẻ con phải viết “cách mạng” mới không bị cô giáo trừ điểm chính tả.
Vì vậy, đừng ném đá TS Hà Quang Năng và những người biên soạn cuốn “Từ điển Chính tả” tiếng Việt nữa. Thú thật là tôi cũng rất khó chịu với câu “dày trông mai đợi” trong từ điển của ông Năng (với tôi phải là “rày” cơ) cũng như nhiều chỗ khác, nhưng tôi tôn trọng quan điểm học thuật của ông, dù tôn trọng không có nghĩa là hoàn toàn đồng tình.
Bạn có đồng ý với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
Bình luận