• Zalo

‘Bóng ma’ lạm phát bao trùm châu Âu

Tư liệuThứ Sáu, 27/05/2022 08:33:56 +07:00Google News
(VTC News) -

Tỷ lệ lạm phát trên toàn Liên minh châu Âu được dự báo sẽ tăng lên 6,8% trong năm nay, với tình trạng giá tăng ngày càng leo thang một phần do xung đột Ukraine.

Tỷ lệ lạm phát trên toàn Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ tăng lên mức 6,8% trong năm nay, khi xung đột quân sự tại Ukraine – và những ảnh hưởng đến mối quan hệ với Nga tiếp tục gây tác động tới các nền kinh tế của khối.

‘Bóng ma’ lạm phát bao trùm châu Âu - 1

(Ảnh minh họa)

“Chưa thấy ánh sáng”

Edoardo Ronzoni, sống tại Milan (Italy) vừa phải ngừng một gói thầu xây dựng đang dang dở vào tháng 3 do chi phí vật liệu tăng vọt. Ông cũng không thể hoàn thành bùng binh xây dở tại một giao lộ vì nhựa đường, ống gang và bê tông quá đắt. Nhiều dự án xây dựng công trình công cộng ở Italia cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Chiến sự đã làm gia tăng tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và thế giới. Giá năng lượng, nguyên liệu và thực phẩm tăng với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, liên tục “gây sốc” trên các bảng giá ở cửa hàng tạp hóa, trạm bơm xăng, hóa đơn tiền điện và các công trường xây dựng.

Ngư dân và nông dân phải cố gắng tính toán giá bán cho sản phẩm của mình so với chi phí mà họ phải bỏ ra. Giá bánh mì tăng vọt từ Ba Lan cho đến Bỉ (tăng 30% lên 2,85 USD một ổ). Tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, giá thịt tăng gần gấp đôi khiến doanh số giảm 20%, phần lớn là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Trên đảo Rhodes của Hy Lạp, chủ nhà hàng cá Paris Parasos tự đi đánh bắt cá nhằm giảm chi phí. Nhưng ông vẫn phải tăng giá tại nhà hàng của mình khi giá dầu ăn tăng gấp bốn lần, tiền gas nấu nướng và tiền điện cao gấp ba lần.

Giá nhiên liệu cao đe dọa làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa trên mặt đất. Các cuộc biểu tình về việc tăng giá diễn ra ở nhiều nơi như Bulgaria.

Dù các chính phủ đã phản ứng bằng việc cắt giảm thuế và cung cấp các khoản viện trợ khác, việc giảm bớt tác động của thị trường năng lượng biến động không ngừng vẫn là một bài toán nan giải. Eva Fuchsova, một bà mẹ 3 con sống tại thị trấn Touskov, miền Tây Cộng hòa Séc cho biết: “Tôi là một người tích cực, nhưng hiện tại, tôi chưa thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

"Bóng ma" lạm phát bao trùm châu Âu

‘Bóng ma’ lạm phát bao trùm châu Âu - 2

Bản đồ lạm phát ở châu Âu do Euro News thống kê. (Nguồn: Euro News)

Hôm 24/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ban bố tình trạng khẩn cấp tại nước này vì cuộc xung đột tại Ukraine. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi quốc hội Hungary thông qua gói biện pháp nhằm giúp Budapest phản ứng trước các tình huống khủng hoảng.

Ngày đầu tiên Hungary trong tình trạng khẩn cấp, ông Orban yêu cầu các công ty lớn, từ ngân hàng, công ty năng lượng, bảo hiểm, bán lẻ, viễn thông đến các hãng hàng không, sẽ phải đóng góp “lợi nhuận dư thừa” của họ vào ngân sách quốc gia. Cụ thể, các công ty này sẽ được lệnh chuyển “phần lớn lợi nhuận tăng thêm” của họ cho các quỹ trong năm nay và năm sau, nhằm tài trợ cho các chương trình trợ cấp giá tiêu dùng tại Hungary và chi phí hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Đối mặt với lạm phát gia tăng, nhà lãnh đạo Hungary đã áp đặt các chương trình giới hạn giá thực phẩm, nhiên liệu và mức thế chấp cơ bản, bên cạnh việc giới hạn hóa đơn năng lượng. 

Câu chuyện giá tăng cũng đang bao trùm trên toàn châu Âu. 

Lạm phát gia tăng đặc biệt nóng ở các quốc gia Trung và Đông Âu gần chiến trường Ukraine. Giá trong tháng 4 tăng 14,2% ở Cộng hòa Séc, 12,3% ở Ba Lan và 10,8% ở Hy Lạp. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 61%, và đây cũng là nơi đã chứng kiến ​​đồng tiền mất 44% giá trị so với đồng USD vào năm ngoái.

Bên cạnh việc tác động đến thị trường năng lượng, cuộc chiến ở Ukraine ngăn cản việc xuất khẩu các nguyên liệu thô như thép và khoáng sản, cũng như các mặt hàng như ngũ cốc và dầu hạt, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt toàn cầu.

Theo thống kê từ các tổ chức vào cuối tháng 5, hiện 1/3 các nước EU có mức lạm phát từ 10% trở lên, trong đó các nước ở khu vực Baltic như Estonia, Lithuania và Bulgaria có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất. Các đợt lạm phát này hầu hết đều có liên quan đến tình trạng giá năng lượng tăng do xung đột Nga-Ukraine. Theo Eurostat, giá năng lượng chiếm hơn một nửa trong tỉ lệ lạm phát chung theo năm, ghi nhận ở mức 7,4% hồi tháng 4 của châu Âu, trong khi con số này một năm trước chỉ là 1,6%.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis hồi giữa tháng 5 cho rằng, nền kinh tế EU đang trải qua giai đoạn đầy thách thức do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine, giá năng lượng tăng vọt đã khiến lạm phát tại khu vực đồng euro tăng cao kỷ lục, gây áp lực lên các doanh nghiệp và hộ gia đình. EC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực từ 2,8% xuống 2,3%.

EC cảnh báo xung đột tại Ukraine diễn biến khó lường và nguy cơ lạm phát kèm suy thoái có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt nếu Nga – nhà cung cấp năng lượng chủ chốt cho EU cắt toàn bộ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, các kịch bản dự báo sẽ còn thay đổi, có thể còn tồi tệ hơn nữa. 

Hiện lệnh cấm của EU đối với than từ Nga sẽ có hiệu lực vào tháng 8. Bên cạnh đó các nước đang nỗ lực để giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay. Tuy nhiên, lệnh cấm vận dầu mỏ được đề xuất vẫn đang gặp trở ngại trong bối cảnh các quốc gia như Hungary - không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga - lo ngại. 

Phương Anh(Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn