Hôm 1/4, cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết mức tăng trưởng giá tiêu dùng ở 19 quốc gia dùng chung đồng euro đã tăng từ 5,9% trong tháng 2 lên 7,5% trong tháng 3, vượt xa ước tính 6,6%. Nguyên nhân được cho là do chiến sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga đã đẩy giá nhiên liệu và khí đốt tự nhiên lên cao kỷ lục.
Mặc dù năng lượng là yếu tố chính, lạm phát về giá lương thực, dịch vụ và các loại hàng hóa sử dụng nhiều lần (durable goods) đều vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho thấy tình trạng giá tăng lan ngày càng rộng và không chỉ giới hạn ở dầu. Lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu tăng từ 2,9% lên 3,2%, trong khi lạm phát không bao gồm giá các sản phẩm rượu và thuốc lá tăng từ 2,7% lên 3%.
Lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức hai con số ở bốn quốc gia thành viên, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%. Tỷ lệ tăng chậm nhất được ghi nhận ở Malta, nơi lạm phát tăng 4,6%. Trong số các quốc gia thành viên lớn nhất, lạm phát ở Đức đã tăng 7,6%, ở Pháp là 5,1%, ở Italia là 7,0% và ở Tây Ban Nha là 9,8%.
ECB đánh giá tăng trưởng trong quý đầu tiên của khu vực sẽ ở mức dương nhưng thấp, trong khi tăng trưởng trong quý thứ hai sẽ gần bằng không, do giá năng lượng cao làm giảm sức tiêu thụ và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, ECB ước tính vẫn còn 3 đến 4 tháng nữa thì lạm phát mới lên mức đỉnh.
Một số nhà kinh tế đã đặt ra câu hỏi liệu khu vực đồng euro có rơi vào suy thoái vào năm 2022 hay không. Các quan chức châu Âu cho đến nay không nói về khả năng này.
Tuần trước, Thủ tướng Italia Mario Draghi phát biểu rằng sẽ có thiệt hại kinh tế với khu vực từ xung đột ở Ukraine, nhưng không phải là suy thoái.
Khu vực đồng euro đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để trừng phạt Nga sau khi Moskva triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, như ngăn chặn bán hàng hóa xa xỉ.
Bình luận