Chiều 22/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Với 431/448 ý kiến tán thành, dự luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, nhưng có bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này là Quốc hội bổ sung một số thẩm quyền cho Thủ tướng.
Cùng với 11 nhóm nhiệm vụ và quyền hạn theo luật hiện hành, Luật sửa đổi bổ sung thêm quy định: Thủ tướng có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền về quản lý công chức, viên chức...
Quốc hội cũng bổ sung cho Thủ tướng thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
Riêng quy định Thủ tướng được quyết định tiêu chí, điều kiện thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND tỉnh, huyện… được bỏ trong luật sửa đổi lần này.
Về dự thảo Luật bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức (khoản 5 Điều 34 của Luật Tổ chức Chính phủ), ý kiến một số ĐBQH cho biết nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức được Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại Điều 30 (đối với cán bộ) và Điều 54 (đối với công chức). Đây không phải là hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.
Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cũng trong phiên họp chiều nay, về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đa số ý kiến, tán thành quy định giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp từ 10-15% để bảo đảm sự tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Bình luận