Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo, trước phiên chất vấn ngày mai (6/11).
Trong báo cáo, Bộ Công Thương có thông báo về tổng nhu cầu điện năng năm 2019 đạt gần 241 tỷ kWh, tăng trên 9,4% so với 2018. Với con số này, năm 2019, không cần tiết giảm điện năng và dự kiến năm 2020 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cảnh báo tình trạng thiếu điện sẽ bắt đầu xuất hiện từ 2021 và kéo dài tới 2025.
Theo tính toán, với kịch bản tần suất nước bình thường (50%), lượng điện thiếu vào năm 2023 khoảng 1,8 tỷ kWh. Ở kịch bản tần suất nước 75%, do khô hạn nên sản lượng thủy điện sẽ thấp hơn khoảng 15 tỷ kWh một năm. Do đó, "đỉnh" thiếu điện rơi vào 3 năm 2021 - 2023, với sản lượng thiếu hụt 1,5-5 tỷ kWh. Các năm còn lại sẽ thiếu 100-500 triệu kWh.
Báo cáo cũng cho biết, miền Nam sẽ là khu vực thiếu điện trầm trọng nhất, khoảng 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 và tăng lên 10 tỷ kWh vào 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.
Về lý do thiếu điện, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chủ yếu là các dự án nguồn điện, nhất là dự án ngoài EVN chậm so với quy hoạch, ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cả nước. Đơn cử, các dự án như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, chuỗi điện khí Lô B... đều chậm hơn so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.
Vấn đề vốn đầu tư cũng được coi là một khó khăn đối với việc phát triển nguồn năng lượng. "Vốn đầu tư bình quân hàng năm gần 7,5 tỷ USD nhưng giá điện của Việt Nam mới đảm bảo cho các đơn vị của EVN có mức lợi nhuận khiêm tốn, các doanh nghiệp Nhà nước khác như TKV, PVN cũng khó khăn về tài chính... Do đó, việc huy động vốn rất khó khăn", báo cáo nêu rõ.
Tương tự, theo Bộ Công Thương, các dự án nguồn điện do khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn trong thu xếp vốn do yêu cầu cao từ các bên cho vay.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư dàn trải, chưa ưu tiên đúng mức những dự án trọng tâm cũng gây nên nhiều bất lợi trong quản lý, triển khai ở cả phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, kéo theo việc chậm tiến độ. Giai đoạn sắp tới, chỉ có các dự án do EVN triển khai có thể đáp ứng tiến độ, còn lại, nhất là dự án điện BOT, hầu hết đều chậm.
Bình luận