• Zalo

Biên kịch 'Sống chung với mẹ chồng': Phản đối phim chủ yếu gái trẻ hoặc có tuổi chưa kết hôn

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 29/06/2017 12:07:00 +07:00Google News

"Khi lướt qua một số những nhận xét gay gắt về bộ phim, tôi thấy chủ yếu nó thuộc về những cô gái trẻ, hoặc phụ nữ cũng có tuổi đủ để kết hôn nhưng chưa lập gia đình" - biên kịch phim "Sống chung với mẹ chồng" chia sẻ.

Video: Mâu thuẫn đỉnh điểm của bà Phương và Minh Vân trong phim "Sống chung với mẹ chồng"

 

Sống chung với mẹ chồng là bộ phim gây tiếng vang trên VTV trong thời gian gần đây. Phim chiếm được cảm tình của rất nhiều khán giả. Tuy nhiên, cũng có một số người cho rằng, bộ phim không có lấy một nhân vật tử tế và tạo ra cái nhìn thiếu tích cực về mối qua hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu.

Tiến sĩ Văn hoá -Biên kịch Đặng Thiếu Ngân hiện đang là Phó chủ tịch Hội khoa học nghiên cứu Hàn Quốc, Phó tổng biên tập Tạp chí Hàn Quốc, Giám đốc đối ngoại-marketing Naver Việt Nam. Chị là biên kịch của các phim: "Cầu vồng tình yêu", "Tết cháy Ôsin", "Tháng củ mật"...

Trước những ý kiến trái chiều này, biên kịch phim Đặng Thiếu Ngân đã có những chia sẻ thẳng thắn với phóng viênVTC News.

- “Sống chung với mẹ chồng” đang gây sốt trên VTV1. Là nhà biên kịch của bộ phim, chị có thể lý giải sức hút của tác phẩm truyền hình này?

Đề tài bộ phim khai thác khía cạnh quá đỗi thân thuộc của cuộc sống, mọi câu chuyện đều rất quen. Tôi nghĩ, chính sự bình thường của những quan hệ trong phim, lại là sức hút cho Sống chung với mẹ chồng.

- Bên cạnh những nhận xét tích cực, "Sống chung với mẹ chồng" còn vấp phải sự phản đối của không ít người khi cho rằng, bộ phim không có lấy một nhân vật tử tế. Chị nghĩ sao về điều này?

Nếu đọc những ý kiến trên mạng về bộ phim, tôi thấy nhóm đồng tình, thậm chí còn cho rằng "phim chưa là gì so với đời" đông hơn hẳn nhóm không đồng tình, phản đối.

Khi lướt qua một số những nhận xét gay gắt về bộ phim, tôi thấy chủ yếu đó thuộc về những cô gái trẻ, hoặc phụ nữ cũng có tuổi đủ để kết hôn nhưng chưa lập gia đình. Bạn nghĩ người chưa trải nghiệm, họ đánh giá có thật sự đúng không?

Có một số người có gia đình không hài lòng về bộ phim, nhưng phim là phim mà, mỗi khán giả có thể tự soi thấy mình trong đó, hoặc là thấy người quen của mình ở đó. Mọi ý kiến chúng tôi đều lắng nghe và trân trọng.

19512516_10208920522961092_504548487_n

  Chị Đặng Thiếu Ngân - biên kịch phim "Sống chung với mẹ chồng".

- Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, "Sống chung với mẹ chồng" đang đi ngược lại với giá trị truyền thống của dân tộc". Chị nghĩ sao về ý kiến gay gắt trên?

Nói vậy, những thành phần rất đồng tình, tâm đắc và thú vị khi xem phim chắc không có tinh thần dân tộc và làm trái đạo lý truyền thống sao? Và như thế, giá trị truyền thống của dân tộc mà những người phản đối đưa ra là gì vậy?

- Trên các diễn đàn, một số bạn trẻ đưa ra nhận xét: Xem xong phim "Sống chung với mẹ chồng", hết muốn lấy chồng. Chị muốn nói gì với những bạn trẻ này?

Ừ, thì đừng lấy nữa, nếu chỉ vì xem phim mà sợ (cười). Cuộc sống không lấy chồng có thể cũng thú vị đấy, các bạn cứ trải nghiệm xem như thế có an toàn hay không? Tôi chỉ sợ khi tình yêu dâng lên đến ngút ngàn, hoặc gia đình, họ hàng, hàng xóm hối chuyện cưới xin, không ít các cô gái, tự nguyện cầu "chồng ơi cưới em đi", dù có gặp mẹ chồng như thế nào cũng để hồi sau sẽ tính (cười).

Hinh anh Song chung voi me chong - Tap 21: Ha he vi duoc o rieng nhung Van (Bao Thanh) cam giac nhu cuop di thu quy gia nhat cua me chong 19

"Sống chung với mẹ chồng" khắc họa những xung đột trong cuộc sống gia đình.

- "Sống chung với mẹ chồng" được chuyển thể từ một tiểu thuyết của Trung Quốc. Chính vì thế, khán giả xem phim có nhiều người cho rằng, các tình tiết trong phim không phổ biến ở xã hội Việt Nam. Chị nói sao về nhận xét này?

 
Nếu đến tập cuối, khán giả vẫn cho rằng phim toàn tình tiết không phổ biến ở xã hội Việt Nam, tôi có nên đặt lại câu hỏi, họ có phải người Việt Nam không và hiểu bao nhiêu phần trăm về đất nước, con người Việt Nam nhỉ?

Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân

Khán giả đều biết kịch bản là "phóng tác từ tiểu thuyết Trung Quốc", không phải là "chuyển thể". Nếu đến tập cuối của bộ phim mà khán giả vẫn cho rằng phim toàn tình tiết không phổ biến ở xã hội Việt Nam thì tôi có nên đặt lại câu hỏi, họ có phải người Việt Nam không và hiểu bao nhiêu phần trăm về đất nước, con người Việt Nam nhỉ?

Hoặc cũng có thể, gia đình những khán giả này may mắn, êm đềm quá, nên họ chưa có dịp được nghe, được thấy những trăn trở, vặn mình ngoài xã hội, ngay ở đất nước Việt Nam.

Những tình huống xuyên suốt bộ phim và nhiều khán giả đã cảm nhận được thấy mình trên phim, thấy người quen mình trên phim, như thế không biết đã có chút hơi thở cuộc sống Việt ở đây chưa?

- Chị có xem phim "Sống chung với mẹ chồng"? Chị có hài lòng với cách đạo diễn và ê-kíp dàn dựng bộ phim?

Hơn cả hài lòng!

- Chị khắc họa xung đột trong quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong phim "Sống chung với mẹ chồng", quá thành công khiến nhiều người tò mò, cuộc sống của chị khi làm dâu như thế nào?

À, điều này tôi cũng đã chia sẻ rồi, cuộc sống của tôi nhiều giai đoạn còn thú vị hơn trên phim (cười).

phim-song-chung-voi-me-chong-vtv1

Chỉ còn hai tập phim nữa, "Sống chung với mẹ chồng" sẽ kết thúc.

- Cuộc sống của các nàng dâu trong phim "Sống chung với mẹ chồng" có người nào có nhiều điểm tương đồng với chị? Và khi xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng, chị chọn cách cư xử như thế nào?

Tôi nghĩ phim là sự tổng hoà của nhiều mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong xã hội, trong đó có tôi. Tôi luôn tự nỗ lực để nhận biết mình là ai, được phép làm gì, nên mọi ứng xử của tôi với mẹ chồng đều trên quan điểm, đây là người sinh ra người đàn ông để mình được sở hữu. Nếu không có mẹ chồng, chắc chắn mình đâu có được gặp và lấy chồng mình bây giờ.

Cảm ơn chị về những chia sẽ thú vị trên!

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn