Theo Bulgarian Military, Philippines chuẩn bị mua chiếc tàu ngầm đầu tiên để biên chế cho lực lượng hải quân của mình. Quyết định này nhằm đối phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông và các hoạt động trong “Vùng xám” của Trung Quốc.
Ứng cử viên hàng đầu được chọn để cung cấp những chiếc tàu ngầm là Tập đoàn Hải quân Pháp, với lớp tàu ngầm Scorpene. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm để hỗ trợ củng cố sức mạnh hải quân cho quốc gia Đông Nam Á này.
Kế hoạch của Philippines không chỉ dừng lại ở việc mua những chiếc tàu ngầm. Quốc gia này cũng đang tìm cách phát triển năng lực sản xuất những vũ khí nội địa, tăng cường khả năng đào tạo trong nước, đảm bảo một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ và tự chủ.
Kế hoạch hiện đại hóa hải quân
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thừa nhận tầm quan trọng của việc hiện đại hóa quân đội, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông tại lễ kỷ niệm 125 năm thành lập hải quân Philippines ở Manila. Ông nói: “Vận hành một chiếc tàu ngầm không phải là một chuyện nhỏ. Nó đòi hỏi đào tạo chuyên sâu, thiết bị chuyên dụng và các yêu cầu vận hành quan trọng”.
Trong một động thái khác, hải quân Philippines đã phái nhân viên đến Pháp để được đào tạo nâng cao trước khi mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của họ. Hành động này chứng tỏ rằng Pháp chính là lựa chọn hàng đầu, với mẫu tàu ngầm diesel-điện lớp Scorpene nổi tiếng do Tập đoàn Hải quân Pháp chế tạo. Mẫu tàu ngầm đặc biệt này đã được các nước như Brazil, Chile, Ấn Độ và Malaysia sử dụng.
Kể từ năm 2015, hải quân Philippines đã đặt nền móng cho việc thành lập lực lượng tàu ngầm, bắt đầu bằng các chương trình huấn luyện tại các cơ sở của hải quân Pháp. Một đoàn gồm 31 thủy thủ được tuyển chọn để huấn luyện điều khiển tàu ngầm Scorpene. Con tàu có khả năng hoạt động trên biển trong 80 ngày, khiến nó trở thành một sự bổ sung quan trọng cho hải quân Philippines.
Biến thể tàu ngầm này tương tự như những chiếc do Brazil vận hành, tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và có thể triển khai tổng cộng 18 quả đạn. Tàu còn được trang bị tên lửa chống hạm SM 39 Exocet và ngư lôi hạng nặng F21.
Mặc dù đã có kế hoạch từ lâu, nhưng do ngân sách quốc phòng hạn chế đã khiến Philippines không thể hiện thực hóa giấc mơ tàu ngầm. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch hiện đại hóa Horizon 3 của hải quân giai đoạn 2023-2028, cam kết dành khoảng 70-100 tỷ peso Philippines (1,25-1,8 tỷ USD) để mua hai chiếc tàu ngầm.
Sau khi đạt được thỏa thuận với Pháp, sẽ phải mất 5 năm nữa để chiếc tàu ngầm đầu tiên chính thức gia nhập hạm đội. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hải quân Pháp cũng đã cam kết cung cấp khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài 4 năm cho các nhân viên của Philippines.
Các nhà quan sát quân sự về Biển Đông nhìn nhận diễn biến này một cách tích cực, cho rằng Philippines có thể gặt hái những lợi ích đáng kể bằng cách củng cố liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng và tăng cường năng lực nội bộ. Như hiện tại, nhiều nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã tự hào về lực lượng tàu ngầm của mình.
Phát biểu với EurAsian Times, Harsh V Pant, Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học King's College London, tuyên bố: “Trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước trong khu vực không có lựa chọn nào khác ngoài liên kết với các quốc gia có cùng chí hướng… Điều này nên được tuân theo bằng cách xây dựng năng lực phù hợp, mà đối với Philippines có nghĩa là phát triển một hạm đội tàu ngầm”.
Đề đốc Ajay Jay Singh, một thủy thủ tàu ngầm đã nghỉ hưu của Hải quân Ấn Độ đưa ra quan điểm của mình: “Khả năng của tàu ngầm sẽ hạn chế sự cơ động của Trung Quốc nếu như họ lựa chọn sử dụng vũ lực ở vùng biển tranh chấp. Bất kỳ sự đầu tư nào cho lực lượng hải quân của các nước Đông Nam Á, cũng sẽ góp phần ngăn chặn những hành động leo thang trong khu vực”.
Tuy nhiên, sự khác biệt về nguồn lực giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng là rất lớn, GDP bình quân đầu người và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vượt đáng kể so với Philippines. Trung Quốc cũng có lực lượng hải quân và dân quân biển lớn hơn nhiều.
Philippines có kế hoạch hiện đại hóa hải quân, bao gồm xây dựng hạm đội tàu ngầm, theo chân các quốc gia Đông Nam Á khác. Bước đi này rất quan trọng đối với một quốc gia có đường bờ biển dài và có thể đóng vai trò răn đe, thể hiện khả năng bảo vệ lãnh thổ của Philippines.
“Vùng xám”
Các hoạt động trong Vùng xám của Trung Quốc, được xem là những hành động tinh vi để kiểm soát các quốc gia yếu hơn thông qua các chiến thuật kinh tế, chính trị và thông tin, tránh xung đột quân sự. Đó là một chiến lược được tiến hành chậm rãi, lâu dài, có chủ ý làm mờ đi ranh giới giữa hòa bình và xung đột.
Biểu hiện của chiến thuật này là các tàu dân quân thường xuyên quấy rối các tàu thương mại trong khu vực. Giáo sư Pant gợi ý rằng các quốc gia bị ảnh hưởng có thể liên kết với nhau và chia sẻ các chiến lược kháng cự để chống lại mối đe dọa này.
Giáo sư Pant cũng gợi ý rằng một mạng lưới các quốc gia chia sẻ thông tin tình báo và kinh nghiệm có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chiến thuật Vùng xám sẽ thành công khi các quốc gia thiếu quan hệ đối tác, sự liên kết và thông tin đáng tin cậy.
Philippines cũng đã mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, một động thái được coi là có ý nghĩa chiến lược. Họ cũng có kế hoạch tăng cường liên minh chiến lược với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau khi kí kết Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Mỹ, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ của mình. Hai nước đã cùng nhau tiến hành cuộc tập trận hàng hải lớn nhất từ trước tới nay, điều này cho thấy rằng Philippines đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình.
Bình luận