Theo quy định của Luật Bầu cử, mọi công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội đều có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không ai có quyền cản trở việc công dân thực hiện những quyền này.
Tuy nhiên, lợi dụng quyền tự do ứng cử, các thế lực phản động sử dụng chiêu trò “tự ứng cử”, đó là hô hào các nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô ủng hộ, kích động các "nhà dân chủ", một số đối tượng tham gia “tự ứng cử” để gây rối, phá hoại bầu cử.
"Làn sóng" tự ứng cử của các “nhà dân chủ”
Theo đại diện Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, từng có “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất.
Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu sai trái kiểu như “chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội”; hay họ đòi quyền tự do tranh cử cho các ứng cử viên dựa trên chữ ký của cử tri mà không qua hiệp thương. Thậm chí, có những tiếng nói cay cú cho rằng “Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội”.
Có thể thấy, mục đích cuối cùng của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”.
Theo dõi việc người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đến nộp hồ sơ ở Ủy ban bầu cử Hà Nội, phóng viên từng chứng kiến có trường hợp khi được phỏng vấn đã hỏi ngược lại: “Chị không biết tôi à, tên tôi đã nổi tiếng trên mạng từ lâu”.
Tra cứu “ứng viên” này trên mạng thì quả thật ông ta rất “nổi tiếng”. Nhân vật này có học hàm, học vị nhưng bất mãn chính trị, đăng tải những bài viết, trong đó đưa ra những luận điệu sai trái, thù địch nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. A dua với các phần tử chống đối, ông ta xuyên tạc Quy định số 90- QĐ/TW (quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này do Bộ Chính trị ban hành năm 2017) , cho rằng mục đích ban hành quy định "chỉ là cái cớ để các phe phái lợi dụng đấu đá lẫn nhau". Những quan điểm sai trái, thù địch của ông ta đã bị dư luận xã hội lên án.
Cùng với việc tự ứng cử, các “nhà dân chủ” cũng xây dựng trang mạng (facebook, fanpage, blog…) công khai vận động cử tri, đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử” nhằm tô vẽ, cổ vũ tinh thần, khuếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Họ thành lập nhóm facebook, zalo kín để tập hợp số “tự ứng cử” cùng số đối tượng chống đối để bàn bạc thực hiện ý đồ.
Họ thành lập “tổ chuyên gia tư vấn” nhằm xây dựng phương hướng, thẩm định chương trình hành động của các ứng viên; tư vấn, hỗ trợ ứng cử viên các hoạt động liên quan tự ứng cử...
Sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử, các đối tượng trực tiếp đi vận động quần chúng nhân dân nơi cư trú ủng hộ khi ra hội nghị cử tri lấy ý kiến.
Đặc biệt, các đối tượng còn lập ra các kênh truyền thông trên nền tảng của mạng xã hội, nhất là kênh Youtube, hoạt động như một kênh truyền hình để tuyên truyền ca ngợi, cổ vũ, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online cho các “nhà dân chủ” tự ứng cử. Đưa tin, bài viết phê phán, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cho rằng Đảng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; những người “đấu tranh dân chủ” bị đưa ra “đấu tố”, “chỉ trích”, “hội nghị cử tri mất dân chủ, vi phạm pháp luật”… khi các đối tượng tự ứng cử không nhận được tín nhiệm của nhân dân tại hội nghị cử tri nơi cư trú.
Cần thêm đại biểu ngoài Đảng nhưng không bằng mọi giá
Theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021, cả nước có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội có 30 người, TP Hồ Chí Minh có 16 người.
Còn ở kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016 đã có 162 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó đã có những người tự ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội như trường hợp đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định).
Những con số trên cho thấy, những người tự nộp hồ sơ ứng cử với động cơ trong sáng, muốn đóng góp sức mình vào cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp; những người có đủ phẩm chất, năng lực, đã được cử tri tín nhiệm bầu chọn.
Còn với bản “lý lịch đen” chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối, gây hại, đương nhiên sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dân ngay tại nơi họ sinh sống chứ chưa nói tới được cử tri bỏ phiếu.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từng cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị tăng thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng bởi dân số cả nước gần 100 triệu, trong khi đảng viên chỉ có trên 5 triệu, những con người ưu tú đang ở ngoài Đảng, có tri thức, tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, được cử tri tín nhiệm là khá lớn.
Do vậy việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV này sẽ góp phần phát huy được trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để có thể tỉnh táo trước những chiêu trò “tự ứng cử”?. Cũng giống như việc sàng lọc ứng viên vào cấp ủy các cấp, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm xác minh và cử tri cũng sẽ tỉnh táo để nhận biết, đâu là những người thực tâm muốn đại diện cho mình, muốn đóng góp tiếng nói của mình trên tinh thần xây dựng.
Còn vào Quốc hội hay HĐND các cấp chỉ để “đánh bóng tên tuổi” hoặc có ý đồ phá hoại thì trước sau, họ cũng bị đào thải.
Bình luận