Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 8/9. Các thẩm phán sẽ xem xét những phản biện của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và những người từng soạn thảo hiến pháp về tranh chấp liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ 8 năm của ông.
Một nguồn tin cho biết Chủ tịch Hội đồng Thẩm phán Worawit Kangsasitiam đã nhận được những phản biện riêng biệt từ đại tướng Prayuth, cựu Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp Meechai Ruchupan và Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Pakorn Nilprapunt.
Hội đồng thẩm phán gồm 9 người sẽ nhóm họp để xem xét lời khai và các bằng chứng khác, cân nhắc liệu còn cần thêm bất kỳ bằng chứng và nhân chứng nào hay không. Nếu bằng chứng và nhân chứng đã đầy đủ, các thẩm phán có thể ấn định ngày đưa ra phán quyết, theo Bangkok Post.
Tranh cãi thời điểm nhậm chức
Ngày 1/9, đội ngũ pháp lý của ông Prayuth đã đệ trình kháng nghị lên Tòa án Hiến pháp nhằm đáp lại lệnh đình chỉ. Theo nội dung kháng nghị, ngày đầu tiên đại tướng Prayuth nắm giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan không phải là ngày 24/8/2014.
Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét thư kháng nghị này trong vòng một tháng trước khi ra phán quyết về thời hạn nhiệm kỳ của ông Prayuth.
Nhiệm kỳ của Thủ tướng Prayuth đã trở thành một vấn đề nóng gây tranh cãi trên nghị trường Thái Lan trong những tháng gần đây. Theo Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017, nhiệm kỳ tối đa của một thủ tướng là 8 năm.
Tướng Prayuth đã bị đình chỉ công tác vào ngày 24/8 cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết về giới hạn nhiệm kỳ của ông. Lệnh đình chỉ được đưa ra sau khi phe đối lập nộp đơn kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và chuyển đến tòa án.
Bản kiến nghị được ký bởi 171 nghị sĩ phe đối lập. Những người này cho rằng ông Prayuth đã hết hạn nhiệm kỳ 8 năm do ông bắt đầu nhậm chức thủ tướng vào ngày 24/8/2014.
Mốc thời gian này cũng được xác nhận trong một thông báo của Hoàng gia Thái Lan có hiệu lực cùng ngày. Khi đó, Thái Lan đang sử dụng Hiến pháp lâm thời năm 2014.
Phe đối lập đã công bố biên bản cuộc họp ngày 7/9/2018 với sự tham dự của một ủy ban soạn thảo hiến pháp, ủng hộ quan điểm rằng nhiệm kỳ tối đa 8 năm của đại tướng Prayuth đã kết thúc vào tháng trước.
Theo một đoạn trích từ biên bản, Meechai Ruchupan, Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp năm 2017, đã nói rằng nhiệm kỳ 8 năm của một thủ tướng tại vị nên bao gồm cả thời gian trước khi hiến pháp có hiệu lực.
Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Prayuth khẳng định ngày đầu tiên ông giữ chức thủ tướng phải là ngày 9/6/2019. Ông trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan sau một cuộc bầu cử hợp lệ theo Hiến pháp năm 2017.
Một tài liệu bị rò rỉ được cho là của ông Meechai đệ trình lên Tòa án Hiến pháp đã lan truyền trên mạng xã hội. Tài liệu chỉ ra rằng nhiệm kỳ thủ tướng của đại tướng Prayuth bắt đầu vào ngày 6/4/2017, khi hiến pháp mới có hiệu lực.
Ông Meechai cũng bác bỏ biên bản cuộc họp do phe đối lập công bố. Ông lập luận rằng đoạn trích được đề cập là không đầy đủ và biên bản không được ủy ban xác minh.
Nội các chưa xáo trộn
Trong thời gian ông Prayuth bị đình chỉ, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon sẽ là quyền thủ tướng. Ông Prayut vẫn giữ chức bộ trưởng Quốc phòng trong Nội các Thái Lan.
Ông Prawit nói rằng ông hy vọng đại tướng Prayuth sẽ làm thủ tướng thêm hai năm nữa. Vào năm 2014, ông Prayuth đã vạch ra tầm nhìn đưa Thái Lan trở thành quốc gia phát triển vào năm 2025.
Ngày 5/9, ông Prawit phủ nhận những suy đoán về một cuộc cải tổ nội các. Phó lãnh đạo đảng Dân chủ Thái Lan Niphon Bunyamanee đã từ chức thứ trưởng Bộ Nội vụ để tập trung chống lại một vụ kiện. Ông bị cáo buộc có hành vi sai trái khi còn là chủ tịch của tổ chức hành chính tỉnh Songkhla vào năm 2013.
Việc ông Niphon từ chức đã nâng số ghế hiện còn trống trong nội các lên 4 ghế.
Vào ngày 26/8, Tòa án Tối cao đã đình chỉ thứ trưởng Bộ Giáo dục Kanokwan Vilawan của đảng Bhumjaithai. Bà bị cáo buộc có hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong một vụ lấn chiếm đất đai.
Vào tháng 9 năm ngoái, Prayuth khi còn nắm quyền thủ tướng đã sa thải thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khi đó là đại úy Thamanat Prompow và thứ trưởng Bộ Lao động Narumon Pinyosinwat. Hai chức vụ này vốn thuộc về đảng Palang Pracharath (PPRP) cầm quyền.
Có báo cáo cho rằng một số nghị sĩ đảng PPRP đang kêu gọi ông Prawit cải tổ nội các và điền vào ghế trống do ông Niphon nắm giữ. Tuy nhiên, ông Prawit cho biết ông chỉ giữ quyền thủ tướng chứ không có thẩm quyền cải tổ nội các.
“Chúng ta phải chờ phán quyết về nhiệm kỳ của ông Prayuth. Nếu thủ tướng được phép ở lại, ông ấy sẽ tự mình xử lý”, ông Prawit nói.
Phó thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng Dân chủ Jurin Laksanawisit khẳng định số ghế nội các cho đảng này vẫn không thay đổi. Ông nói rằng thẩm quyền thực hiện các thay đổi trong nội các thuộc về thủ tướng.
“Không có dấu hiệu của bất kỳ cuộc cải tổ nội các nào. Đảng Dân chủ vẫn sẽ tiếp tục là một phần của chính phủ liên minh”, ông Jurin nói.
Các đảng nhỏ cho thấy họ không muốn bất kỳ ghế nội các nào sau khi ông Niphon từ chức. Peerawit Ruangluedolphak, nghị sĩ kiêm lãnh đạo đảng Thai Rak Tham, cho biết quyết định tùy thuộc vào ông Prawit.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul cho biết vấn đề của đại tướng Prayut sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì đối với chính phủ. Nội các sẽ tiếp tục nhiệm kỳ bình thường cho đến ngày 22/3 năm sau.
Bình luận