• Zalo

Bảng giá truyền thông ngàn 'đô' của Thủ môn Bùi Tiến Dũng: Vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Ngoại hối

Kinh tếThứ Năm, 01/02/2018 18:00:00 +07:00Google News

Xung quanh bảng báo giá truyền thông sử dụng hình ảnh thủ môn U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng niêm yết bằng USD, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc này vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước VN.

Cộng đồng mạng hôm nay (1/2) đang xôn xao về bảng giá truyền thông của Thủ môn Bùi Tiến Dũng do Orion Football Total niêm yết.

Theo đó, để cầu thủ gốc Thanh Hóa này làm quảng cáo độc quyền, doanh nghiệp phải chi 123.000 USD hoặc quay 1 video doanh nghiệp phải trả 50.000 USD/ngày...

tien-dung(2)

Ông Hiếu Orion cũng nhấn mạnh, với mức giá độc quyền quảng cáo của Thủ môn Bùi Tiến Dũng lên tới 3 tỷ/năm (123.000 USD) là còn rẻ.

Ông Hiếu Orion, đại diện của Orion Football Total đang bỏ ngỏ về tính xác thực của bảng báo giá trên.

Vị này cho biết trên facebook cá nhân của mình: "Tạm thời không nói tới việc chính thống hay không. Vì đến thời điểm hiện tại Dũng chưa đăng 1 post quảng cáo nào và chưa ký 1 hợp đồng nào".

Tuy nhiên, Hiếu Orion cũng nhấn mạnh, với mức giá độc quyền quảng cáo của Thủ môn Bùi Tiến Dũng lên tới 3 tỷ/năm (123.000 USD) là còn rẻ: "Nếu xét trên mức độ ảnh hưởng, giá đó chỉ bằng 1/3 ca sỹ nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 diễn viên hài.

Rõ ràng thủ môn Dũng dù có là cầu thủ, nhưng với tầm ảnh hưởng như vậy thì chi phí đại diện nhãn hàng với giá kể trên cũng không phải là quá cao. Vì hãy nhớ ở nước ngoài, cầu thủ hạng A đôi khi thu nhập cao hơn cả ngôi sao ca sỹ hạng A".

Đó là lời giải thích của ông Hiếu Orion, tuy nhiên còn một điều đáng nói trong bảng báo giá của Orion Football Total lan truyền trên mạng xã hội về các dịch vụ quảng cáo, truyền thông của cầu thủ gốc Thanh Hóa.

Các chi phí đều được liệt kê hoàn toàn bằng USD mà không có mệnh giá quy đổi bằng tiền đồng Việt Nam. Điều này vi phạm nghiêm trọng các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

27583433_1255888307888225_178925274_n 3

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bảng báo giá bằng USD vi phạm nghiêm trọng các quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, Điều 22 Pháp lệnh Quản lý ngoại hối năm 2005 quy định hạn chế mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại hối mà không quy định ghi giá bằng ngoại tệ trong hợp đồng là vi phạm pháp luật.

Tiếp đó, Điều 22 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) ban hành sau khi các giao dịch nêu trên được thực hiện, quy định hạn chế sử dụng ngoại hối.

Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, theo Điều 4 thông tư 32/2013 của Ngân hàng Nhà nước VN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam: Nững trường hợp được phép ghi giá ngoại tệ trong hợp đồng gồm: người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa.

Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại, hoặc một số tiệm vàng, cửa hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trao đổi ngoại tệ.

Video: Nhìn lại hình ảnh của U23 Việt Nam

Trao đổi với PV Báo điện tử VTC News, một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Về nguyên tắc, các giao dịch tại Việt Nam đều phải niêm yết bằng VND và không được phép báo giá, niêm yết giá bằng USD. Tuy nhiên, một vài trường hợp đặc thù vẫn có thể niêm yết bằng cả USD và VND".

"Trong trường hợp doanh nghiệp niêm yết giá bán, hàng hóa bằng USD phải có tham chiếu bằng VND để khách hàng tiện giao dịch”, vị này nói.

Ngoài ra, cán bộ Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, doanh nghiệp không được phép ép khách hàng trả bằng USD.

Trao đổi với PV VTC News, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, theo Điều 6, Mục 7, Nghị định 96/2014/NĐ-CP: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật;

Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; Xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định của pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi giao dịch, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ hiện nay giảm nhiều so với quy định trước đây. Chẳng hạn, theo Nghị định 95 năm 2011), thì hành vi này bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng.

Như vậy, trong trường Orion Football Total tiến hành niêm yết bảng giá sử dụng hình ảnh Thủ môn Bùi Tiền Dũng truyền thông bằng USD thì có thể bị phạt 200 – 250 triệu đồng.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn