Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đi thăm khám cho người dân xã đảo
"Bác sĩ khám dạo" của bà con xã đảo
Men theo con đường trải bê tông dẫn đến trạm y tế của xã đảo, hình ảnh người đàn ông ngoài 50 tuổi trên chiếc xe máy đời cũ, phía trước mang theo hai chiếc túi đựng thuốc và dụng cụ y tế đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.
“Bác sĩ lại đi khám đó…”
“Bác sĩ đi khám sớm vậy?”
Chiếc xe ấy chạy tới đâu, tiếng người dân xã đảo rộn vang tới đó. Người đàn ông dường như quen cả xã đảo này chính là bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An. Vị bác sĩ còn được bà con xã đảo gọi với các tên đặc biệt - “bác sĩ khám dạo”.
Kể về cơ duyên có cái tên đặc biệt ấy, bác sĩ Trường cho hay, do tính chất công việc của một người bác sĩ, phải luôn chân luôn tay, chạy xe máy khắp các con hẻm để khám cho bà con.
"Hễ ai có vấn đề gì về sức khỏe, gọi là tôi có mặt. Tôi cứ đi tới đi lui thăm khám cho người này, người kia, hỏi han sức khỏe của người bệnh, đâu có ngồi yên một chỗ", bác sĩ Trường nói.
Vừa khám xong cho một cụ bà, bác sĩ Trường lại leo lên chiếc xe máy cũ để trở về Trạm y tế xã tham gia buổi hội chẩn nhanh với các bác sĩ trẻ tăng cường về trường hợp bệnh nhân nữ 20 tuổi sốt bất thường trong thai kỳ.
Kết thúc buổi hội chẩn, bác sĩ Trường lại phải “bắt tay” ngay vào ca bệnh khác.
"Tùng với Hưng ở lại trực trạm, Trang theo dõi sát bệnh nhân để chuyển cấp cứu kịp thời, giờ anh đến nhà bà Trinh", bác sĩ Trường nói và lại leo lên chiếc xe máy cũ chạy tới nhà bà Đặng Thị Trinh (75 tuổi) để khám, kiểm tra vết thương bị lở loét do bà đã nằm liệt hơn 2 năm.
Thông tin từ người nhà, bà Trinh bị tai biến 4 lần, nhà neo người nên không thể đến trạm y tế, thường xuyên phải nhờ bác sĩ Trường đến nhà thăm khám.
“Bác sĩ Trường còn thường xuyên cho bông băng, thuốc sát trùng để tôi vệ sinh vết thương cho mẹ. Nhờ công của bác sĩ Trường mà mẹ tôi nay không còn bị lở loét, sức khỏe cũng cải thiện rất nhiều”, bà Gái (con bà Trinh) nói.
Bà con xã đảo mưu sinh chủ yếu nhờ đi biển và làm muối, đa phần còn nghèo. Vì vậy, cứ gặp hoàn cảnh nào khó khăn, Bác sĩ Trường sẽ miễn tiền thuốc và lấy tiền túi để hỗ trợ.
Mãi tới cuối ngày, sau khi các "cuộc gọi báo bệnh đã vãn", chúng tôi mới có thêm chút thời gian trò chuyện cùng vị "bác sĩ khám dạo" của bà con xã đảo duy nhất ở TP.HCM này.
"Giờ tôi không muốn rời đi nữa"
Theo lời kể của bác sĩ Trường, năm 2005, ông được phân công luân phiên nhận công tác tại xã đảo Thạnh An do thiếu bác sĩ. Gần 20 năm gắn bó với xã đảo, bác sĩ Trường đã coi đây là nhà. "và tới bây giờtôi không muốn rời đi nữa", ông nói.
Theo bác sĩ Trường, "thời gian đầu ở đây cũng chán lắm, bởi thiếu thốn đủ bề". Thiết bị y tế lúc đó chỉ là những chiếc ống nghe, đo huyết áp, nhiệt kế; không có điện lưới quốc gia mà chỉ có nhà máy phát điện diesel hoạt động từ 8h đến 0h. Những lúc máy phát điện hư hỏng mất điện, bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân trong ánh sáng đèn pin.
Trước đây, để cấp cứu cho người dân xã đảo chỉ có một phương tiện duy nhất là ghe. Khi có ca cấp cứu vào ban đêm, xung quanh trời tối mịt mù, có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào, như vướng lưới ngư dân, giông, bão, hư hỏng... Nhưng qua từng năm, trạm đã được đầu tư, quan tâm nhiều hơn, điều kiện về cơ sở vật chất đã tốt hơn rất nhiều.
Đặc biệt, hồi tháng 11 vừa qua, TP.HCM bắt đầu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hội chẩn khám bệnh từ xa (telemedicine) tại trạm. "Việc đưa máy chụp X-Quang tích hợp AI xuống với trạm như chắp cánh thêm cho công việc khám chữa bệnh tại nơi đây tốt hơn", bác sĩ Trường nói.
Vừa đi, bác sĩ Trường vừa trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng làm việc ở xã đảo, về những người dân nơi đây tuy mộc mạc nhưng rất giàu tình cảm, đã khiến ông không nỡ rời xa.
Vị bác sĩ tóc đã chuyển màu muối tiêu dừng lại trước căn nhà nhỏ, đơn sơ trên đảo và tự hào giới thiệu "đây là tổ ấm của mình". Tổ ấm đó là căn nhà nhỏ mà "ngập đầy" thuốc.
Ra đón chúng tôi là một người phụ nữ trẻ, chỉ độ ngoài 30 tuổi với gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền. Người phụ nữ ấy còn chưa kịp lên tiếng, bác sĩ Trường đã giới thiệu: “Đây là vợ tôi, một trong những lý do mà tôi không rời xa được xã đảo này”.
Nói rồi, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (vợ bác sĩ Trường) đon đả mời chúng tôi vào nhà, chị cũng không quên mỉm cười với chồng.
Chị Hồng kể, hồi trước chị được bác sĩ Trường khám bệnh cho. "Cảm phục tấm lòng của bác sĩ với người dân xã đảo, từ đó "tôi ưng luôn bác sĩ". Giờ thành vợ chồng, cũng đã có 2 con rồi", chị Hồng nói với ánh mắt long lanh.
Biết công việc của bác sĩ bận rộn, chị Hồng ở nhà toàn tâm toàn ý chăm lo cho con, là hậu phương vững chắc để bác sĩ Trường yên tâm công tác.
Trò chuyện với chúng tôi chưa xong một tách trà, bác sĩ Trường lại có điện thoại, báo một người dân ở xã có người nhà khó thở, "nhờ bác sĩ tới gấp".
Ngay sau cuộc gọi ấy, như một thói quen, vợ chồng bác sĩ Trường cùng đứng dậy đến tủ thuốc, chồng soạn thuốc, vợ bỏ vào túi và lấy túi đựng dụng cụ khám bệnh.
"Lâu rồi cũng thành quen, ông xã có hướng dẫn cho tôi trước, nên hễ có người bệnh gọi, vợ chồng tôi phân ra mỗi người 1 việc để khâu chuẩn bị nhanh nhất có thể, để anh ấy kịp tới nhà người bệnh", chị Hồng nói và bước ra treo đồ vào xe cho chồng.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã đảo Thạnh An cho biết, bác sĩ Trường được đánh giá cao về chuyên môn và y đức. "Bà con ở xã cũng đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của bác sĩ rất tận tình niềm nở. Nhờ đó, công tác khám chữa bệnh cũng như phòng bệnh của Trạm y tế xã được thực hiện rất tốt”, ông Hiếu nói.
Bình luận