Theo VnExpress, nếu ăn măng ngâm giấm chưa đủ thời gian hoặc măng chưa được nấy kỹ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc.
Bác sĩ Phan Mỹ Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, cho biết enzyme ở hệ tiêu hóa chuyển hóa cyanide trong măng tươi thành axit cyanhydric (HCN). Đây là chất độc đối với cơ thể.
Mỗi kg măng tươi có khoảng 230 mg cyanide. Nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, măng đã ngả màu vàng và mùi chua thì hàm lượng cyanide còn chưa đầy 9 mg trong mỗi kg. Do đó, nếu ăn măng ngâm giấm chưa đủ thời gian, măng chưa ngả sang màu vàng ươm và chưa có mùi chua thì khả năng gây ngộ độc vẫn rất cao.
Dấu hiệu ngộ độc măng
Theo các chuyên gia, hàm lượng cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn măng khoảng 5 - 30 phút. Trường hợp ngộ độc nhẹ, người ăn sẽ có biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ăn măng sao cho an toàn?
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, măng là thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Măng giàu chất xơ, chứa phytosterol là chất có khả năng ngăn chặn cholesterol xấu và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch. Trong măng tre chứa các chất dinh dưỡng chính như protein, carbohydrate, axít amin, khoáng chất, đường, các muối vô cơ.
Vì vậy, để thưởng thức món măng ngon và an toàn, cần biết cách chọn măng, sơ chế, chế biến đúng cách.
Măng ngon, măng không hóa chất thường có màu hơi thâm đen hoặc vàng tươi rất nhạt do chỉ ngâm muối, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng, trông bóng, rất bắt mắt. Măng không ngâm hoá chất sẽ có mùi chua tự nhiên, không có mùi hắc.
Sơ chế măng là khâu quan trọng để tẩy chất độc tự nhiên trong măng, hãy rửa và ngâm măng trong nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 30 - 45 phút, sau đó luộc ít nhất 2 - 3 lần nước trong vòng 15 - 20 phút. Trong quá trình luộc, nên mở vung để chất độc bay hơi.
Dù là măng tươi hay măng khô cũng không vội vàng bỏ qua các thao tác cần thiết trên để loại bỏ chất độc. Với món măng ngâm dấm ớt, tốt nhất là bạn tự chế biến để bảo đảm măng đã được sơ chế cẩn thận. Nếu mua ngoài hàng, hãy cẩn thận lựa chọn sản phẩm có nhãn mác.
Những người không nên ăn măng
Bà bầu: Chế biến măng không cẩn thận dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc, rất nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi trong bụng. Để an toàn, bà bầu muốn ăn măng cần rửa nhiều lần với nước sạch, ngâm muối, sau đó luộc kỹ khoảng 3 lần mới ăn. Trong khi luộc măng, hãy mở nắp nồi để độc tố bay đi.
Người đau dạ dày: Măng chứa rất nhiều chất xơ nên người bị đau dạ dày sẽ cảm thấy khó tiêu do dạ dày phải hoạt động, co bóp nhiều để nghiền nát xơ măng. Bên cạnh đó, chất độc trong măng còn dễ gây kích ứng dạ dày, dẫn đến tình trạng nôn mửa, đầy hơi hay làm cho những vết loét niêm mạc thêm nặng.
Ngoài ra, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển không nên ăn măng do axit oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Axit oxalic trong măng có thể kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành axit oxalic canxi dẫn đến sỏi thận đường tiết niệu. Do vậy người bị bệnh sỏi thận không nên ăn nhiều măng tươi.
Bình luận