• Zalo

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc

Thời sự quốc tếThứ Hai, 16/08/2021 09:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc chính quyền Afghanistan sụp đổ chỉ sau hơn một tháng kể từ khi người Mỹ rút quân khiến không ít người nhớ lại thất bại của Liên Xô trong quá khứ.

Ngày 27/12/1979, Liên Xô chính thức can thiệp quân sự vào Afghanistan nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Hafizullah Amin. Thế nhưng Moskva không hay biết rằng họ đang bước vào một cuộc chiến vô ích kéo dài gần 10 năm. Cuộc chiến Afghanistan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô sau đó.

Cũng cần phải nói thêm rằng chính Hafizullah Amin lại là người nhiều lần đề nghị Moskva triển khai quân đến Afghanistan nhằm hỗ trợ chính quyền Kabul vượt qua cuộc nội chiến khi đó. Tuy nhiên, các lãnh đạo Liên Xô không hề tin tưởng Amin, bởi ông ta có liên quan đến cái chết của cựu Tổng thống Afghanistan Nur Muhammad Taraki, một nhà lãnh đạo cánh tả vốn thân Moskva.

Tuy nhiên, việc loại bỏ Tổng thống Amin phần lớn xuất phát từ lo ngại Kabul có thể ngả về phía Mỹ hoặc Trung Quốc trong trường hợp Liên Xô muốn can thiệp sâu vào tình hình ở Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ, Anh, Iran và cả Trung Quốc tìm mọi cách làm giảm ảnh hưởng và vị thế của Liên Xô trong khu vực.

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc - 1

Một đơn vị thiết giáp của quân đội Liên Xô trong thời kỳ tham chiến ở Afghanistan. (Ảnh: Sputnik)

Trong suốt những năm sau đó, có đến 900.000 lượt quân nhân các binh chủng khác nhau thuộc các lực lượng vũ trang Liên Xô được triển khai đến Afghanistan, quân số tham chiến dao động từ 30.000 - 100.000 người. Cho đến năm 1986, quân đội Liên Xô tham gia trực tiếp vào hầu hết các chiến dịch quân sự chống các nhóm Hồi giáo vũ trang Mujahedin. Chỉ từ năm 1987 trở đi, việc tham gia vào các cuộc giao chiến mới giảm dần.

Sự hiện diện của quân đội Liên Xô ở Afghanistan kéo dài tới tháng 2/1989. Theo các nguồn tin chính thức, cuộc chiến này đã khiến 15.000 quân Liên Xô và ít nhất 640.000 người Afghanistan thiệt mạng. Liên Xô đã không đạt được các mục tiêu đề ra: Chính quyền thân Liên Xô sụp đổ chỉ vài tháng sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan.

Việc đưa Liên Xô can thiệp quân sự vào Afghanistan được xem là một thảm họa quan hệ công chúng quốc tế, làm tổn hại thế cân bằng hòa hoãn giữa Liên Xô và Mỹ trong giai đoạn then chốt của Chiến tranh Lạnh.

Lịch sử lặp lại

Sau khi Liên Xô rời đi và để lại khoảng trống quyền lực ở Afghanistan, đó cũng là thời điểm Taliban - lực lượng quân sự và chính trị Hồi giáo cực đoan trong khu vực trỗi dậy. Mục tiêu của Taliban là muốn tạo dựng một xã hội Hồi giáo, đẩy lùi những thứ ảnh hưởng ngoại lai của phương Tây khỏi Afghanistan, áp đặt luật Hồi giáo theo phiên bản hà khắc, đặc biệt với phụ nữ.

Taliban bắt đầu chính thức nắm kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 và kéo dài đến năm 2001.

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc - 2

Việc Taliban lên nắm quyền vào năm 1996 càng khiến số phận người dân Afghanistan trước nên bi đát hơn so với thời kỳ nội chiến. (Ảnh: AP)

Sự tồn tại của một nhà nước Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan vô tình lại giúp các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda phát triển mạnh mẽ, đây cũng là thủ phạm đứng sau vụ tấn công 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ. Thậm chí sau vụ tấn công Taliban còn đứng ra che chở trùm khủng bố Osama bin Laden, lãnh đạo cấp cao của al-Qaeda khi đó.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ khi đó, George W. Bush cho thực thi Đạo luật Ủy quyền Chiến tranh (AUMF). Theo đó, Mỹ có thể dùng vũ lực chống các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân đứng sau vụ khủng bố 11/9, ở đây là al-Qaeda và Taliban.

Trong nhiều năm, AUMF được dùng để làm căn cứ pháp lý cho quyết định đưa quân vào Afghanistan, sử dụng vũ lực chống al-Qaeda và đồng bọn. Lực lượng Mỹ cùng với sự hỗ trợ của các đồng minh NATO coi việc đưa quân vào Afghanistan là một động thái tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố.

Tưởng chừng thất bại cay đắng của Liên Xô ở Afghanistan trong quá khứ sẽ giúp Mỹ học được nhiều điều khi phát động cuộc chiến chống lại Taliban vào năm 2001. Tuy nhiên, Washington tiếp tục vấp phải những sai lầm Moskva từng mắc.

Mở đầu bằng chiến dịch "Tự do Bền vững" vào ngày 7/10/2001 và trong suốt gần 20 năm tham chiến, trên 2.300 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người Mỹ bị thương, không biết bao nhiêu người Afghanistan chịu thương vong và Washington cũng đã tiêu tốn số tiền hơn 2.000 tỷ USD cho cuộc chiến này.

Trong chừng đó năm, Mỹ và đồng minh, bao gồm cả chính quyền Afghanistan không đạt được bất cứ mục tiêu chiến lược nào trong việc loại bỏ Taliban hay ngăn chặn quốc gia Trung Á này một lần nữa trở thành hang ổ của các nhóm khủng bố như al-Qaeda, điển hình như sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc - 3

Cùng với chiến dịch "Tự do Bền vững" người Mỹ tự tin quét sạch Taliban khỏi Afghanistan, thế nhưng những gì họ thấy chỉ mới là bề nổi. (Ảnh: pacom.mil)

Điều đáng nói là mục tiêu chống khủng bố của Washington ở Afghanistan liên tục thay đổi qua các đời Tổng thống Mỹ, càng tạo điều kiện cho Taliban trỗi dậy. Và khi cảm thấy không thể chiến thắng bằng cách sử dụng vũ lực, Washington bắt đầu thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban và hướng đến việc rút quân khỏi quốc gia này.

Sau khi chính thức trở Tổng thống Mỹ vào năm 2021, ông Joe Biden bắt đầu hiện thực hóa kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan với mốc thời gian được ấn định là vào ngày 11/9/2021. Thế nhưng Washington sau đó lại đẩy nhanh thời điểm rút quân và đến đầu tháng 7/2021 phần lớn binh sĩ Mỹ và cả liên quân đều đã rời Afghanistan.

Việc Mỹ rút quân quá nhanh khỏi Afghanistan trong khi chính quyền Kabul chưa sẵn sàng cho tiến trình này đã vô tình giúp Taliban đạt được điều họ chờ đợi suốt 20 năm qua.

Chỉ hơn một tháng sau khi Mỹ rút quân, Taliban đã tái kiểm soát 99% lãnh thổ Afghanistan và bắt đầu tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul trong ngày 15/8/2021. Điều duy nhất người Mỹ đang cố gắng làm lúc này chính là sơ tán công dân và các nhân viên ngoại giao của họ khỏi Kabul hơn là giúp chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cứu vãn tình thế.

Cũng trong ngày 15/8, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani tuyên bố sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực cho Taliban và quá trình chuyển tiếp nhiều khả năng sẽ diễn ra trong ít ngày tới. Ngày 15/8 cũng có thể được xem là ngày kết thúc cuộc chiến ở nước ngoài dài nhất của Mỹ trong thế kỷ 21.

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc - 4

Việc Mỹ và đồng minh rút quân quá nhanh đã báo hiệu cho sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan và nó diễn ra nhanh hơn những gì Washington dự đoán. (Ảnh: Time)

Tương lai mờ mịt của Afghanistan

Theo truyền thông phương Tây, cùng với việc mở rộng vùng “giải phóng”, Taliban cũng bắt đầu áp dụng lại các luật lệ hà khắc mới tại nhiều khu vực do lực lượng này kiểm soát. Theo Taliban “luật lệ Hồi giáo” ở Afghanistan là giải pháp duy nhất để kết thúc chiến tranh và đảm bảo các quyền công dân, bao gồm dành cho phụ nữ.

Trong một tuyên bố vào tháng 6, phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar quả quyết rằng cách duy nhất để kết thúc xung đột ở Afghanistan là thiết lập hệ thống Hồi giáo sau khi tất cả lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Ông Baradar cam kết quyền của mọi công dân, kể cả phụ nữ, sẽ có trong hệ thống Hồi giáo, phù hợp với “đạo Hồi và những truyền thống Afghanistan”.

Tuy nhiên, nhiều người lo sợ cách diễn giải về quyền của Taliban sẽ xung đột với những thay đổi đã xảy ra trong xã hội Afghanistan kể từ năm 2001, sau khi nhà nước Hồi giáo của lực lượng này bị lật đổ.

Afghanistan - Vũng lầy của các cường quốc - 5

Các tay súng Taliban trên một chiếc Humvee tiến vào cửa ngõ Kabul vào ngày 15/8. (Ảnh: The New York Times)

Trong thời kỳ Taliban cai trị, phụ nữ Afghanistan không được đi học, đi làm đồng thời hạn chế quyền chăm sóc sức khỏe, thậm chí không được ra khỏi nhà nếu không có người thân là nam giới đi cùng. Taliban cũng áp dụng những luật lệ hà khắc như hành quyết công khai, chặt tay những kẻ trộm cướp và ném đá đến chết phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.

Taliban đã nhiều lần tái khẳng định họ sẽ loại bỏ mọi hoạt động xã hội đi ngược lại luật Hồi giáo, ngoại trừ thức ăn và chỗ ở. Các quyền kinh tế và xã hội mà người dân Afghanistan đã tranh đấu với thành công hạn chế trong hai thập kỷ qua gần như sẽ biến mất trong thời gian tới.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa từ cuối tháng 5 do lo ngại Taliban sẽ áp đặt trở lại những luật lệ hà khắc, hạn chế mọi quyền của phụ nữ. Con số này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới

Trà Khánh((Tổng hợp))
Bình luận
vtcnews.vn