1. Thay vì dọa nạt, hãy biến mọi thứ thành trò chơi vui nhộn
Hãy tưởng tượng tình huống gia đình đang cần đi đâu đó bằng ôtô và con nhất quyết không chịu lên xe. Bố mẹ khó chịu với điều này là đương nhiên, và nhiều người bắt đầu đe dọa con bằng những câu như: “Nếu con không lên xe ngay, mẹ sẽ không bao giờ mua đồ chơi cho con nữa”. Cách này sẽ khiến trẻ phải làm điều bạn muốn một cách miễn cưỡng.
Lần tới khi xảy ra tình huống tương tự, bạn hãy thử biến “nhiệm vụ” lên xe thành một trò chơi nho nhỏ. Ví dụ, bạn có thể nói: “Thử xem con có thể ngồi vào ghế của mình sau 5 giây không nha! 1, 2, 3…”.
2. Đánh dấu khu vực nguy hiểm
Nếu không muốn trẻ chạy chơi quanh bếp khi bạn đang nấu ăn, bạn hãy thử sử dụng bất kỳ thứ gì để đánh dấu (chẳng hạn như băng keo màu hay sợi vải), hạn chế khu vực trẻ có thể đùa nghịch. Hãy giải thích cho con rằng không gian đó chỉ dành cho người lớn và có thể sẽ gây nguy hiểm cho trẻ con.
3. Đổi câu tiêu cực thành tích cực
“Nếu không dọn phòng, tối nay con sẽ không được xem TV” là cách nói thị uy, với mong muốn khiến trẻ vì sợ hãi mà phải phục tùng. Có một cách hay hơn để diễn đạt cùng ý: “Nếu con dọn phòng sạch sẽ thì tối nay sẽ được xem TV”. Đưa ra phần thưởng sẽ khiến trẻ háo hức hơn và phản hồi tích cực.
4. Tạo tiếng động vui nhộn khi trẻ ngã
Trẻ nhỏ mới tập đi thường bị ngã rất nhiều. Bạn không nhất thiết phải cuống quýt trước mỗi va chạm nhỏ, mà tốt hơn hãy tạo ra tiếng động vui nhộn khi con ngã. Điều đó sẽ khiến trẻ cười thay vì khóc.
5. Giúp trẻ rời sân chơi đúng giờ
Trẻ con rất ham vui và nhiều khi không chịu rời sân chơi, khiến các bậc cha mẹ mất kiên nhẫn. Đừng vội quát tháo, hãy tập thói quen rời sân chơi đúng giờ cho trẻ bằng cách tuân thủ các bước sau.
Bước 1: Cho trẻ biết còn bao nhiêu thời gian trên sân chơi (ví dụ: 5 phút) và đảm bảo bám sát thời gian đó. Đừng nói với con “5 phút nữa chúng ta sẽ ra về” nhưng lại dành 15 phút cắm mặt vào điện thoại.
Bước 2: Khi gần hết thời gian, hãy thông báo với trẻ bằng cách nói “Còn 10 giây nữa nhé”. Hãy sử dụng 10 giây này để vui vẻ gợi ý trẻ chơi cầu trượt thêm một lần cuối hoặc rủ trẻ cùng chạy ra oto xem ai chạy nhanh hơn.
Bước 3: Biến việc về nhà trở thành thứ gì đó hấp dẫn trong mắt trẻ. Ví dụ, bạn có thể hỏi trẻ muốn nghe bài hát nào trong oto, để chúng có thứ để mong đợi ngay cả khi giờ chơi đã kết thúc.
6. Yêu cầu trẻ lập danh sách trước khi đi mua sắm
Để tránh phát sinh những khoản tiền không mong muốn, đồng thời hạn chế khả năng khiến trẻ thất vọng vì vòi vĩnh không thành, bạn hãy yêu cầu con lập danh sách những thứ cần thiết để mua - tương tự cách người lớn thường làm. Bạn có thể gợi ý trẻ ghi vào danh sách của mình những món đồ mà bạn cũng thường phải mua khi đi siêu thị, chẳng hạn như trái cây.
Tại siêu thị, hãy để trẻ tự nhặt đồ cho vào giỏ. Bạn cũng có thể nhìn vào một số món đồ và nói “Mẹ thích cái này lắm nhưng nó không nằm trong danh sách của mẹ”, để trẻ không cảm thấy đơn độc.
7. Giúp trẻ có động lực dọn dẹp
Nếu bạn nói có một tờ tiền hoặc một viên kẹo được giấu dưới đống đồ chơi, trẻ có thể sẽ háo hức hơn với việc dọn dẹp.
8. Hạn chế làm mất nắp bút dạ
Nếu trẻ thường xuyên làm mất nắp của bút dạ, hãy dán tất cả nắp bút lại với nhau. Bằng cách này, trẻ vẫn có thể lấy ra một cây bút bất kỳ để sử dụng và khi dùng xong thì trả về chỗ cũ rất dễ dàng.
9. Dạy trẻ rửa tay đúng cách
Mỗi lần muốn trẻ rửa tay, bạn có thể biến nó thành nhiệm vụ “tắm cho con vịt cao su” - món đồ chơi quen thuộc của trẻ. Đây là một mẹo thú vị giúp trẻ thích thú đến mức có thể dành thêm thời gian rửa tay để đảm bảo con vịt thực sự sạch sẽ, và do đó không còn ghét việc rửa tay thật kỹ.
Bình luận