Ra đời cách đây trên dưới 40 năm nhưng khi vang lên ở thời điểm hiện tại, những ca khúc này vẫn tạo cảm giác trẻ trung phơi phới, khiến tâm hồn người nghe ngập tràn sắc xuân và sức sống thanh xuân.
1. Mùa xuân làng lúa làng hoa
Bài hát được nhạc sĩ Ngọc Khuê viết vào cuối năm 1980, phát sóng lần đầu tiên đầu năm 1981 ở giọng Rê thứ, nhịp 6/8. Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác, tác giả cho biết: “Tôi vốn là người Hà Tây nhưng sống tại Hà Nội. Từ rất lâu tôi muốn viết một ca khúc về mùa xuân Hà Nội, nhưng chưa tìm được tứ. Rồi một chiều đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có làng hoa, mà còn có cánh đồng lúa xanh mướt, tôi muốn ví đó là những làng lúa. Phát hiện đó đã khiến tôi bật ra câu hát: 'Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê. Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…'. Từ câu hát đầu tiên ấy, về nhà tôi đã viết xong bài hát mà hầu như không phải chỉnh sửa nhiều".
Nhạc sĩ cho biết thêm, ông đã đặt tên cho bài hát là “Làng luá - làng hoa”. Nhưng khi gửi lên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Thế Song lúc đó là biên tập viên âm nhạc của Đài góp ý nên thêm chữ "mùa xuân" vào tên bài, và tác giả đồng ý. Thế là bài hát được mang tên Mùa xuân làng luá làng hoa.
Năm 2017, Mùa xuân làng lúa làng hoa giúp nhạc sĩ Ngọc Khuê được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực âm nhạc).
Video: Tác phẩm "Mùa xuân làng lúa làng hoa" qua giọng hát của NSƯT Hồng Liên
2. Mùa xuân nho nhỏ
Bài hát được Trần Hoàn phổ bài thơ cùng tên của Thanh Hải giai đoạn 1980 - 1981, khi đất nước còn có nhiều khó khăn. Với Mùa xuân nho nhỏ, nhạc sỹ Trần Hoàn không sử dụng hẳn chất liệu dân ca một vùng đất nào, có chăng chỉ thoáng chút ví dặm Nghệ Tĩnh ở đầu chủ đề âm nhạc rồi tan biến đi ngay. Khi phổ thơ Thanh Hải, Trần Hoàn chỉ bỏ đi 4 câu và đảo lại một số từ cho phù hợp. Đây cũng là điều ít thấy trong sự cộng hưởng giữa nhạc và thơ…
40 năm đã qua nhưng vị trí của tác phẩm vẫn hiện hữu và nhận sự yêu mến đặc biệt của công chúng, đặc biệt trong những ngày Tết. Nói đến những bài hát hay nhất về chủ đề mùa xuân, không thể không nói tới tác phẩm kinh điển này.
Video: Bài hát "Mùa xuân nho nhỏ" qua giọng hát Khánh Linh
3. Mùa xuân đầu tiên
Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao luôn chiếm vị trí đặc biệt trong lòng người nghe nhiều thế hệ, vì nhạc phẩm ra đời trong một bối cảnh đặc biệt. Đó là Tết năm 1976, nhân dân hai miền Nam - Bắc lần đầu tiên được sum họp một nhà.
Không như những ca khúc ngợi ca chiến thắng mang màu sắc hùng tráng tươi vui, Mùa xuân đầu tiên mở đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, thiết tha với những hình ảnh rất bình dị, gắn bó với mọi thế hệ, tầng lớp người Việt lúc bấy giờ.
Tác phẩm cho thấy chiều sâu trí tuệ, tâm hồn của nhạc sĩ Văn Cao, từ những cảnh đời thường mà nói lên được ý nghĩa cao cả, sự vô giá của hòa bình. Sự kỳ diệu của mùa xuân thống nhất năm ấy, của tình yêu thương giữa con người với con người chính là nhịp cầu xóa bỏ mọi ngăn cách, hàn gắn vết thương chiến tranh. Thông điệp nhân văn, giàu tính triết lý ấy khiến Mùa xuân đầu tiên sống mãi trong lòng người Việt mọi thế hệ.
Video: "Mùa xuân đầu tiên" qua giọng hát của NSƯT Thanh Thuý
4. Mùa chim én bay
Mùa chim én bay là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Diệp Minh Tuyền. Hoàng Hiệp sáng tác bài hát này trên phố biển Nha Trang vào đầu những năm 1980. Lúc đó, có đoàn nhạc sĩ ra Nha Trang “lập trại sáng tác” theo đơn đặt hàng của tỉnh Phú Khánh (Phú Yên, Khánh Hòa hiện nay) với đề tài gợi ý là chim én, vì biểu tượng của Nha Trang chính là chim yến (én).
Nhạc sĩ Trần Tiến có bài Tạm biệt chim én, Phó Đức Phương với Nha Trang thu có câu “Gọi chim én về”… Tất cả đều có én! Đây là thử thách quá lớn với Hoàng Hiệp vì các nhạc sĩ trên đều tự hoàn thiện giai điệu, lời ca một cách trọn vẹn.
Trong một buổi chiều dạo chơi trên biển, thấy vạt rau muống biển xanh mướt như cánh đồng trên cát, Hoàng Hiệp chợt nhớ một câu của Diệp Minh Tuyền có đưa cho mình xem năm trước (1979): “Khi gió đồng thơm ngát/Hương lúa chín ngạt ngào/Rợp trời chim én lượn”. Ông ngồi xuống bên thảm xanh hoa muống biển và bắt đầu phổ câu đầu tiên “Khi gió đồng ngát hương, rợp trời chim én lượn…”.
Bài thơ gốc của Diệp Minh Tuyền tương đối dài nên Hoàng Hiệp lược bỏ, tỉa tót cho hợp lý, ví như câu đầu ca khúc “Khi gió đồng ngát hương” có phần hay hơn cả thơ “khi gió đồng thơm ngát”. Nhạc sĩ đã làm cho lời ca sự lãng mạn tới mênh mang vô tận và dâng cao tới tận trời xanh. Cứ thế, qua sự tinh tế của mình, Hoàng Hiệp đã phổ thành một bài hát rất nhẹ nhàng nhưng lãng mạn tới miên man.
Video: Nghe Bùi Lê Mận hát "Mùa chim én bay"
5. Mùa xuân đến rồi đó
Bài hát này được nhạc si Trần Chung sáng tác năm 1976 trong chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam và có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ là thanh niên xung phong. Trần Chung cảm thấy ở họ sức sống sôi nổi và mãnh liệt, hồn nhiên, yêu đời. Họ rất thích ca hát, nhưng bài hát hay viết về họ mà họ ưa thích chưa nhiều.
Dưới hình thức lời người con trai nói với người con gái, bài hát Mùa xuân đến rồi đó như một bản tình ca. Chàng trai nói với cô gái nhiều điều về cuộc đời, đất nước, về những chuyện rộng lớn tưởng như ít liên quan đến họ mà thực ra lại rất thiết thực với cuộc sống, với hạnh phúc, công việc của họ. Cuộc đời riêng gắn với cuộc đời chung.
Mùa xuân 1978, tác giả giới thiệu bài hát trên làn sóng phát thanh. Từ đó, ca khúc đã nhanh chóng đến với quần chúng, rạo rực, sôi nổi, không ồn ào, không lên gân, ngắn gọn, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, dễ hát mà đường nét giai điệu lại mới mẻ.
Video: Nghe ca sĩ Thu Hương hát "Mùa xuân đến rồi đó"
Bình luận