Chị N.H.H, 23 tuổi kết hôn nhưng sau 2 năm không mang thai, chị được bác sỹ kết luận là suy giảm dự trữ buồng trứng. Hai vợ chồng đều rất bất ngờ vì không thể nghĩ lại bị “lão hóa” cơ quan sinh sản khi mới 25 tuổi.
Tình trạng suy giảm của chị H rất nặng, đến mức dù đi khắp các bệnh viện, bác sỹ chỉ đưa ra một phương án duy nhất, đó là phải xin trứng của người khác để thụ tinh trong ống nghiệm.
Ths.BS Nguyễn Thị Sen, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Việt Bỉ, cho biết, tình trạng suy buồng trứng diễn ra ở một số bạn còn rất trẻ. Có bạn mất kinh từ năm 18 tuổi, tức là từ lúc có kinh đến lúc hết kinh chỉ khoảng 5-6 năm. Khi các bạn đến khám thì tử cung đã teo nhỏ. Đáng tiếc nhất là lúc này có bạn còn chưa lập gia đình, bạn lập gia đình rồi nhưng chưa có con.
Ngoài ra, cũng ghi nhận trường hợp tử cung bị teo nhỏ, buồng trứng suy và mất kinh nguyệt sau điều trị ung thư đại trực tràng. Những trường hợp này thì rất khó điều trị để tử cung và niêm mạc tử cung đủ chức năng mang thai và sinh con.
Suy buồng trứng liệu có thể có con?
Suy buồng trứng sớm có thể được nhận biết qua những dấu hiệu như: Kinh nguyệt không đều trong nhiều năm, mấy tháng mới có một lần, kinh nguyệt ít, thậm chí không có kinh. Kèm theo nhiều triệu chứng tương tự mãn kinh như dễ bốc hỏa, ra mồ hôi về đêm, dễ kích động, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo... Rối loạn tiết niệu: són tiểu, tiểu quá nhiều. Trên hình ảnh siêu âm của bệnh nhân bị suy buồng trứng sớm cho thấy trứng nhỏ không phát triển, xét nghiệm kiểm tra nồng độ estrogen giảm.
Theo thông tin từ Ths.BS Nguyễn Thị Sen, với các kỹ thuật tiên tiến hiện nay những bệnh nhân suy buồng trứng sớm vẫn có thể mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
“Bệnh nhân bị mất kinh, tử cung teo nhỏ thì chúng tôi phải điều trị bằng hormon thay thế để bệnh nhân có kinh trở lại và để tử cung tăng kích thước đủ để mang thai. Sau đó xin noãn của người phụ nữ khác để làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF”, bác sỹ Sen cho biết.
Vì sao lại mắc suy buồng trứng sớm?
Nhóm nguyên nhân đầu tiên là do di truyền. Bệnh nhân mắc rối loạn di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể, gặp nhiều nhất là ở hội chứng Turnner (chỉ có khoảng 10% bệnh nhân nữ mắc hội chứng Turnner có biểu hiện dậy thì).
Nguyên nhân thứ hai là do đột biến nhiễm sắc thể thường, thiếu hụt các enzym, protein liên quan đến skiroid sinh dục, hoặc các bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ, bạch biến, nhược cơ…
Quá trình hóa trị, xạ trị cũng tác động mạnh đến các cơ quan sinh sản và làm suy buồng trứng.
Các yếu tố như môi trường, hút thuốc lá, nhiễm virus herpes, hay là giảm cân quá mức cũng ảnh hưởng đến lượng estrogen trong cơ thể, rối loạn kinh nguyệt, tắt kinh, buồng trứng bị suy sớm.
Vì vậy, theo Ths.BS Nguyễn Thị Sen, chị em tự dưng thấy rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa, rong kinh, cơ thể bốc hỏa thì nên đi khám. Phụ nữ nên đi khám 6 tháng/lần. Các bạn gái trẻ trước khi kết hôn thì nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Nếu sau khi kết hôn mà không có con trong vòng 1 năm thì các bạn cũng cần đi kiểm tra.
Về lối sống, mọi người không hút thuốc lá, tăng cường vận động thể dục, không giảm cân quá mức, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
Bình luận