• Zalo

Xuyên Việt khám phá di sản âm nhạc thế giới

Văn hóa - Giải trí Thứ Ba, 24/01/2012 06:14:00 +07:00Google News

(VTC News) - Xuân mới Nhân Thìn, hãy cùng VTC News tham gia hành trình xuyên Việt khám phá những di sản âm nhạc Việt Nam được UNESCO công nhận.

(VTC News) - Việt Nam là một dân tộc sở hữu nhiều di sản âm nhạc quý. Những di sản này như sự khẳng định bản sắc Việt cùng sức sáng tạo tuyệt của người Việt trải qua bao thế hệ. Xuân mới Nhân Thìn, hãy cùng VTC News tham gia hành trình xuyên Việt khám phá những di sản âm nhạc Việt Nam được UNESCO công nhận.

Hát Xoan - hội hát độc đáo gắn với nghi lễ tín ngưỡng

Từ Hà Nội ngược lên phía Bắc chừng tám chục cây số về miền đất tổ Hùng Vương, đây chính là xứ sở của những điệu Hát Xoan độc đáo vừa được UNESCO ghi danh vào “gia đình” di sản thế giới ngày 24 tháng 11 năm 2011.

Hát Xoan được cho rằng bắt nguồn từ thời kỳ Hùng Vương, theo đó, đây là một trong số ít loại hình âm nhạc truyền thống có “niên đại” lâu đời nhất của nước ta. Xoan có nghĩa là xuân, Hát Xoan là một loại hình ca hát gắn với mùa xuân. Cho nên vào những ngày xuân ở khắp núi rừng trung du miền đất Tổ Phú Thọ - Vĩnh Phúc sẽ ngập tràn những câu hát xoan và những lễ hội truyền thống gắn với loại hình âm nhạc này.

Di sản hát Xoan vừa được Unesco công nhận, Ảnh: Tư liệu 

Theo thống kê hiện có khoảng 17-18 làng có Hát Xoan, chủ yếu những tập trung ở xung quanh Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ và một vài làng giáp ranh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Điều đặc biệt là Hát Xoan xưa kia chỉ hát ở đình làng vào dịp lễ hội nhưng nội dung ý nghĩa ca từ rất phong phú. Một cuộc Hát Xoan gồm có 4 giai đoạn: Hát chúc hát thờ, Hát Qủa cách, Hát Ghẹo hát đúm và Hát Giã. Trong bốn giai đoạn này ngoài hát lễ, chủ yếu Hát Xoan phần lớn ca ngợi tình yêu đôi lứa, những hình ảnh quen thuộc của đời sống cư dân nông nghiệp và đặc biệt là gắn với nghi lễ phồn thực.

Quan họ gọi xuân Kinh Bắc

Rời đất Tổ, trở về đồng bằng Bắc bộ, nằm ngay sát Hà Nội, Kinh Bắc được coi là vùng đất của lễ hội. Lễ hội Kinh Bắc có nét khác biệt chính là bởi có những câu hát Quan họ mượt mà, đằm thắm. Không quá lệ thuộc vào phần lễ, hát Quan họ chỉ “rặt” những lời yêu đương bay bướm của những anh hai chị hai trao nhau  sau một năm xa cách.

Di sản quan họ, ảnh: Tư liệu 

Quan họ cũng chỉ hát trong khi các làng mở hội. Có tất cả 49 làng Quan họ cổ trong đó 5 làng thuộc Bắc Giang. Trong đó nổi tiếng nhất là hội Lim vào ngày 11 đến 13 tháng Giêng và hội Diềm vào ngày mồng 5-6 tháng Hai và một hội khác cũng rất được chú ý đó là hội Thổ Hà vào ngày 20 - 22 tháng Giêng.

Ca trù - trác tuyệt của thi ca

Ca trù là một di sản âm nhạc quý. Sinh hoạt ca trù trải khắp Bắc bộ cho tới Hà Tĩnh. Ca trù vốn có nguồn gốc từ âm nhạc cửa đình nên còn có tên là Hát Cửa đình. Sau nhiều nỗ lực, lối hát Cửa đình đã hồi sinh ở các làng truyền thống. Những lễ hội không nên bỏ qua là hội Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) mỗi năm có hai kỳ hội chính từ 10 - 19 tháng Giêng và từ 10 - 13 tháng Tám; hội Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) từ ngày 7 - 10 tháng Giêng, trong đó tối mồng 8 có hát Cửa đình và làng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào ngày 11 tháng Chạp (khoảng cuối tháng 12 đầu tháng 1 dương lịch) tổ chức dâng thiết lễ và giỗ tổ Ca trù.

Di sản ca trù, ảnh: Tư liệu 

Ca trù còn một dòng đã thoát ra khỏi không gian cửa đình trở thành âm nhạc thính phòng, dòng này chỉ dành cho người giỏi văn hay chữ  mượn âm nhạc chắp cánh cho thơ văn.

Dòng Ca trù thính phòng phát triển chủ yếu ở chốn thị thành, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng. Ngày nay, bất kỳ thời điểm nào trong năm nếu tới Hà Nội chúng ta vẫn có thể thưởng thức những giai điệu bổng trầm do các nhóm nghệ nhân như: Nhóm ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Giáo phường Ca trù Thăng Long … thể hiện.

Tuy nhiên, thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức ca trù chính là dịp áp Tết và suốt cả mùa xuân. Lúc ấy không gian, thời gian và lòng người như hoà cùng một nhịp.

Nhã nhạc cung đình Huế: Bản sắc Việt

Tiếp tục hành trình vào miền Trung, tới đất cố đô để khám phá Nhã nhạc cung đình Huế. Nhã nhạc không phải do cha ông ta sinh ra nhưng lại là một sáng tạo đặc sắc. Trong lịch sử chúng ta không dưới một lần học hỏi mô hình nhạc cung đình từ Trung Hoa. Thời Lê, vua đã sai Nguyễn Trãi và Lương Đăng san định Nhã nhạc dựa theo Trung Hoa, thời kỳ này có hai bộ chính là Thự đồng văn và Thự nhã nhạc.

Múa Nhã nhạc cung đình, ảnh: Phạm Trường Linh 

Thời nhà Nguyễn tiếp tục chấn hưng Nhã nhạc, chia thành hai dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Vẫn mang dấu ấn Trung Hoa, song chỉ là hình thức, bởi các bài bản tuy có cùng tên gọi chẳng hạn Lưu Thuỷ, Phú lục địch hay Thập thủ liên hoàn (10 bản Tàu) song, giai điệu đã khác hoàn toàn.

Ngày nay, Nhã nhạc cung đình Huế có riêng một Nhà hát và nơi biểu diễn chính là khu đại nội và nhà hát Duyệt Thị Đường.

Cồng chiêng Tây Nguyên: sản phẩm của “văn minh nương rẫy”

Từ cố đô tiếp tục “Nam tiến” qua Đà Nẵng rẽ lên Tây Nguyên, lấy Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) làm trung tâm để khám phá cồng chiêng.

Trong mênh mang núi rừng Tây Nguyên, những âm thanh lung linh của cồng chiêng sẽ hút lòng lữ khách. Cồng chiêng vừa là vật thiêng vừa là người bạn gần gũi của đồng bào.

Cồng chiêng của người Bana, ảnh: Nguyễn Văn Quế 

Dẫu thế, mỗi dân tộc lại có một nét riêng. Bahnar nổi bật tính trữ tình, giai điệu trầm hùng, hoàng tráng, vang xa. Jrai cũng mang tính trữ tình nhưng không kém phần sôi nổi, rộn ràng, lảnh lót. Trong khi, cồng chiêng Êđê lại có âm hưởng hoành tráng. Cồng chiêng M’nông thì có nội dung đơn giản hơn so với các dân tộc khác, có khi chỉ là tiếng nai kêu hay một cuộc tranh tài hoặc kể câu chuyện về ba anh em.

Ngoài ra, khám phá cồng chiêng không nên bỏ lỡ dàn chiêng Êđê nhánh Bih ở Buôn Trấp, huyện Krông Ana tỉnh Đăk Lăk, đây là nơi duy nhất có nữ giới đánh chiêng.

Hành trình xuyên Việt khám phá những di sản âm nhạc của nhân loại sẽ còn trọn vẹn tới mũi Cà Mau trong nay mai khi hồ sơ Đờn ca tài tử Nam bộ được đệ trình lên UNESCO và nếu chính thức thông qua. Hy vọng tin vui sẽ đến trong năm Nhâm Thìn 2012 này.

Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long

Bình luận
vtcnews.vn