Hiến pháp và pháp luật nước ta thừa nhận quyền sở hữu của nhân dân đối với tài sản của mình, nhưng không có bất cứ một luật nào do Quốc hội ban hành (như Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao thông đường bộ, Bộ Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ... ) bắt buộc người dân phải thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu đối với một loại tài sản nào đó của mình.
Không tìm thấy ở đâu
Đó là chưa kể, có loại tài sản, luật còn quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khi dân có yêu cầu. Chẳng hạn, Luật Nhà ở (khoản 1 Điều 9) quy định "trường hợp chủ sở hữu nhà ở có yêu cầu thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở cho họ".
Đã sang tên đổi chủ thì phải thực hiện đăng ký lại chủ sở hữu. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, có một số loại tài sản tuy luật do Quốc hội ban hành không bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng muốn thực hiện một số hành vi nhất định, hay thực hiện một số giao dịch dân sự nhất định liên quan đến tài sản, luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu trước khi thực hiện hành vi đó hay thực hiện giao dịch đó.
Chẳng hạn: Dân xây nhà hay mua một ngôi nhà không bị luật bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng muốn đem bán ngôi nhà đã xây, đã mua đó thì phải đăng ký quyền sở hữu trước khi bán. Tàu biển không bị luật buộc phải đang ký quyền sở hữu, nhưng muốn neo đậu, đi lại trên biển, phải đăng ký quyền sở hữu.
Phương tiện giao thông thủy nội địa không bị luật buộc phải đăng ký quyền sở hữu nhưng muốn hoạt động, Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định phải đăng ký quyền sở hữu.
Và nếu đã sang tên đổi chủ thì phải thực hiện đăng ký lại chủ sở hữu. Máy bay, cảng hàng không không buộc phải đăng ký quyền sở hữu nhưng muốn đưa vào khai thác thì Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định phải đăng ký quyền sở hữu...,
Cũng vậy, không tìm thấy bất cứ một điều khoản nào của luật do Quốc hội ban hành quy định người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới (ô tô, xe máy, ...) khi xe được mua bán, cho, tặng.
Luật Giao thông đường bộ, tại điểm a khoản 2 Điều 58, quy định người lái xe khi điều khiển phương tiện "phải mang theo đăng ký xe", không đồng nghĩa là quy định bắt buộc người dân phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu khi xe được mua bán, cho, tặng.
Đành rằng, để có được bản "đăng ký xe", người dân phải mang xe đi đăng ký. Bản "đăng ký xe" chỉ là điều kiện cho xe được tham gia giao thông. Muốn thỏa mãn điều kiện này, dân phải đăng ký quyền sở hữu cho xe. Nhưng việc dân có làm việc này hay không là do dân tự quyết định chứ Luật Giao thông đường bộ nói riêng, luật do Quốc hội ban hành nói chung không bắt buộc.
Tiện đây xin lưu ý thêm, khoản 2 Điều 58 nêu trên không bắt buộc người lái xe phải là người có tên trong "đăng ký xe". Điều này có nghĩa là Luật Giao thông đường bộ chỉ bắt buộc xe cơ giới muốn tham gia giao thông chỉ cần có bản "đăng ký xe" đi kèm mà không lệ thuộc vào người đứng tên trong "đăng ký xe". Và do đó, muốn tham gia giao thông, xe chỉ cần một lần đăng ký, hay nói cách khác là chỉ cần đăng ký lần đầu, để xe có được bản "đăng ký xe" đi kèm.
Và không đúng thẩm quyền
Và, cũng không tìm thấy bất cứ một quy định nào trong những luật do Quốc hội ban hành (như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ,...) có trao quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, kể cả Bộ Công an, được đặt ra quy định này. Đó là bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản này hay kia của mình nói chung, đối với tài sản là xe cơ giới nói riêng.
a) Bởi vậy, việc Bộ Công an đặt ra quy định bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới như tại Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe là không đúng thẩm quyền của Bộ Công an nói riêng cũng như của Chính phủ nói chung.
Chính phủ, Bộ Công an chỉ có quyền, có trách nhiệm quy định về thủ tục đăng ký xe cơ giới. Còn dân có đi đăng ký xe hay không là thuộc quyền lựa chọn của dân. Dân muốn có bản "đăng ký xe" thì dân phải đi đăng ký xe.
b) Chiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật rằng, văn bản do cơ quan Nhà nước ban hành không đúng thẩm quyền, không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì quy định bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới tại Thông tư 36/2010/TT-BCA nêu trên không được coi là một quy định của pháp luật. Vì nó không đúng thẩm quyền của Bộ Công an nói riêng, của Chính phủ nói chung như đã nêu ở điểm (a) trên đây.
c) Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực thi hành, rằng hành vi vi phạm hành chính trước hết phải là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, thì việc người dân không đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới không phải là hành vi vi phạm hành chính.
Vì nó không phải là hành vi vi phạm quy định của pháp luật do quy định bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu xe cơ giới của Bộ Công an, không phải là một quy định của pháp luật như đã nêu ở Điểm (b) trên đây.
Theo khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính rằng người dân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có vi phạm hành chính, thì việc cơ quan chức năng xử phạt người dân do họ không thực hiện đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới là sự vi phạm Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, cũng như vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực thi hành.
Vì việc không đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới không phải là một hành vi vi phạm hành chính như đã nêu ở điểm (c) trên đây.
Nói một cách khác, việc Điều 33 Nghị định 34/2010/NDD-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 71/2012/NĐ-CP) của Chính phủ đặt ra quy định xử phạt người dân về việc người dân không chuyển quyền sở hữu ô tô, xe máy theo quy định; hay nói nôm na là không thực hiện sang tên, đổi chủ khi mua bán, cho, tặng ô tô, xe máy là vi phạm Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Cũng như vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực thi hành.
Về phía người dân, dù luật do Quốc hội ban hành không bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu khi mua xe hay khi được cho, tặng, thừa kế, nhưng người dân hãy nên thực hiện việc này để mình có thể thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với tài sản.
Nên quy định này cần phải được đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hay bãi bỏ theo quy định tại những điều khoản có liên quan của Chương XI Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chiểu theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính sắp có hiệu lực, Chính phủ chỉ có quyền quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không mang theo "đăng ký xe" khi xe tham gia giao thông mà không có quyền quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký quyền sở hữu xe.
Về phía người dân, dù luật do Quốc hội ban hành không bắt buộc người dân phải đăng ký quyền sở hữu khi mua xe hay khi được cho, tặng, thừa kế, nhưng người dân hãy nên thực hiện việc này để mình có thể thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với tài sản.
Chẳng hạn như, nếu xe không chính chủ thì không thể đem xe làm đảm bảo cho các giao dịch dân sự; không thể đem cầm cố, thế chấp để vay tiền ngân hàng. Đặc biệt, để pháp luật bảo hộ quyền sở hữu, nhất là đối với những xe có giá trị lớn.
Đối với người bán, cho, tặng xe đã đăng ký quyền sở hữu theo tên mình, vì Luật Giao thông đường bộ có những quy định, như khoản 5 Điều 4, khoản 4, 5, 10, 13, 14, 16, 22, 23 Điều 8, khiến người có tên trong "đăng ký xe" có thể rơi vào phiền toái, rơi vào trách nhiệm pháp lý, thậm trí là trách nhiệm hình sự khi có vi phạm quy định của pháp luật về xe, về người lái xe.
Thì để tránh điều này, người bán, cho, tặng xe hãy buộc người mua xe, người được cho, được tặng xe thực hiện ngay việc đăng ký quyền sở hữu để mình hết trách nhiệm. Vì, khi không chứng minh được việc xe đã được bán, cho, tặng thì người có tên trong "đăng ký xe" vẫn là chủ sở hữu của chiếc xe.
Theo Vietnamnet
Bình luận