Xóm Hoàng Sa
Biển động. Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tịnh Hòa chật như nêm.
Trong số hàng trăm phương tiện lớn nhỏ nườm nượp neo đậu về bến khi biển trời trở gió, có không ít con tàu của ngư dân Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) – ngôi làng được mệnh danh là làng Hoàng Sa.
Làng cách cảng cá Tịnh Hòa tầm dăm ba cây số, nằm trải dài theo triền con sóng. Quanh năm suốt tháng nghe sóng biển hòa âm rì rào, vỗ xô dải cát trắng phau.
Trùng hợp. Năm ngoái, cũng vào cái ngày biển gầm gừ dậy sóng như bây chừ, tôi tìm về làng Hoàng Sa.
Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi làng trứ danh với hàng trăm con tàu quanh năm suốt tháng “dầm mình” ở quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi còn nhớ như in, hôm ấy, ông Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu toát lên vẻ tự hào ra mặt khi nhắc đến Châu Thuận Biển.
Đặc biệt, câu chuyện về Gành Cả ông kể bị bỏ ngỏ trong phút giây rời gót khỏi làng chài khiến tôi tò mò và nuôi ý định một ngày không xa sẽ trở lại.
Để rồi hôm nay, sau hơn 1 năm, tôi có dịp ghé thăm làng Hoàng Sa.
Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu – ông Bùi Hồng Vân đón tôi ở đầu làng như đã hẹn.
Câu chuyện về Gành Cả dang dở hôm nào được ông Vân chắp nối từ những con số được gán với cái tên Hoàng Sa.
Vài giây nhẩm tính, ông Vân thống kê, trong con số dao động từ 300 - 400 thuyền của Quảng Ngãi thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa thì có đến không dưới 100 chiếc của ngư dân Châu Thuận Biển. Riêng xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển) chiếm tới phân nửa.
Từ đó, ở phạm vi hẹp hơn, Gành Cả được ví von là xóm Hoàng Sa.
Gành Cả như một thung lũng nhỏ ở cuối làng Châu Thuận Biển. Xóm tựa lưng vào mũi Ba Làng An – cách Hoàng Sa chừng 130 hải lý.
“Hầu hết cư dân ở đây hành nghề biển. 46 con tàu mang công suất từ 700-800 CV của ngư dân trong xóm đều thẳng tiến Hoàng Sa đánh bắt. Dù cho có thời điểm, việc khai thác hải sản ở Hoàng Sa gặp khó, thế nhưng ngư dân Gành Cả vẫn một lòng bám hòn đảo chủ quyền thiêng liêng – Bãi Cát Vàng mang lại cơm ăn áo mặc cho bà con tự bao đời qua”, ông Vân chia sẻ.
Ông Vân vừa dứt lời, từ trong con hẻm nhỏ cuối xóm, tôi tình cờ gặp lại ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt – vị thuyền trưởng mới ngoài 50 tuổi nhưng có thâm niên ngót 30 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa.
Hình ảnh vị thuyền trưởng này đọng lại trong tôi là người đàn ông với nước da đen nhẻm, vóc dáng nhỏ thó, chất giọng hào sảng đậm chất cư dân miền biển.
Đặc biệt, câu nói quả quyết “Một khi dòng máu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc còn chảy thì không có lý do gì không bám trụ Hoàng Sa” của ông khiến tôi rất đỗi cảm phục.
Sự là, vào một chiều tháng 4/2018, tàu cá 720 CV của ông cùng 5 ngư dân địa phương khác đang đánh bắt ở vị trí cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 6 hải lý thì bị 2 tàu treo cờ Trung Quốc tấn công, đâm chìm.
Khi con tàu trị giá 1,8 tỷ đồng “bỏ mạng” ở Hoàng Sa, các ngư dân gặp nạn may mắn được một tàu ở cùng địa phương cứu vớt, đưa vào đất liền an toàn.
Vừa thoát chết trở về, việc đầu tiên vị thuyền trường này làm là mang sổ đỏ 2 căn nhà thế chấp, bắt tay đóng con tàu mới 3,3 tỷ đồng.
“Đầu tháng 8/2018, con tàu hơn 700 CV chính thức hạ thủy và liền lập tức mũi thuyền hướng về phía Hoàng Sa. Hơn 1 năm qua, tàu 8 lần xuất bến và đạp sóng ra Hoàng Sa đánh bắt.
Chuyến vươn khơi nào, tàu cập cảng cũng đầy ắp tôm cá. Dẫu có muôn trùng hiểm nguy nhưng Bãi Cát Vàng chưa bao giờ tuyệt đường cơm áo của ngư dân Gành Cả. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm hiện diện ở ngư trường Hoàng Sa”, thuyền trưởng Ngọt nói.
Ra ngõ gặp tỷ phú
Khép lại cuộc trò chuyện với ngư dân Ngọt, tôi rảo bước một vòng trên con đường bê tông phẳng lì dọc dài quanh xóm.
Gành Cả nhỏ bé với 2 dãy nhà đối mặt nhau.
Những căn nhà khang trang, to lớn chẳng khác nào dinh thự nằm san sát thực sự khiến tôi choáng ngợp. Ngỡ rằng, mình đang lạc bước giữa chốn phố thị phồn hoa, chứ không phải xóm chài ven biển.
Thấy tôi mắt tròn mặt dẹt ngạc nhiên, ông Bùi Hồng Vân tự hào khoe, cả xóm chài này có đến 4-5 chục căn nhà có giá bạc tỷ.
Theo ông Vân, thuở trước, xóm chài Gành Cả nghèo xác nghèo xơ với những mái nhà lụp xụp. Ngư dân trong làng đối mặt với cảnh chạy cơm từng bữa.
Thế nhưng, chừng 10 năm đổ lại, khi ngư dân được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư những con tàu hàng trăm mã lực vươn khơi, đó cũng là lúc cái nghèo, cái khó bị đẩy lùi về phía sau.
“Tôi có thể khẳng định chắc nịch rằng không một xóm chài nào ở vùng duyên hải miền Trung có số lượng tàu thuyền hiện diện ở Hoàng Sa nhiều như Gành Cả. Với những con tàu công suất lớn, chuyến vươn khơi kéo dài cả tháng trời ròng rã của ngư dân cũng mang lại sản lượng đánh bắt dồi dào hơn”, ông Vân cho hay.
Và khi ngư dân phất lên nhờ nghề biển, việc tậu dựng cơ ngơi khang trang như xây nhà, sắm sửa đồ dùng tiện nghi, sang trọng cũng là điều tất nhiên.
Vừa neo tàu vào bờ sau khi hay tin bão tố nổi lên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Bình không ngại chia sẻ về những chuyến biển bội thu tôm cá.
Theo ngư dân Bình, chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa của tàu ông và 12 bạn thuyền thường kéo dài 1 tháng.
“Trung bình 1 năm, tàu tôi có 8 chuyến vươn khơi. Nhiều lúc trúng mẻ cá lớn, tàu kiếm lời 6-7 trăm triệu là chuyện bình thường. Nhờ vậy, tôi và bạn thuyền có khoản thu nhập kha khá. Dư giả nhiều thì xây nhà đẹp”, ông Bình vui vẻ bộc bạch.
Ở Gành Cả, ngư dân Ngô Văn Bé (50 tuổi) là một trong số ít những người sở hữu cùng lúc 2 chiếc tàu công suất lớn.
2 con tàu mang số hiệu QNg 90077 TS, QNg 90647 TS của vị thuyền trưởng "cưỡi" sóng ra Hoàng Sa từ năm 18 tuổi có công suất lần lượt 730 CV và 733 CV.
Với kinh nghiệm từng trải cùng các con tàu đánh bắt hiệu quả, mỗi năm, ông Bé “bỏ túi” cả tỷ đồng nhờ nghề biển.
Nhiều người ví von, ở Gành Cả bây giờ, bước chân ra ngõ là đã gặp tỷ phú.
Những tỷ phú phất lên từ nghề biển, nhờ quần đảo Hoàng Sa – ngư trường truyền thống tự bao đời.
Bình luận