Chiều cuối tuần, khu phòng trọ nhỏ, xinh xắn nằm trong khuôn viên một căn nhà ở khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM rộn rã tiếng nói cười của nhiều phụ nữ dáng cao to, nước da ngăm đen. Xóm ôsin ngoại này có khoảng 30 người Philippines sinh sống, chuyên làm nghề giúp việc nhà, giữ trẻ tại các gia đình nước ngoài ở TP.
Gần gũi, thân thiện
Mới 16 giờ nhưng bữa tối đã được các phụ nữ ở phòng số 4 chuẩn bị sẵn sàng. Họ tranh thủ thời gian để còn tụ tập tại khoảng sân nằm cuối dãy phòng trọ để trò chuyện sau một tuần làm việc vất vả.
Ara (35 tuổi) và Lot-Lot (34 tuổi) vào bếp với 2 món đơn giản là salad và bánh pancake (giống bánh xèo nhưng không nhân). Ara vui vẻ giới thiệu với tôi 5 phụ nữ sống chung phòng: “Chúng tôi đều giúp việc nhà hoặc giữ trẻ cho các gia đình người nước ngoài”. Trong 6 người, Ara chỉ mới tới TPHCM được 1 tháng, còn người ở TP lâu nhất là bà Eva (45 tuổi).
Ara cho biết chị làm ôsin cho một gia đình người Anh ngụ tại một biệt thự ở cùng phường Thảo Điền. Chủ nhà có 2 con, con trai 7 tuổi và con gái 4 tuổi. Ara không tiết lộ tiền lương hằng tháng vì “đó là chuyện cá nhân” nhưng cho hay số tiền dành dụm gửi về Philippines cho chồng đủ nuôi 2 con. “Với số tiền ấy, bên Philippines, vợ chồng tôi vất vả lắm mới kiếm được” - chị nói.
Chị Ara mới đến TPHCM làm nghề giúp việc nhà, trông trẻ được 1 tháng |
Vừa làm bếp, Ara vừa hát theo lời ca khúc của một ca sĩ nổi tiếng Philippines phát ra từ chiếc radio. Bỗng nhiên, chị bồi hồi: “Mỗi khi nghe bài hát này, nước mắt tôi cứ tuôn rơi vì nhớ nhà. Sang đây, nhờ có Lot-Lot là em dâu ở chung nên chị em tôi cũng vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình”.
Tương tự chị em dâu Ara và Lot-Lot, 3 chị em ruột Eva, Elena, Ellen cũng rủ nhau sang TPHCM làm nghề giữ trẻ và giúp việc nhà. Cả 3 chị em đều cao to, khỏe mạnh. Người chị cả Elena trông khá trẻ so với tuổi 57, luôn cởi mở, thân thiện. “Đến TPHCM làm ôsin được 2 năm, thấy mức lương khá cao so với Philippines nên Eva rủ 2 chị sang làm ôsin. Tôi có 3 con, đứa lớn đã 23 tuổi, đứa út 17 tuổi đang học đại học ở Manila. Chồng tôi đã nghỉ hưu nên ở nhà chăm lo cho các con” – bà Elena cho biết.
Chịu thương, chịu khó
Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết dù điều kiện gia đình khá ổn định nhưng bà Elena vẫn chấp nhận tha hương để làm việc kiếm tiền. Bà Elena chân tình: “Khi nào 2 đứa con lớn của tôi có gia đình, đứa út học xong đại học thì tôi mới tính đến chuyện nghỉ ngơi”. Trước khi sang Việt Nam, bà Elena làm công nhân ở một nhà máy chuyên sản xuất dây đàn guitar ở ngoại ô Manila. Sau đó, nhà máy giảm biên chế nên bà phải nghỉ việc.
Đến TPHCM làm việc được 2 năm và là người lớn tuổi nhất ở xóm ôsin ngoại nhưng bà Elena lại là người chịu “cày” nhất với thời gian làm việc 15-16 giờ/ngày. “Tôi giúp việc cho một ông chủ người Ấn Độ ngụ tại cao ốc Thảo Điền Pearl. Tôi thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, 1 giờ sau đã có mặt ở nhà chủ để bắt đầu công việc hằng ngày. Vừa chăm trẻ vừa làm mọi việc trong nhà, đến khoảng 20 giờ, tôi mới có thể trở về phòng trọ ăn uống, tắm rửa” - bà kể.
Bà Elena cũng từ chối cho biết mức lương của mình, chỉ tỏ ra mãn nguyện khi nghe tôi hỏi đến. “Dù cực khổ cỡ nào nhưng kiếm được tiền gửi về chăm lo chu đáo cho gia đình, tôi đã thấy hạnh phúc không gì bằng” - bà tâm sự.
Một trong những phụ nữ ở xóm ôsin có thâm niên giữ trẻ, giúp việc nhà lâu nhất là bà Nene (43 tuổi), với 13 năm trong nghề. Em gái bà Nene có chồng người Anh làm việc ở Lãnh sự quán Anh tại TPHCM. Theo bà Nene, cách đây 15 năm, bà kết hôn và có 2 con gái sinh đôi nhưng đã chia tay chồng 7 năm nay.
Gửi con cho mẹ mình chăm sóc, bà theo em gái sang TPHCM phụ việc, sau đó chuyển qua làm nghề giữ trẻ ở các gia đình người nước ngoài. “13 năm nay, tôi đã giữ trẻ cho 3 chủ nhà là người nước ngoài. Hiện tôi đang làm cho một gia đình người Hà Lan có 2 con nhỏ, lương tháng 500 USD. Với tôi, nghề giữ trẻ giờ đây không chỉ để kiếm tiền mà còn vì mê tiếng ríu rít của con nít” - bà thổ lộ.
Nene khoe bà đã được đi du lịch đến Nha Trang, Quy Nhơn, Hà Nội… và “nơi nào cũng đều để lại ấn tượng vì tôi thấy người Việt Nam gần gũi, có cách sống không khác người Philippines là bao”. Theo bà Nene, một trong những nguyên nhân giúp ôsin người Philippines luôn được các gia đình người nước ngoài ở TPHCM ưu tiên lựa chọn là vì họ nói tiếng Anh tốt, lại chịu khó.
Không một lời than vãn về công việc của mình và luôn nhắc đến chủ nhà với một tình cảm quý mến là những gì tôi cảm nhận được ở những ôsin ngoại này. Họ cũng rất tần tảo, chịu khó, luôn tìm mọi cách để chăm lo tốt nhất cho gia đình như những người phụ nữ Việt Nam.
Chỗ dựa tinh thần
Ở khu nhà trọ này, 2 người đàn ông Philippines - ông July (47 tuổi) và anh Crisanto Sicat (28 tuổi) - được xem là chỗ dựa tinh thần cho nhiều ôsin đồng hương. Ở cuối dãy phòng trọ, July, người được xem là “thủ lĩnh” của xóm ôsin ngoại, có vẻ khá kín đáo và dè dặt khi gặp tôi. Tuy nhiên, khi biết công việc và mục đích của khách, ông dần dần tỏ vẻ thân thiện.
July cho biết ông có 2 con trai đều học ngành máy tính ở một trường đại học tại Manila. Cả 2 phải tá túc nhà người bác khi cha mẹ sang TPHCM làm việc. Vợ July nhỏ nhắn nhưng lớn hơn ông đến 5 tuổi. “Vợ tôi đến TPHCM cách đây 4 năm làm nghề giữ trẻ, sau đó tôi cũng sang theo. Ở xóm này, tôi là người hạnh phúc nhất vì vợ chồng có đôi” - ông July hóm hỉnh.
Những phụ nữ ở xóm ôsin ngoại tại quận 2 - TPHCM tụ tập nấu ăn, trò chuyện dịp cuối tuần |
Sang TPHCM làm rất nhiều nghề nhưng “không thích công việc nào cả”, cuối cùng, July vào chăm sóc vườn tược cho một gia đình người Pháp với mức lương 100.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, ông chỉ làm 3 giờ vào buổi chiều. “Tôi biết làm nhiều công việc, từng sang Qatar, Hàn Quốc, Nam Phi... kiếm sống. Tôi biết lái xe và có bằng lái của Việt Nam nhưng khi xin lái xe buýt, không hiểu sao công ty lắc đầu, hỏi làm tài xế cho một công ty tư nhân cũng bị từ chối” - July nói.
Trong khi đó, với dáng người thấp đậm, gương mặt tươi vui, Crisanto không nói rành tiếng Việt nhưng đều hiểu và trả lời được những câu hỏi của tôi. “Người Sài Gòn thân thiện. Điều kiện làm việc và môi trường sống ở đây cũng thích hợp” - Crisanto nhận xét.
Crisanto chỉ học hết cấp 3 nhưng có kinh nghiệm thiết kế nên ở Philippines cũng như khi sang TPHCM, anh đều làm giám sát các công trình xây dựng. Sau khi làm việc tại một cao ốc ở Hà Nội được 1 năm, qua lời giới thiệu của bạn bè, Crisanto chuyển vào TPHCM với công việc giám sát công trình từ 2 năm nay. “Mỗi tháng, trung bình tôi kiếm được 700-750 USD. Trừ tiền nhà 2,5 triệu đồng, ăn tiêu 3 triệu đồng và 6 triệu đồng gửi về nhà, số còn lại tôi dành dụm để phòng thân” - anh thật thà.
Crisanto còn vợ và 2 con nhỏ ở Philippines. “Vợ tôi đang thất nghiệp nên tôi càng nặng gánh. Gần 1 tháng nay, tôi lại không đi làm vì chủ công trình chỉ trả lương tháng 650 USD” - Crisanto lo lắng. Thế nhưng, chỉ thoáng sau, anh đã vồn vã giải thích vì sao mình nói được tiếng Việt và rất thích ở lại TPHCM: “Tôi vừa quen một cô bạn người Việt. Cô ta rất hiền và dễ thương…”.
Theo NLĐ
Bình luận