PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Đại học Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguyên nhân hội chứng hậu COVID-19 là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm, xơ hóa, rối loạn đông máu... Ngoài ra hậu COVID-19 còn do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo.
Các nghiên cứu chỉ ra những di chứng thể chất có thể gặp là xơ phổi, đột quỵ, tổn thương thận cấp, huyết khối tĩnh mạch, mệt mỏi; những di chứng về tâm lý, tinh thần như suy giảm nhận thức, mất ngủ, vấn đề về trí nhớ, trầm cảm.
Trong đó xơ phổi và tắc mạch phổi là hai di chứng rõ ràng và nặng nề nhất ở hội chứng hậu COVID-19. Biểu hiện hô hấp thường là tình trạng khó thở các mức độ từ nhẹ đến nặng; ho kéo dài, đau tức ngực; suy giảm chức năng hô hấp.
Bệnh xơ phổi
Theo chuyên gia, nhóm bệnh nhân nguy cơ cao mắc bệnh xơ phổi do hậu COVID-19 là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài; bệnh đồng mắc; bệnh phổi kẽ có từ trước; mức độ nặng ở giai đoạn cấp.
Đa số bệnh nhân xuất hiện bất thường sẽ xuất hiện triệu chứng hô hấp (khó thở, ho) và các bất thường chức năng hô hấp. Đặc biệt cần lưu ý chẩn đoán xác định xơ phổi hậu COVID-19 ở bệnh nhân sau 4 tuần bị nhiễm COVID-19 vẫn còn tình trạng thở nhanh, ho, tức nặng ngực, giảm oxy máu (SpO2 <95%).
Để chẩn đoán bệnh nhân xơ phổi hậu COVID-19, PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng nêu cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán như: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang hoặc CT-Scanner phổi); các chỉ định thăm dò chức năng như đo chức năng hô hấp, đo khuyếch tán khí oxít carbon qua màng phế nang - mao mạch phổi, đo oxit nitơ ở phế nang trong hơi thở ra, đo khí máu động mạch, đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp.
Việc tập phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện sớm với người bệnh bị xơ phổi hậu COVID-19. Việc này giúp cải thiện khả năng dung nạp với gắng sức của người bệnh, tình trạng thở nhanh hậu COVID-19, tình trạng sức cơ và cơ học hô hấp (biên độ hô hấp của lồng ngực - bụng và chuyển động của cơ hoành).
Tắc mạch phổi
Tắc mạch phổi là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID-19 từ mức độ nặng hoặc trung bình trở lên. Để chẩn đoán bệnh cần dựa trên kết quả xét nghiệm D-Dimer máu cao, kèm theo dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và chẩn đoán bằng chụp CT phổi có tiêm thuốc cản quang dựng hình động mạch phổi.
Để quản lý sức khỏe toàn diện của bệnh tắc mạch phổi, PGS Phượng chia sẻ kinh nghiệm cách tiếp cận toàn diện tình trạng hậu COVID-19 gồm: Đánh giá toàn diện sau COVID-19 về nhu cầu của người bệnh; đánh giá và xử trí tình trạng khó thở, ho, đau tức ngực... ; điều trị triệu chứng hoặc chăm sóc giảm nhẹ khi cần thiết.
Ngoài ra, cần xem xét các nhu cầu phục hồi chức năng khi cần thiết; đánh giá và điều trị các hội chứng tâm lý như hội chứng lo âu,…; đánh giá tâm lý xã hội và chuyển tiếp khi được yêu cầu; quản lý bệnh đồng mắc.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng lưu ý, hậu COVID là vấn đề sức khỏe được người dân quan tâm, lo lắng, nhất là các những bệnh nhân vừa phục hồi sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, sau mắc COVID-19 người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe toàn diện.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu COVID-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực,…), việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau COVID-19.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chiến lược tiếp cận toàn diện về đánh giá và chăm sóc tình trạng hậu COVID-19 cho người bệnh cũng như cần phối hợp đa chuyên khoa trong quản lý, điều trị và theo dõi bệnh nhân sau nhiễm COVID do tổn thương đa cơ quan. Đặc biệt, cần chú ý phục hồi chức năng sớm nhất có thể và thích hợp.
Bình luận