• Zalo

Xả rác bừa bãi là thói dã man, thói man rợ

Bạn đọc Thứ Hai, 06/01/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng hành động vứt rác bừa bãi nơi công cộng là biểu hiện của thói dã man, thói man rợ.

(VTC News) - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện xã hội học) cho rằng hành động vứt rác bừa bãi nơi công cộng là biểu hiện của thói man rợ.

PGS.TS.Trịnh Hòa Bình
- Nhiều người Việt có thói quen vứt rác bừa bãi nơi công cộng, nhất là trong những buổi lễ hội, đền, chùa...dù xung quanh đều có thùng rác. Ông đánh giá thế nào về hành vi này?

Khi nói tới thói quen của người Việt hay vứt rác nơi công cộng là nói tới tập quán sinh hoạt có bắt nguồn từ tác phong của nền sản xuất tiểu nông lúa nước, văn minh làng xã đó là sự tùy tiện, thoải mái, tự do.

Tuy chúng ta biết rằng người Việt Nam có tính cố kết cộng đồng, nhưng chỉ là phương diện con người còn về kinh tế, chính trị dường như tính chất tự do tùy tiện, tính chất cá nhân hóa như một thành tố của xã hội hiện đại lại hiển hiện trong văn hóa ứng xử.


Thói tự do đó không chỉ có trong việc vứt rác bừa bãi, thái độ ứng xử với tài nguyên môi trường mà còn thể hiện trong hàng loạt nề nếp sinh hoạt trong cộng đồng đó là việc đi sớm về muộn, chấp hành hiệu lệnh tập trung chậm. Điều đó nói chắc chắn không oan với người Việt. Đây là thói quen tương thích với tốc độ dòng chảy của nền sản xuất nhàn tảng.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, từng bước thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân thì tác phong công nghiệp, thái độ ứng xử với thiên nhiên, tài nguyên môi trường, thói quen vệ sinh ngăn nắp vẫn đang là một thách thức. Khi bước vào nền sản xuất công nghiệp lớn thì tự khắc con người sẽ không còn lề thói của nền sản xuất cũ.

Chúng ta đã vận động người dân giữ gìn vệ sinh nơi công cộng từ lâu nhưng gốc rễ của tác phong tự do, tùy tiện vẫn ăn sâu, nhưng có lẽ do thực tế chưa đòi hỏi vấn đề phải thực hiện một cách gắt gao nên việc thay đổi nhận thức của người dân là rất khó khăn.

 
Ở rất nhiều gia đình văn minh hiện đại, toa lét rất sạch sẽ, nhưng ra đường lại đi bậy bạ, dù họ biện minh là không đủ cơ sở vệ sinh công cộng nhưng điều này cũng thể hiện sự vị kỷ, tùy tiện trong ứng xử của người Việt Nam.
PGS.TS.Trịnh Hòa Bình
 
- Các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore rất quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh công cộng, nhưng người Việt thì vẫn chưa học hỏi được những nét đẹp này, vì sao lại như vậy, thưa ông?


Người Nhật Bản vẫn thường bị gọi là Nhật lùn, sau chiến tranh thế giới thứ 2 với tư cách là kẻ thua trận, người Nhật đã quyết tâm xây dựng đất nước, thậm chí cải tạo nòi giống để thành cường quốc và thể trạng người Nhật hiện nay đã được cải thiện đáng kể.


Theo tôi, việc thay đổi một thái độ ứng xử có lẽ không đến nỗi khó như việc cải tạo giống nòi. Chúng ta có thể làm được nếu được tổ chức tốt, được vận động từ trong Đảng ra ngoài, mọi ngành, mọi giới, mọi cấp, đây không phải việc của riêng ai.

Bên cạnh đó, luật pháp rất quan trọng. Thiết chế luật pháp phải cụ thể hóa và phải nhằm tôn vinh những việc làm đúng, xử phạt nghiêm minh những hành vi bất cập, thái quá với chuẩn mực, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật trong đó pháp luật điều chỉnh hệ thống hành vi ứng xử.


- Có quan điểm cho rằng, việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng thể hiện tính ích kỷ của con người, bởi ở nhà họ luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhưng khi ra đường họ lại vô tư xả rác?

Ở rất nhiều gia đình văn minh hiện đại, toa lét rất sạch sẽ, nhưng ra đường lại đi bậy bạ, dù họ biện minh là không đủ cơ sở vệ sinh công cộng nhưng điều này cũng thể hiện sự vị kỷ, tùy tiện trong ứng xử của người Việt Nam.

Lại là câu chuyện xây dựng đạo đức mới, những chuẩn mực trong hành vi ứng xử với cộng đồng. Họ có thể giữ gìn trong nhà rất sạch sẽ, nhưng lại có thể vứt rác sang nhà hàng xóm.


Trong những trường hợp đặc biệt, trên cơ sở bảo vệ lợi ích của mình họ còn xâm phạm đến lợi ích người khác, từ những ví dụ như vậy đi đến câu chuyện hôi bia, hôi ngô của thiên hạ thì không cách bao xa. Khi người ta khuyết danh trong một đám đông họ có thể làm tất cả. Nếu nói một cách đau đớn là thói dã man, thói man rợ.

- Vậy để người dân thay đổi nhận thức về việc giữ gìn vệ sinh công cộng cần phải làm những gì, thưa ông?
Người dân vô tư ăn uống, xả rác bừa bãi trên đường phố. 
Trong một cộng đồng tạm gọi là mông muội thì đôi khi thói quen được cưỡng bức thực hiện lâu dần sẽ tác động vào ý thức. Đó là một cách tiếp cận. Rõ ràng cách tiếp cận bình thường sẽ là suy nghĩ thế nào hành vi thế ấy.

Ý thức cộng đồng chỉ tốt theo khía cạnh cố kết để bảo vệ lợi ích nhưng lại bộc lộ hạn chế, thói ích kỷ tiểu nông, thói tùy tiện. Để đi đến một ý thức “mọi người vì một người, một người vì mọi người” là một câu chuyện dài nhưng không phải là không làm được. Bằng chứng là đã có thời gian xã hội ta đề cao được lẽ sống ấy.


Rõ tràng trong thời gian vừa qua, có thể xem hệ lụy của cơ chế thị trường, việc tôn thờ đồng tiền, thói vị kỷ làm méo mó biến dạng hành vi đạo đức trong đời sống văn hóa, văn minh, thậm chí là vấn đề vệ sinh của người Việt ta.

Vậy đây vẫn là câu chuyện vận động trên bình diện toàn xã hội, là việc của mọi người, mọi nhà ,trong đó thiết chế chính trị giữ vai trò trung tâm.

 - Vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra Dự thảo Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, mức xử phạt sẽ lên đến 1 triệu đồng cho hành vi vứt rác không đúng nơi quy định. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo luật trên?


Hiện nay người ta có nhiều mốt ngược nhau. Giới có trách nhiệm thì thi nhau lập ra các văn bản quy phạm pháp luật lên tầm nghị định nhưng không nghiên cứu kỹ cơ sở khả thi nên dẫn đến hài hước, không sát với thực tế. Bên cạnh đó còn có mốt của các nhà hoạt động xã hội tỏ vẻ thông tuệ hay đánh hôi những văn bản ấy.

Để có những văn bản khả thi phải xây dựng một cách khoa học, phải có quy trình, bước đi, logic khoa học và logic thực tiễn những sự vật, hiện tượng đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Như tôi đã nói ở trên, cần phải xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật điều chỉnh hành vi xã hội. Thiết chế pháp luật quan trọng chỉ kém thiết chế chính trị trung tâm nên phải tăng cường.

Phải tính đến hai chiều, quan tâm đến tính khả thi. Không được hài hước gây cười về phương diện lý thuyết, và không quá xa rời thực tiễn. Dự thảo trên không rõ ràng chủ thể thưởng phạt, ai là người thu tiền phạt, ai là người thực hiện điều đó. Thực hiện được hay không phải có sự kiên trì. Phải tính đến cơ chế để luật được đảm bảo thực hiện.

Trần Thúy

Bình luận
vtcnews.vn