Không đóng tiền thì… lội sông mà đi
Vừa hoàn thành cuốc xe chở khách từ TP Lạng Sơn về xã Vân Mộng, tài xế Nguyễn Văn Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) ngán ngẩm: "Không hiểu sao ở vùng sâu, vùng xa thế này vẫn còn trạm thu phí. Lúc đi qua cầu tôi thắc mắc hỏi người gác thì họ bảo nếu không muốn mất tiền thì lội xuống sông này mà đi”.
Không chỉ những tài xế như anh Hòa mà bất kỳ người dân nào thuộc xã miền núi biên giới Vân Mộng này khi đi qua cây cầu Hát Cáy đều phải đóng phí 5 nghìn đồng cho người đi bộ và 10 nghìn đồng cho người đi xe máy.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Đông (21 tuổi), người thôn Ôn Cựu 2, xã Vân Mộng cho biết: "Việc thu phí này đã kéo dài khoảng 2 năm nay và người dân ở xã tôi đã quen với điều này. Ngày trước chưa có cầu muốn đi toàn phải lội sông, mùa mưa thì không lội được nguy hiểm lắm. Bây giờ có cầu thì phải đóng tiền để được đi thôi.”
Được biết, cây cầu Hát Cáy bắc qua sông Kỳ Cùng nối hai xã Vân Mộng và xã Xuân Lễ hướng ra quốc lộ 4B được khánh thành vào cuối năm 2014 bằng nguồn vốn xã hội hóa sau bản hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Vân Mộng (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) với doanh nghiệp tư nhân Đức - Tín - Hưng (doanh nghiệp chi tiền xây cầu Hát Cáy) do ông Nguyễn Đình Đông làm chủ.
Trong bản hợp đồng ghi rõ, sau khi hoàn thành cầu thì doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn từ các hộ dân và những người có nhu cầu qua lại. Mỗi gia đình sẽ đóng góp 500.000 đồng/năm, gia đình chính sách được giảm một nửa.
Mức thu là 5 nghìn đồng/2 lượt (cả đi lẫn về) cho người đi bộ và 10 nghìn đồng/2 lượt cho người đi xe máy (cả đi lẫn về), các phương tiện khác đều có bảng giá niêm yết rõ ràng trong hợp đồng từ 10 đến 50 nghìn đồng. Việc thu phí này sẽ kéo dài trong 10 năm, sau 10 năm doanh nghiệp sẽ giao lại cầu cho xã quản lý.
Chờ Nhà nước đến bao giờ?
Chia sẻ với PV, ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND Vân Mộng cho biết: “Trước khi xây cầu vào cuối năm 2014, việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, chủ yếu là lội sông vào mùa khô còn vào mùa lũ thì mọi hoạt động gần như đóng băng. Không ít trường hợp người dân bị đuối nước khi lội sông vô cùng thương tâm”.
Được biết, UBND xã Vân Mộng đã nhiều lần kiến nghị về việc xin nguồn vốn Nhà nước xây cầu khi đoàn đại biểu HDND huyện Lộc Bình và tỉnh Lạng Sơn về tiếp xúc cử tri ở địa phương.
Đến năm 2012, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có phê duyệt đầu tư nguồn vốn nhà nước để xây cầu nhưng không hiểu vì lý do gì đến giai đoạn gần cuối năm 2014 nguồn vốn này vẫn chưa được giải ngân và chính quyền xã Vân Mộng đã quyết định hợp tác cùng doanh nghiệp tại địa phương xây cầu bằng nguồn vốn xã hội hóa để giải quyết khó khăn trong việc đi lại của người dân.
“Trước khi khởi công xây dựng cây cầu vào năm 2014, doanh nghiệp và Uỷ ban xã Vân Mộng đã nhận được sự đồng ý của UBND huyện Lộc Bình và đại đa số người dân xã Vân Mộng.
Trong bản hợp đồng cũng có ghi rõ sau khi xây dựng cầu, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn bằng nguồn xã hội hóa theo cách: Thu theo năm là 500 nghìn với những hộ dân đi xe máy (giảm 1 nửa đối với các gia đình chính sách), thu theo lượt (cả đi cả về) sẽ là 10 nghìn với xe máy và 5 nghìn với người đi bộ, các phương tiện khác có những mức thu theo quy định tại hợp đồng”, ông Dương cho biết thêm.
“Đôi lúc chúng tôi cũng nhận được những phản ánh từ người dân các khách vãng lai rằng người ta đi qua cầu đẹp, rộng, êm ro không phải đóng phí mà mình thì mỗi năm phải đóng phí để đi nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì hiện tại vẫn là xã khó khăn mà chờ nguồn vốn xây cầu từ Nhà nước thì không biết đến bao giờ”, vị chủ tịch xã bộc bạch.
Được biết, Vân Mộng là một xã miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn cách thành phố Lạng Sơn 23 km theo đường Quốc lộ 4B từ Lạng Sơn đi Quảng Ninh. Nằm gần biên giới với Trung Quốc, với hơn 500 hộ dân, đời sống của người dân xã miền núi này còn nhiều khó khăn.
Video: Dân đưa hàng chục ô tô chặn cầu Bến Thủy 1 để phản đối thu phí
Bình luận